Những tưởng vượt qua các đợt sóng dữ do đại dịch Covid-19 gây ra, ngành kinh doanh ẩm thực và đồ uống (F&B) sẽ hồi phục nhanh chóng, tuy nhiên năm 2023 lĩnh vực này vẫn phải đối diện với nhiều thách thức.
Khủng hoảng kinh tế bao trùm toàn cầu ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam. Điều này khiến sức mua của người tiêu dùng giảm sút. Thêm nữa, làn sóng sa thải của nhiều doanh nghiệp khiến một bộ phận người lao động sụt giảm thu nhập, cùng với kỳ vọng kinh tế khó khăn khiến các thượng đế luôn ở trong trạng thái phòng bị “thắt lưng buộc bụng”.
Với những khó khăn đó, các doanh nghiệp F&B nhỏ lẻ, chiếm đa số tại Việt Nam, ở trong trạng thái “ẩn mình chờ thời”. Mọi dự định phát triển kinh doanh được xem xét lại và dời sang thời gian khác.
Theo ông Trần Xuân Trung, Giám đốc Kinh doanh iPOS.vn, tỉ lệ mở mới năm 2023 giảm xấp xỉ 10% so với 2022. Ông Trung cho rằng có 3 lý do dẫn đến sự giảm sút này.
"Một là, nỗi lo mở quán vắng khách, vì phần lớn doanh nghiệp F&B thiếu các kiến thức cần thiết để tiếp cận khách hàng tiềm năng và lôi kéo họ tới quán.
Lý do đầu tiên dẫn đến vấn đề thứ hai là nỗi lo bù lỗ khi doanh thu không thể chi trả cho chi phí vận hành và khấu hao, chưa nói đến việc hoàn vốn.
Và cuối cùng là vấn đề nhân sự khi doanh nghiệp không có kế hoạch tuyển dụng rõ ràng và khó tiếp cận nguồn lực chất lượng cao".
Thực tế trong suốt năm 2023 vừa qua, ngành F&B đón nhận nhiều thông tin không vui. Theo khảo sát thực tế vào tháng 11/2023, tại đường Lý Tự Trọng, quận 1 – một trong những con phố nhộn nhịp nhất TP HCM, có gần 20 mặt bằng lớn, nhỏ treo biển cho thuê. Nơi đây từng tập trung rất đông các nhãn hiệu thời trang và F&B.
Ngoài khu vực quận 1, các doanh nghiệp F&B ở khu vực khác cũng không tránh khỏi tình trạng vắng khách. Tiêu biểu là phố Hoàng Sa, được mệnh danh là “phố nhậu”, chỉ đạt khoảng 30-40% tỉ lệ lấp đầy trong khoảng thời gian 20:00 tối, thời điểm đáng lẽ tụ tập đông nhất của dân nhậu. Sự đông đúc duy nhất còn sót lại của TP HCM là khu vực xung quanh phố đi bộ Nguyễn Huệ, với hàng trăm nhà hàng và quán cà phê dọc theo con đường nổi tiếng này.
Với việc chi phí mặt bằng chiếm tỉ lệ cao trong tổng chi phí vận hành, nhiều doanh nghiệp lựa chọn cắt giảm chi nhánh, thu hẹp quy mô. Tuy nhiên, các chủ mặt bằng cho thuê lại không mặn mà trong việc giảm giá thuê, nhằm thu hút người thuê mới.
Ông Tạ Trung Kiên, Phó Tổng Giám đốc Công ty Wowhome nhận định, có 3 nguyên nhân chính khiến giá mặt bằng rất khó giảm.
Thứ nhất, nhiều mặt bằng diện tích lớn đang cho thuê tại khu vực trung tâm TP HCM thuộc sở hữu của Nhà nước hoặc của người có năng lực tài chính tốt nên rất khó thương lượng, giảm giá thuê.
Thứ hai, chủ mặt bằng có thể sở hữu 5 - 7 căn nhà nên họ có thể chấp nhận lỗ vài tháng để qua năm 2024 tìm được người thuê mới. Tuy nhiên, với tình hình kinh doanh như hiện nay thì tìm người thuê mới không phải là điều dễ dàng.
Thứ ba, chủ nhà không giảm giá vì sợ sau này sẽ khó tăng trở lại. Chính vì vậy, họ quyết định neo giá “trên trời”.
Theo ông Trần Xuân Trung, Giám đốc kinh doanh iPOS.vn cho biết: “ Mặc dù sức tiêu dùng giảm ảnh hưởng tới doanh thu của các cửa hàng, tuy nhiên vẫn có những thương hiệu tận dụng được thời cơ để mở rộng quy mô. Ngoài ra, xu hướng đặt đồ ăn online vẫn duy trì ở mức ổn định cao, là động lực cho doanh nghiệp F&B tại Việt Nam phát triển”.
