Chủ tịch Hội Thủy sản Việt Nam Nguyễn Việt Thắng phát biểu tại sự kiện. |
Ngày 20/3, Hội chợ Triển lãm Quốc tế công nghệ ngành tôm Việt Nam lần thứ 5 năm 2024 (VietShrimp 2024) khai mạc tại TP Cà Mau. VietShrimp 2024 diễn ra từ ngày 20 – 22/3/2024 có quy mô khoảng 200 gian hàng của 150 doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực như sản xuất giống, thức ăn, dinh dưỡng, công nghệ, chế biến...
Phát biểu tại lễ khai mạc, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhận định, sản phẩm tôm đã có những đóng góp lớn cho nền kinh tế của Việt Nam khi hàng năm mang về hàng tỷ USD và tạo công ăn việc làm cho hàng triệu lao động nông thôn.
Năm 2024, trong bối cảnh dự báo nguồn cung tôm nước lợ toàn cầu tiếp tục tăng khoảng 4,8%, theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, ngành tôm tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Chính vì vậy, VietShrimp 2024 sẽ là nơi để doanh nghiệp kết nối giao thương, tìm hiểu và là cơ hội để chia sẻ về ngành tôm Việt đến bạn bè quốc tế.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến phát biểu tại sự kiện. |
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử cũng cho rằng, việc tổ chức VietShrimp 2024 không chỉ góp phần quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, hình ảnh và thương hiệu tôm Việt Nam, mà còn là cơ hội để các cơ quan chức năng từ trung ương đến địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp, hợp tác xã và người nuôi tôm cùng trao đổi, cập nhật tình hình, những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, tiên tiến.
Đồng thời, sự kiện còn là nơi kết nối các doanh nghiệp hợp tác phát triển, mở rộng thị trường; kết nối sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi giá trị; trao đổi về các biện pháp khắc phục những hạn chế, tồn tại của ngành tôm. Qua đó có giải pháp và bước đi thích hợp cho ngành tôm theo hướng phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, nâng cao giá trị, khả năng cạnh tranh của con tôm trên thị trường quốc tế.
Lễ cắt băng khai mạc VietShrimp 2024. |
Nhận định về ngành tôm Việt, ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Thủy sản Việt Nam cho biết, nhiều năm nay, con tôm vẫn luôn là mặt hàng chủ lực của ngành thủy sản nói riêng, nông nghiệp nói chung khi đóng góp khoảng 45 - 50% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản. Hiện nay, Việt Nam là một trong những nước sản xuất tôm lớn nhất thế giới và nằm trong top 4 thế giới về xuất khẩu cùng với các nước Ecuador, Ấn Độ và Indonesia.
Về sản xuất, năm 2023, diện tích nuôi tôm nước lợ của cả nước đạt 737.000 ha, sản lượng đạt khoảng 1,12 triệu tấn. Đáng chú ý, tuy diện tích nuôi cơ bản không tăng nhưng tổng sản lượng tôm lại tăng tới 5,5% so với năm 2022. Dù vậy, khó khăn từ nhiều phía khiến kim ngạch xuất khẩu tôm năm 2023 bị sụt giảm, chỉ đạt 3,45 tỷ USD, giảm 19,8% so với năm 2022.
“Năm 2024, những khó khăn, thách thức của ngành tôm vẫn chưa hết. Tuy nhiên, điều này có lẽ sẽ chỉ diễn ra trong ngắn hạn, bởi dự báo phát triển của ngành tôm vẫn rất khả quan, đặc biệt là từ nửa cuối năm nay. Tình hình xuất khẩu tôm cũng được nhận định sẽ khởi sắc và tăng nhẹ từ 10 - 15% so với năm 2023, dự kiến thu về hơn 4 tỷ USD trong năm 2024,” ông Nguyễn Việt Thắng nhận định.
Nói rõ hơn về những thách thức của ngành, ông Thắng cho biết, ngành tôm còn phải đối mặt với nhiều khó khăn như tình hình thời tiết diễn biến bất thường, giá vật tư đầu vào vẫn neo ở mức cao, nguy cơ dịch bệnh tiềm ẩn rất lớn. Cùng với đó, lạm phát tại nhiều quốc gia có giảm nhưng chưa đáng kể, chi phí logistics lớn, nhất là khi tình hình căng thẳng tại khu vực Biển Đỏ… Trong khi đó, tín hiệu thị trường dù đã sáng nhưng chưa chắc chắn, người nuôi còn dè dặt trong tái sản xuất.
Để vượt qua những thách thức trước mắt và phát triển bền vững ngành hàng tôm, ông Thắng cho rằng, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành liên quan, các địa phương tìm giải pháp tháo gỡ để có thể nhanh chóng vực dậy, tận dụng tối đa mọi cơ hội, quyết tâm đồng hành cùng người nuôi tôm nhằm vượt qua những trở ngại hiện tại, ổn định sản xuất.
Trước đó, VietShrimp đã tổ chức thành công 4 lần vào năm 2016, 2018 tại tỉnh Bạc Liêu và năm 2021, năm 2023 tại TP Cần Thơ; trở thành sự kiện lớn của ngành thủy sản Việt Nam và là một hội chợ chuyên ngành về tôm mang tầm cỡ khu vực và châu Á.