Lợi nhuận của Đạm Cà Mau dự báo sẽ có đột biến trong quý 4

DCM Đạm Cà Mau
14:41 - 08/11/2023
Lợi nhuận của Đạm Cà Mau dự báo sẽ có đột biến trong quý 4
0:00 / 0:00
0:00

CTCP Chứng khoán Dầu khí dự báo, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của Đạm Cà Mau năm 2023 sẽ ở mức khoảng 12.460 tỷ đồng và 1.051 tỷ đồng, tương ứng giảm lần lượt 21% và 75% so với năm trước.

Dự báo trên dựa trên giả định lợi nhuận sau thuế của CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau, HoSE: DCM), sẽ có đột biến trong quý 4/2023, điều chỉnh giá phân bón trung bình cả năm 2023 lên 355 USD/tấn. Đồng thời, nâng giả định sản lượng tiêu thụ phân bón năm 2023 của DCM lên 904.000 tấn (tương ứng tăng 7% YoY) do nhu cầu nhập khẩu từ các nước trên thế giới gia tăng trong bối cảnh khủng hoảng an ninh lương thực.

Theo báo cáo tài chính quý 3, doanh thu thuần của DCM trong 9 tháng đầu năm là 9.036 tỷ đồng, giảm 21% so với cùng kỳ năm trước (YoY); lợi nhuận sau thuế đạt 616 tỷ đồng, giảm 81% YoY.

Giá ure thế giới tăng, kéo giá nội địa tăng theo

Theo báo cáo, giá ure tại các thị trường chủ chốt hơn 2 tháng trở lại đây tăng cao do nguồn cung bị thắt chặt khi Nga tiến hành bảo dưỡng các nhà máy sản xuất phân bón vào tháng 7 và 8.

Đồng thời, từ đầu tháng 9/2023, theo nguồn tin của Bloomberg, một số nhà sản xuất phân bón lớn của Trung Quốc đã ngừng ký các hợp đồng xuất khẩu mới theo yêu cầu của chính phủ nước này, và hạn chế này chỉ áp dụng đối với phân ure. Điều này tác động không nhỏ tới thị trường phân bón toàn cầu bởi Trung Quốc là nước sản xuất và tiêu thụ ure hàng đầu thế giới.

Trong khi đó, Ai Cập cắt giảm 30% lượng khí cho sản xuất phân bón. Năm ngoái, Ai Cập chiếm 4% sản lượng sản xuất và 8% sản lượng xuất khẩu ure toàn cầu.

Về phía cầu, các chuyên gia PSI cho biết, quý 4 sẽ là mùa cao điểm yếu tố vụ mùa, thúc đẩy nhu cầu phân bón thế giới cao hơn, đặc biệt là 2 thị trường nhập khẩu phân ure lớn nhất thế giới là Brazil và Ấn Độ.

Đặc biệt, động lực thúc đẩy giá ure phục hồi là đợt thầu mua ure của Ấn Độ khi công ty IPL (Ấn Độ) dự kiến cần khoảng 2 triệu tấn ure nhằm đáp ứng nhu cầu cho vụ lúa mỳ Rabi (vụ Xuân) vào cuối năm 2023.

Với các biến động giá phân bón thế giới, thị trường ure trong nước cũng ghi nhận tăng giá, tuy nhiên sẽ khó tăng mạnh như những năm 2021, 2022, theo PSI. Tính đến ngày 28/9, giá ure Cà Mau tăng khoảng 18% so với hồi tháng 7/2023, lên 10.000-11.000 đồng/kg, là mức cao nhất trong vòng 8 tháng trở lại đây.

Ảnh: PSI

Ảnh: PSI

Nhà máy ure hết khấu hao kể từ quý 3/2023, nguyên tắc phân bổ khí mới trong năm 2023 sẽ tác động đến lợi nhuận của Đạm Cà Mau

Nhà máy ure của DCM đi vào hoạt động từ quý 4/2011, được sử dụng chính sách khấu hao đường thẳng trong vòng 12 năm với chi phí khấu hao máy móc và thiết bị hằng năm gần 1.000 tỷ đồng/năm. Do đó phần chi phí khấu hao máy móc thiết bị giảm bớt sẽ giúp doanh nghiệp giảm chi phí và gia tăng trực tiếp lợi nhuận. Qua đó mức lợi nhuận đến từ hoạt động kinh doanh trong quý 4/2023 được PSI dự báo sẽ có sự đột biến so với quý 3/2023.