Theo đó, trong 6 tháng cuối năm 2023, nhiều “ông lớn” ngành F&B đã mở rộng kinh doanh với chi phí thấp hơn nhiều so với thời kỳ kinh tế ổn định, đồng thời sở hữu thêm nhiều mặt bằng đắc địa.
Tính đến đầu tháng 1 năm 2024, theo thông tin chính thức trên website, Highlands Coffee đã đạt mốc 768 quán trên toàn quốc. Chuỗi cà phê Phê La mới đây cũng đạt mốc 23 cửa hàng, với 2 cơ sở mới đặt ở vị trí vô cùng đắc địa tại 2 thành phố “đầu tàu” kinh tế lớn của Việt Nam, một cơ sở tại Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục (Hà Nội) và một cơ sở tại góc ngã tư bên cạnh chợ Bến Thành (TP HCM). Cả hai cơ sở này được khai trương cùng ngày 31/12/2023.
Không nằm ngoài cuộc đua mở rộng, Katinat Saigon Kafé cùng lúc mở 2 cửa hàng tại các vị trí sầm uất bậc nhất TP HCM là phố đi bộ Nguyễn Huệ và Bến Bạch Đằng. Trước đó thương hiệu này cũng khai trương cửa hàng đầu tiên của mình tại Đà Nẵng trên đường Nguyễn Văn Linh, con phố tấp nập người qua lại của đô thị “đáng sống nhất Việt Nam”.
Một “hiện tượng” đáng chú ý nữa là hệ thống Quán Nhậu Tự Do. Thời kỳ đại dịch Covid-19 hoành hành, trong khi các doanh nghiệp F&B loay hoay xoay sở chuyển đổi phương thức hoạt động để tồn tại thì Quán Nhậu Tự Do chọn lựa đóng cửa sớm và mở cửa trở lại đúng thời điểm phù hợp để cân đối chi phí, đồng thời tìm kiếm thu gom các mặt bằng đắc địa chuẩn bị cho bước phát triển mới.
Chỉ trong năm 2023, Quán Nhậu Tự Do đã phát triển thêm 6 địa điểm mới, nâng tổng số cơ sở trong hệ thống lên 14. Trong đó, đáng chú ý là cơ sở tại Mega Grand World Hà Nội, siêu quần thể ẩm thực - vui chơi giải trí - mua sắm lớn nhất Hà Nội, đánh dấu bước chuyển mới khi doanh nghiệp bắt tay với Tập đoàn Vingroup - đối tác lớn và chuyên nghiệp bậc nhất Việt Nam.
Trên nền tảng trực tuyến, dấu hiệu của sự hồi phục lại càng trở nên rõ rệt. Báo cáo Thị trường giao đồ ăn trực tuyến khu vực ASEAN của Statista, nền tảng trực tuyến chuyên về dữ liệu thị trường và người tiêu dùng, vào tháng 8/2023 đã đưa ra dự báo doanh thu và tốc độ tăng trưởng của thị trường giao hàng trực tuyến tại 11 quốc gia Đông Nam Á giai đoạn 2023 – 2027, trong đó, tổng doanh thu dự kiến năm 2023 của Việt Nam xếp thứ 5 chỉ sau các nước Indonesia, Philippines, Thái Lan và Malaysia.
Cụ thể, Statista dự kiến doanh thu ngành này của Việt Nam năm 2023 đạt khoảng 1,93 tỷ USD, tăng 29,5% so với năm trước và giai đoạn 2023 – 2027 đạt mức tăng trưởng CAGR 15,29%.
Năm 2024, Statista nhận định thị trường giao đồ ăn trực tuyến Việt Nam đang cất cánh với dự kiến đạt doanh thu 2,37 tỷ USD, tăng trưởng so với năm 2023 đạt khoảng 23,2%. Tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) trong giai đoạn 2024-2028 dự kiến đạt 11,78%, đưa quy mô thị trường lên 3,70 tỷ USD vào năm 2028.
Nguyên nhân thúc đẩy sự tăng trưởng đó là sự gia tăng sử dụng điện thoại thông minh và nhu cầu tiện lợi ngày càng cao của người tiêu dùng đô thị. Dự kiến thị trường giao đồ ăn và tạp hóa trực tuyến Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong những năm tới.
