Ảnh minh họa |
Ông Vũ Thanh Hùng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ iPOS.vn |
Báo cáo được công bố vào ngày 27/3, đây là dự án thường niên nghiên cứu chuyên sâu về thị trường F&B, do iPOS.vn phối hợp cùng CTCP Nghiên cứu ngành và Tư vấn Việt Nam (VIRAC), Hệ thống kênh thông tin và kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực F&B Việt Nam thực hiện.
Ông Vũ Thanh Hùng, Tổng Giám đốc CTCP iPOS.vn chia sẻ: “Năm 2023 được đánh giá là một năm đầy thách thức với ngành F&B Việt Nam, dưới ảnh hưởng chung của nền kinh tế vĩ mô.
Tuy vậy, thị trường vẫn có những tín hiệu tích cực, cho thấy sức hấp dẫn và tiềm năng phát triển mạnh mẽ.”
Bất chấp suy thoái kinh tế, F&B năm 2023 vẫn có nhiều điểm khởi sắc
Năm 2023 ghi nhận hơn 317.000 cửa hàng dịch vụ ẩm thực (xấp xỉ số lượng cơ sở F&B năm 2018), tăng 1,26% so với năm 2022. Mức tăng trưởng này được cho là thấp hơn so với dự báo hồi đầu năm, do làn sóng đóng cửa của các cửa hàng F&B vừa và nhỏ, chiến lược thu hẹp quy mô chi nhánh của các thương hiệu lớn.
Tính đến hết năm 2023, doanh thu ngành F&B đã ghi nhận mức tăng trưởng 11,47%, đạt hơn 590.000 tỷ đồng. Mức tăng này chỉ bằng hơn một nửa so với năm 2022 (19,7%). Riêng mảng ăn tại quán đóng góp 538.500 tỷ đồng, tăng 10,87% so với năm 2022.
“Năm 2023 chứng kiến sự tăng trưởng vượt bậc của ngành kinh doanh nhà hàng trung và cao cấp, không chỉ bởi số lượng gia tăng tương ứng của nhóm khách hàng trung lưu, mà còn từ hiệu ứng giải thưởng Michelin tại Việt Nam”. Đây là nhận định của chuyên gia trong lĩnh vực F&B Đỗ Duy Thanh, Giám đốc FnB Director.
Ông Thanh cho biết: “Nền ẩm thực đang không ngừng phát triển. Vài năm trở lại đây, ẩm thực Việt được đa dạng hoá với nhiều cách thức chế biến, giao thoa sáng tạo giữa các vùng miền và các quốc gia khác nhau. Bằng chứng là việc, 3 nhà hàng Việt Nam đã nhận được 1 ngôi sao Michelin: Tầm Vị (Hà Nội), Gia Restaurant (Hà Nội) và Ănăn Saigon (TP. Hồ Chí Minh).”
Bất chấp khó khăn của nền kinh tế, trong số gần 3.000 đơn vị F&B tham gia nghiên cứu, có đến 79,6% doanh nghiệp cho biết tình hình kinh doanh đang có chiều hướng tốt lên và họ có đủ nguồn lực để phát triển trong tương lai gần. Thậm chí, 51,7% cửa hàng ăn uống trong số này có dự định mở rộng quy mô.
Dựa trên kết quả nghiên cứu gần 4.000 thực khách, Báo cáo chỉ ra chi tiêu của người dân có sự tăng trưởng nhẹ. Người Việt có xu hướng ăn ngoài thường xuyên hơn. Số liệu cho thấy 17,1% thực khách sử dụng dịch vụ ẩm thực bên ngoài hàng ngày, 28,9% thừa nhận ra ngoài ăn 3-4 lần/tuần.
Đối với tiêu dùng ăn ngoài, mức chi cho tiêu dùng của người Việt gia tăng từ 5-10%. Thậm chí, có tới 14,9% thực khách sẵn sàng chi tiêu bữa tối hàng ngày với mức trên 100.000 đồng, gấp 3,5 lần so với năm 2022.
Kinh tế khó khăn cũng không làm ảnh hưởng tới thói quen “đi cà phê” của người Việt. Năm 2023, chỉ số về tần suất “đi cà phê” còn tăng nhẹ so với năm 2022. Đối với mức chi tiêu khi “đi cà phê”, 59,5% số người tham gia khảo sát cho biết họ chi từ 41.000 đồng trở lên. Con số này năm 2022 là 58%. Điều đó cho thấy mức chi tiêu cho “đi cà phê” tiếp tục tăng trưởng, chiếm tỷ trọng lớn trong tiêu dùng của người Việt. Và đây cũng được coi là yếu tố bất ngờ trong thời điểm kinh tế khó khăn như năm 2023.