Về nguyên tắc phân bổ khí, trong giai đoạn 2020-2021, cơ cấu nguồn khí sử dụng cho nhà máy DCM gồm 90% lượng khí tiêu thụ được mua từ quyền nhận của PVN và 10% còn lại được mua bổ sung từ Petronas – giá khí ước cao gấp đôi so với PVN.

Tuy nhiên kể từ ngày 1/1/2023 trở đi lượng khí thuộc quyền nhận của PVN phân bổ đều cho nhà máy Đạm Cà Mau, các nhà máy Điện Cà Mau và nhà máy GPP Cà Mau theo tỷ trọng tiêu thụ thực tế hàng tháng. Lượng khí còn thiếu sẽ được bổ sung bằng khí bổ sung mua từ Petronas.

DCM đang tạm trích dự phòng phải trả ngắn hạn chi phí giá khí trong năm 2023 tại thời điểm 30/9/2023 với giá trị 1.305,6 tỷ đồng theo tỷ lệ phân bổ giữa lượng khí mua từ quyền nhận của PVN và mua ngoài từ Petronas là 50-50, sau đó sẽ quyết toán lại theo tỷ lệ tiêu thụ thực tế với PVN vào cuối năm. Do đó nếu lượng tiêu thụ khí thực tế bổ sung từ Petronas thấp hơn 50%, DCM sẽ có thể hoàn nhập một phần chi phí khí đầu vào tại thời điểm cuối năm sau quyết toán với PVN.

Động lực tăng trưởng mới từ việc mua lại phần vốn góp KVF

Ngày 20/10/2023 vừa qua, HĐQT Đạm Cà Mau đã thông qua chủ trương mua lại 100% phần vốn góp tại công ty TNHH Phân bón Hàn - Việt (KVF) từ chủ sở hữu. Với công suất sản xuất 360.000 tấn phân bón NPK/năm đến từ 2 dây chuyền sản xuất, việc sở hữu Phân bón Hàn – Việt sẽ gia tăng năng lực sản xuất phân bón NPK của DCM lên hơn gấp đôi.

Hiện tại công suất của nhà máy NPK Cà Mau là 300.000 tấn/năm. DCM có lợi thế hơn so với các doanh nghiệp NPK khác khi có khả năng tự chủ được nguồn phân ure đầu vào. Bên cạnh đó, với vị trí chiến lược của nhà máy phân bón NPK Hàn – Việt tại khu công nghiệp Hiệp Phước (TP HCM), doanh nghiệp sẽ có những bước tiến quan trọng vào thị trường tiềm năng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.

Kể từ ngày 15/07/2023, thuế xuất khẩu phân bón NPK đã giảm về 0%, đây sẽ là động lực tăng trưởng mới cho Phân bón Dầu khí Cà Mau, đặc biệt trong bối cảnh doanh nghiệp còn đang đẩy mạnh xuất khẩu.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Ảnh minh họa: Lê Hồng Nhung - Mekong ASEAN

Giá thực phẩm thế giới giảm tháng thứ 7 liên tiếp

Theo báo cáo của Tổ chức Lương Nông Liên Hợp Quốc (FAO), giá lương thực thực phẩm thế giới tiếp tục giảm trong tháng 2/2024, tháng thứ bảy liên tiếp duy trì xu thế đi xuống. Trong đó, tất cả các loại ngũ cốc thiết yếu đều giảm, bất chấp giá đường và thịt tăng.
Xuất khẩu chè tháng 1/2024 tăng trưởng mạnh

Xuất khẩu chè tháng 1/2024 tăng trưởng mạnh

Tháng 1/2024, xuất khẩu chè của Việt Nam đạt 12.398 tấn, trị giá hơn 21 triệu USD, giảm 9,7% về lượng và 10% về trị giá so với tháng trước nhưng tăng khoảng 85% cả về lượng và trị giá so với cùng kỳ 2023, theo số liệu của Tổng cục Hải quan.
Tín hiệu hồi phục của ngành F&B tại Việt Nam

Tín hiệu hồi phục của ngành F&B tại Việt Nam

Ngành kinh doanh ẩm thực và đồ uống (F&B) Việt Nam đã trải qua năm 2023 vô cùng khó khăn, được giới chuyên gia nhận định là “kỳ kiểm tra” tiếp theo sau đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, cuối năm các tín hiệu tích cực đã xuất hiện báo hiệu sự phục hồi mạnh mẽ.