Kết quả này đã cao hơn dự báo trước đó là cả năm xuất khẩu khoảng 7,1 triệu tấn gạo và gần đạt bằng mức sản lượng dự tính của Bộ Công Thương trước đó là cả năm xuất khẩu khoảng 8 triệu tấn, kim ngạch khoảng 4,5 tỷ USD.
Với đà này, các chuyên gia ước tính, năm 2023, xuất khẩu gạo có thể lên tới 8,2 triệu tấn với kim ngạch đạt gần 4,8 tỷ USD. Đạt mức cao nhất từ năm 1989 (năm Việt Nam bắt đầu xuất khẩu gạo) tới nay.
Trước đó, kỷ lục về sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam mới chỉ đạt khoảng 7,1 triệu tấn vào năm 2011 và 2022. Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, về lượng, xuất khẩu gạo của Việt Nam năm nay đã vượt 0,8 triệu tấn so với kỷ lục cũ. Xét về giá trị, kim ngạch xuất khẩu cũng đang vượt 0,85 tỷ USD so với kỷ lục cũ năm 2011 (3,65 tỷ USD). Bộ Công Thương từng nhận định, năm nay sẽ là năm thắng lợi của thương mại gạo.
Tính riêng nửa đầu tháng 12, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 292.192 tấn, trị giá hơn 200 triệu USD, tăng 8,6% về lượng và 9,9% về trị giá so với nửa cuối tháng 11/2023; tăng 43,9% về lượng và tăng tới 91,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Trị giá xuất khẩu tăng vọt nhờ giá gạo xuất khẩu của Việt Nam vẫn neo ở mức cao trong thời gian qua.
Cụ thể, theo số liệu được công bố ngày 22/12 của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá xuất khẩu gạo 5% tấm của Việt Nam ở mức 653 USD/tấn; giá gạo loại 25% tấm ở mức 633 USD/tấn.
Với Thái Lan, giá xuất khẩu gạo 5% tấm ở mức 648 USD/tấn; giá gạo loại 25% tấm là 584 USD/tấn; giá gạo loại 100% tấm ở mức 488 USD/tấn.
Giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Pakistan đang ở mức 593 USD/tấn; giá gạo loại 25% tấm dao động quanh mức 513 USD/tấn; giá gạo loại 100% giao dịch ở mức 468 USD/tấn.
Nếu xét về các thị trường xuất khẩu gạo, riêng trong tháng 11/2023, xuất khẩu gạo sang thị trường chính Phillippines tiếp tục tăng 31,9% về lượng và 42,7% về kim ngạch, 8,2% về giá so với tháng 10, đạt 245.009 tấn, tương đương 166,8 triệu USD, với giá trung bình 680,6 USD/tấn.
Tuy nhiên, xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc tháng 11 lại ghi nhận mức giảm sâu 53,6% về lượng và 52,9% về trị giá so với tháng 10/2023, đạt 11.658 tấn, tương đương gần 7 triệu USD, giá trung bình khoảng 600,2 USD/tấn.
Lũy kế 11 tháng, Philippines tiếp tục là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam, chiếm 37,6% trong tổng lượng và chiếm 36,3% trong tổng kim ngạch gạo xuất khẩu của cả nước, với hơn 2,87 triệu tấn gạo, tương ứng hơn 1,57 tỷ USD, giảm 4,2% về lượng nhưng tăng 13,4% về thị giá so với cùng kỳ năm trước.
Đứng thứ hai là Indonesia, đây cũng là thị trường đã có sự tăng trưởng vượt bậc về kim ngạch nhập khẩu gạo từ Việt Nam trong năm vừa qua. Tính đến hết tháng 11, Indonesia đã nhập khẩu hơn 1,1 triệu tấn gạo, tương ứng trị giá gần 615 triệu USD, tăng gấp 16,4 lần về khối lượng và 18,2 lần về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân có thể kể đến việc thiếu hụt nguồn cung gạo tại nước này do các tác động tiêu cực từ tình hình thời tiết và việc Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo.
Đứng thứ ba là thị trường Trung Quốc với tổng khối lượng gạo xuất khẩu đạt 895.625 tấn, tương đương kim ngạch đạt gần 518 triệu USD, tăng 10,9% về khối lượng và 26,7% về thị giá so với cùng kỳ. Dù có sự đi xuống trong tháng vừa qua nhưng Trung Quốc cũng vẫn chiếm tỷ trọng khá lớn trong các thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam.
Hai vị trí thứ tư và thứ năm lần lượt là Ghana và Bờ Biển Ngà với lượng gạo xuất khẩu lần lượt là 574.922 tấn và 505.747 tấn, kim ngạch đạt gần 351 triệu USD và gần 275 triệu USD. Trong khi thị trường Ghana ghi nhận mức tăng trưởng mạnh 33,2% về khối lượng và 56,3% về thị giá và vươn lên thành thị trường xuất khẩu gạo lớn thứ tư của Việt Nam thì Bờ Biển Ngà lại chứng kiến sự sụt giảm 22,9% về lượng và 6,7% về kim ngạch và rơi xuống vị trí thứ năm trong các thị trường nhập khẩu gạo.
Về triển vọng cho năm 2024, Hiệp hội Lương thực Việt Nam đánh giá xuất khẩu gạo tiếp tục thuận lợi do nhu cầu thế giới cao. Cụ thể, theo Cục Chất lượng - Chế biến và Phát triển thị trường, sản lượng gạo toàn cầu có thể đạt kỷ lục gần 520 triệu tấn, đồng thời mức tiêu thụ cũng tiến sát 525 triệu tấn.
Như vậy, thế giới sẽ thiếu hụt 5 triệu tấn gạo trong năm tới. Hơn nữa, lượng gạo tồn kho toàn cầu giảm, chỉ còn hơn 160 triệu tấn nên đây là thời cơ lớn cho ngành hàng lúa gạo Việt Nam.
Chính vì vậy, ngành hàng gạo trong nước cần đưa ra các giải pháp phù hợp để phát triển hoạt động sản xuất và chế biến lúa gạo bền vững, phù hợp với nhu cầu thị trường, tiếp tục tận dụng thời cơ.