Cuộc chiến khốc liệt của các ứng dụng giao đồ ăn trực tuyến
Nửa cuối năm 2023 chứng kiến sự siết chặt “ngạt thở" của các ứng dụng giao đồ ăn trực tuyến, do các đơn vị giảm chương trình khuyến mãi và tăng phí vận chuyển. Lượng đơn và tần suất đặt hàng cũng ghi nhận giảm nhẹ, nhưng giá trị cho từng đơn hàng lại gia tăng.
Lý giải điều này, các chuyên gia cho rằng thực khách online đã dần quen với đơn hàng không khuyến mãi và không miễn phí vận chuyển. Đồng thời, xu hướng đặt hàng theo nhóm (cùng với đồng nghiệp, bạn bè) cũng gia tăng.
Theo báo cáo, 20,4% thực khách không đặt hàng online trong năm 2023, tăng 7,4% với năm 2022. Tuy vậy, tần suất đặt hàng online của người Việt vẫn ở mức cao, với 29,4% gọi giao đồ ăn từ 1-2 lần/tuần, và 20% gọi giao đồ ăn từ 3-4 lần/tuần. Doanh thu của thị trường giao đồ ăn trực tuyến năm 2023 tăng trưởng hơn 20,18%, đạt mốc 52.400 tỉ đồng.
ShopeeFood là kênh bán hàng trực tuyến phổ biến nhất tại Việt Nam. Năm 2023 chứng kiến sự mở rộng thị trường mạnh mẽ của ShopeeFood tại các thành phố loại II, III. Với 42,94% doanh nghiệp sử dụng, ShopeeFood đang cao hơn 2,33% so với vị trí thứ hai là GrabFood.
Năm qua cũng chứng kiến khả năng mở rộng thị phần mạnh mẽ của BeFood, với hơn 10,84% doanh nghiệp đăng ký sử dụng. Ngạc nhiên hơn, BeFood mới chỉ hoạt động tại 2 đô thị đặc biệt tại Việt Nam là Hà Nội và TP HCM.
Gây nhiều tiếc nuối nhất là Baemin, với 7,52% doanh nghiệp đăng ký sử dụng. Tuyên bố rời thị trường Việt Nam từ 0h ngày 8/12/2023, Baemin đã khép lại hành trình gần 5 năm đầy thú vị. Theo khảo sát, ứng dụng này được nhiều thực khách trẻ tuổi yêu mến nhất, do có thiết kế đẹp và thông điệp truyền thông sáng tạo.
ShopeeFood, GrabFood là 2 kênh mang lại doanh thu cao nhất cho các doanh nghiệp đang bán đồ ăn trực tuyến. Ảnh: iPOS.vn |
Báo cáo cũng cho biết, hơn 50% doanh nghiệp đang bán đồ ăn trực tuyến có tỷ trọng doanh thu cao từ kênh này. Và ShopeeFood, GrabFood là 2 kênh mang lại doanh thu trực tuyến cao nhất. Điều này được các doanh nghiệp thừa nhận, với tỉ lệ xấp xỉ cân bằng nhau (khoảng 41%).
Chia sẻ về tình hình doanh thu qua kênh trực tuyến, ông Nguyễn Văn Hậu, Tổng Giám đốc Cơm Thố Anh Nguyễn cho biết: “Là doanh nghiệp về ẩm thực có tỷ trọng doanh thu từ Food-apps chiếm tới gần 60%, chúng tôi cảm nhận được rõ rệt nhất về tiêu dùng thực khách online và nhu cầu thị trường trực tuyến.”
Năm 2023 chứng kiến số lượng cửa hàng F&B mở mới trên Food-apps đáng kể. Vì vậy, thị phần kinh doanh cũng bị xé nhỏ hơn, và ngày càng cạnh tranh gay gắt. Để giữ mức doanh thu tốt, Cơm Thố Anh Nguyễn mất nhiều chi phí hơn để có một đơn hàng.
“Phần lớn chi phí phát sinh được chúng tôi tập trung cho marketing, đặc biệt là mua quảng cáo ở những vị trí đắc địa trên các ứng dụng giao đồ ăn trực tuyến. Nhìn chung, trong năm 2023, doanh thu của chúng tôi vẫn giữ ở mức ổn định, nhưng lợi nhuận giảm sút”, ông Hậu giãi bày.
