Ngày 5/4, Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu HSBC phát hành báo cáo "Vietnam at a glance: Bình tĩnh tiến bước" nhận định, mặc dù Việt Nam sẽ chứng kiến triển vọng tăng trưởng tốt hơn trong năm Giáp Thìn, GDP quý 1/2024 tăng trưởng với tốc độ chậm hơn kỳ vọng, ở mức 5,7% so với cùng kỳ năm trước.
Tất nhiên, kết quả này không có nghĩa câu chuyện phục hồi bị "lạc nhịp". Thực tế, Việt Nam vẫn duy trì vững vàng lộ trình phục hồi với mũi nhọn dẫn đầu là triển vọng thương mại tươi sáng hơn.
Không chỉ chu kỳ thương mại ngắn hạn xoay chiều mà triển vọng FDI dài hạn tích cực cũng tiếp tục kéo dài. HSBC nhận định, để lấy lại tăng trưởng như trước đại dịch, Việt Nam cần lan tỏa tăng trưởng từ lĩnh vực thương mại ra các dịch vụ trong nước.
Cẩn trọng với áp lực giá
Thêm nữa, lạm phát của Việt Nam chủ yếu vẫn ổn, nằm dưới trần lạm phát 4,5% của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Mặc dù vậy, HSBC vẫn liên tục nhấn mạnh, các rủi ro tăng lạm phát vẫn còn đó.
Một phần là do lạm phát giá gạo vẫn dao động ở mức hai con số. Điều đó cho thấy tác động của giá gạo thế giới lên giá gạo trong nước ngay cả đối với một nước xuất khẩu gạo như Việt Nam. Trong khi đó, mặc dù lạm phát năng lượng đã thuyên giảm nhưng vẫn cần theo dõi chặt chẽ.
"Chúng tôi đã cập nhật dự báo do GDP quý 1 yếu hơn kỳ vọng. Chúng tôi giữ nguyên dự báo tăng trưởng cho năm 2024 ở mức 6% nhưng đã điều chỉnh dự báo theo quý do kỳ vọng hoạt động kinh tế sẽ gia tăng mạnh hơn trong sáu tháng cuối năm," bà Yun Liu, chuyên gia kinh tế phụ trách thị trường ASEAN, Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu HSBC nêu.
Trong khi đó, về lạm phát, HSBC kỳ vọng lạm phát bình quân sẽ neo quanh mức 3,9%, mặc dù có tăng nhưng vẫn dưới trần lạm phát của NHNN. Do vậy, cơ quan này không kỳ vọng NHNN sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ trong tương lai gần.
Kinh tế Việt Nam phục hồi chưa đồng đều
Tăng trưởng GDP Quý 1/2024 của Việt Nam đạt mức 5,7% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức dự báo của HSBC và thị trường là 6,4% so với cùng kỳ. Mặc dù vậy, điều này không có nghĩa là sự phục hồi bị chậm lại, đây là câu chuyện phục hồi diễn ra không đồng đều.
Sự sụt giảm gây ngạc nhiên nhất đến từ khu vực dịch vụ, lĩnh vực này chỉ tăng trưởng 6,1% trong quý 1/2024 so với cùng kỳ năm trước. Quá trình phục hồi tiếp tục diễn ra theo nhiều chiều hướng khác nhau, trong đó, các lĩnh vực trong nước bị tụt lại phía sau so với các lĩnh vực bên ngoài.
Cụ thể, dịch vụ "thông tin và truyền thông", tài chính và dịch vụ chuyên nghiệp đã chậm lại từ Quý 4/2023, còn ngành bất động sản vẫn đóng góp ít ỏi cho tăng trưởng kinh tế, phản ánh sự suy yếu kéo dài trong chu kỳ bất động sản.
Trong khi đó, tăng trưởng kinh doanh bán lẻ chưa trở lại mức xu hướng trước đại dịch, so với xu hướng này thì vẫn còn hụt đáng kể khoảng 10%. Mặc dù chu kỳ xuất khẩu của Việt Nam đã bắt đầu nhìn thấy tín hiệu phục hồi nhưng vẫn chưa đủ để chuyển hóa thành một cú hích đáng kể cho các lĩnh vực trong nước.
Tuy nhiên, các dịch vụ liên quan đến du lịch tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực. Lần đầu tiên kể từ Covid-19, số lượng du khách đến Việt Nam hàng tháng gần chạm mốc 1,6 triệu, vượt 13% so với mức trước đại dịch. Trong đó, việc du khách Trung Quốc đại lục ồ ạt quay trở lại cũng hỗ trợ du lịch tăng trưởng.
Mặc dù sự phục hồi diễn ra không đồng đều trong ngành dịch vụ, lĩnh vực sản xuất phục vụ xuất khẩu bên ngoài tiếp tục lấy lại phong độ trước đây. Xuất khẩu trong tháng 3 tăng trưởng hơn 14% so với cùng kỳ năm trước, đưa tăng trưởng cả quý lên 17% so với cùng kỳ năm trước.
Chuyên gia kinh tế phụ trách thị trường ASEAN cho rằng, nguyên nhân chủ yếu là do một đợt đi lên của chu kỳ điện tử, được hưởng lợi nhờ đóng vai trò trung tâm sản xuất quan trọng cho điện thoại thông minh của Samsung.
Bên cạnh điện tử, sự phục hồi của xuất khẩu tiếp tục lan rộng sang những ngành hàng khác như dệt may và da giày, mặc dù đóng góp vào tăng trưởng kinh tế vẫn còn thấp.
Trong khi thương mại ngắn hạn sẽ sớm cất cánh, triển vọng dài hạn của FDI tiếp tục là một điểm sáng. Vốn FDI đầu tư mới trong quý 1/2024 tăng gần 60% so với cùng kỳ năm trước, 65% trong số đó tập trung vào lĩnh vực trụ cột là sản xuất, phần còn lại rót vào bất động sản.
Khi xem xét nơi xuất phát của vốn đầu tư, điểm thú vị là Singapore đã giành ngôi vương là nước cung cấp FDI lớn nhất vào Việt Nam, với tỷ lệ ấn tượng là 50%. Khu vực Trung Quốc, Hong Kong (Trung Quốc), Đài Loan (Trung Quốc), Macau (Trung Quốc) từng chiếm một nửa FDI của Việt Nam trong năm 2023, nay chỉ còn chiếm tổng cộng 15%.
Nhìn chung, chúng tôi tin rằng Việt Nam đang đi đúng hướng để chứng kiến triển vọng tăng trưởng tốt hơn trong năm 2024 dù sẽ cần thời gian để sự phục hồi lan tỏa rộng khắp. Chúng tôi giữ nguyên dự báo tăng trưởng GDP 6,0% cho năm nay nhưng điều chỉnh dự báo theo quý với kỳ vọng sự phục hồi sẽ lan rộng hơn nữa trong sáu tháng cuối năm 2024.