Năm 2024 tiếp đà tăng trưởng với nhiều xu hướng mới
Theo dự báo của Quỹ Tiền Tệ Thế Giới (IMF), Việt Nam là một trong những quốc gia có khả năng phát triển kinh tế vượt trội trong 5 năm tới. Các động lực về đầu tư, tiêu dùng, du lịch và xuất nhập khẩu được thúc đẩy mạnh mẽ là động lực để nền kinh tế Việt Nam nói chung và ngành F&B nói riêng thêm đà tăng trưởng.
Năm 2024, giá trị thị trường ngành F&B tại Việt Nam dự kiến tăng 10,92% so với năm 2023 và đạt mốc hơn 655.000 tỷ đồng. Sau khi hồi phục và tăng trưởng mạnh mẽ, ngành F&B sẽ tiếp tục phát triển với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm giai đoạn 2023 – 2027 đạt 10,25% và dự kiến sẽ đạt giá trị khoảng 873.000 tỷ. Dự báo từ nay đến năm 2027, cơ cấu doanh thu không có nhiều sự thay đổi khi cửa hàng F&B độc lập vẫn áp đảo với 93,9% thị phần.
Các chuyên gia nhận định, tầng lớp trung lưu tiếp tục gia tăng cùng với nhu cầu tiêu thụ đa dạng các sản phẩm, dịch vụ là cơ hội lớn cho ngành F&B Việt Nam phát triển. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, thế hệ GenZ đang dần trở thành nhóm khách hàng chiếm lĩnh thị trường với đặc điểm “chịu chơi” và “chịu chi”.
Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến vai trò tương hỗ của du lịch đối với ngành F&B Việt Nam. Sự tăng trưởng ấn tượng của ngành du lịch trong năm 2023 với du lịch nội địa đạt hơn 108 triệu lượt người và 12,6 triệu lượt khách quốc tế đã gián tiếp góp phần đẩy mạnh doanh thu dịch vụ ẩm thực tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Thái Bình, chuyên gia vận hành F&B, cho biết: “Tôi đang nhìn thấy rất rõ sự trở lại mạnh mẽ của khách du lịch quốc tế. Năm 2023 chứng kiến 3 nhóm khách du lịch lớn nhất là Hàn Quốc, châu Âu và Mỹ. Nhóm khách này đang mạnh tay chi tiêu cho các dịch vụ ẩm thực tại Việt Nam”.
Theo ông Bình, khách du lịch là những người khá kỹ tính, họ dành nhiều thời gian để xem thông tin trên các nền tảng ẩm thực lớn quốc tế như Tripadvisors, Michelin Guide,... hay thậm chí là sử dụng cả Google maps để xem đánh giá từ cộng đồng, trước khi quyết định trải nghiệm.
Năm 2024 sẽ chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của các mô hình đồ uống quy mô vừa và nhỏ. Sự tăng trưởng này sẽ theo sát xu thế tiện và lợi. Các cửa hàng này được mở ra đáp ứng với các tiêu chí: Có chi phí đầu tư vừa phải, vị trí cửa hàng thuận tiện, phù hợp với mua mang đi và giao hàng, và giá sản phẩm ở phân khúc tầm trung và bình dân.
Bên cạnh đó, xu hướng cạnh tranh giữa các nhà hàng phân khúc cao cấp để nhận giải thưởng Michelin bắt đầu bùng nổ. Nhận thức được tầm quan trọng của giải thưởng này, nhiều thương hiệu F&B đã và đang dốc sức cải thiện chất lượng món ăn, nâng cao dịch vụ và hoàn thiện trải nghiệm khách hàng để chinh phục "ngôi sao Michelin" danh giá.
Sự cạnh tranh này không chỉ mang đến lợi ích cho thực khách Việt Nam mà còn là đòn bẩy mạnh mẽ để các nhà hàng khẳng định vị thế trên bản đồ ẩm thực quốc tế.
Tiếp sau trào lưu món ăn Thái Lan và đồ chay hấp dẫn thực khách mấy năm gần đây, năm 2024 sẽ đón nhận làn sóng kinh doanh ẩm thực Trung Hoa đổ bộ thị trường Việt Nam và cả khu vực Đông Nam Á. Làn sóng này được dự báo sẽ phát triển mạnh mẽ và lan rộng ra nhiều tỉnh, thành phố cả về đồ ăn và đồ uống như: xúc xích Hà Khẩu, trà chanh giã tay, trà sữa nướng Vân Nam, hay Cotti Coffee – chuỗi cà phê Trung Quốc lớn thứ 4 trên thế giới.