Sự cạnh tranh giữa các ứng dụng giao hàng ngày càng gay gắt, mang lại nhiều lợi ích cho người dùng. Các ứng dụng giao đồ ăn được người tiêu dùng Việt Nam sử dụng nhiều nhất là ShopeeFood, GrabFood, Gojek, LoShip, BeFood… Một báo cáo mới đây của GrabFood về xu hướng thực phẩm và hàng tạp hóa năm 2023 cho thấy, số lượng đơn hàng trên GrabFood ghi nhận tăng 114% so với năm 2020. Không những vậy, đơn hàng đặt theo nhóm cũng tăng gấp 4 lần so với năm 2022.
Theo nhận định của chuyên gia công ty nghiên cứu thị trường IMARC Group, người tiêu dùng Việt Nam, với dân số trẻ chiếm ưu thế, bắt kịp xu hướng nhanh, sử dụng thành thạo công nghệ, cởi mở với các nền văn hóa và luôn thúc đẩy để doanh nghiệp phải đầu tư phát triển các tính năng mới.
Các doanh nghiệp F&B cũng chủ động ứng dụng công nghệ để nâng cao hiệu quả hoạt động của mình. Ví dụ như, việc sử dụng phần mềm quản lý bán hàng giúp doanh nghiệp theo dõi và kiểm soát chặt chẽ hoạt động kinh doanh, từ đó tiết kiệm chi phí và nâng cao hiệu quả phục vụ khách hàng.
Ngoài ra, sự phát triển vượt bậc của các ngân hàng số và nền tảng thanh toán trực tuyến (fintech), giúp các ứng dụng có thể phục vụ khách hàng nhanh hơn và tiện lợi hơn. Sự hợp tác về mặt công nghệ giữa các doanh nghiệp trong ngành và fintech đã góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng nhanh chóng của ngành F&B Việt Nam trong những năm gần đây.
iPOS.vn và Momo hợp tác xây dựng và phát triển các tính năng mới |
Tháng 10/2022, iPOS.vn, công ty giải pháp quản lý nhà hàng/ café, đã công bố hợp tác chiến lược với MoMo – Siêu ứng dụng thanh toán điện tử hàng đầu tại Việt Nam. Thông qua hợp tác chiến lược này, hơn 100.000 doanh nghiệp F&B đang sử dụng dịch vụ iPOS.vn sẽ được kết nối với hệ sinh thái ứng dụng có hơn 31 triệu người dùng của MoMo, gia tăng doanh thu thông qua đẩy mạnh các kênh bán hàng mới cùng các giải pháp tiếp thị có chủ đích và hiệu quả.
Hơn 1 năm kể từ ngày bắt đầu hợp tác, iPOS.vn cùng MoMo đã phối hợp sâu rộng để giúp ngành kinh doanh ẩm thực trở nên tốt hơn. Theo đó, giữa năm 2023, hai đơn vị đã nỗ lực để xây dựng tính năng Cửa hàng Online – trang đại diện cửa hàng trên MoMo, với nhiều tính năng nổi trội giúp các cửa hàng chủ động truyền thông nhanh chóng.
Sau khi tạo trang đại diện, các thương hiệu F&B có thể sử dụng như một kênh truyền thông tương tác, tăng nhận diện thương hiệu, chăm sóc khách hàng và đẩy mạnh doanh thu từ các chương trình khuyến mãi.
Với tính năng thu thập voucher xuất hiện ở các vị trí đắc địa trên ứng dụng MoMo, khách hàng được tiếp cận tới các chương trình khuyến mãi. Đặc biệt, tính năng tiếp cận chương trình khuyến mãi được tối ưu hóa dựa trên vị trí của người dùng, từ đó họ sẽ đưa ra quyết định thưởng thức vô cùng thuận tiện.
Dù mới trong quá trình triển khai, hơn 500 thương hiệu đã thu nhận các kết quả tốt với gần 100.000 lượt thu thập mã khuyến mại. Đây được coi là xu hướng cho việc tiếp thị hiệu quả ngành F&B, khi thực khách có cơ hội nhận được những thông tin hữu ích và giá trị của thương hiệu, trước khi ra quyết định trải nghiệm, từ đó gia tăng tỉ lệ sử dụng.
Sự hợp tác giữa các doanh nghiệp F&B và các công ty công nghệ cũng đã tạo ra những mô hình kinh doanh mới, mang đến trải nghiệm độc đáo cho người tiêu dùng. Ví dụ như, mô hình "dark kitchen" là mô hình kinh doanh nhà hàng không có cửa hàng, chỉ phục vụ khách hàng qua các kênh trực tuyến. Mô hình này đã giúp các doanh nghiệp F&B giảm thiểu chi phí mặt bằng, đồng thời mở rộng quy mô kinh doanh nhanh chóng.
Nhìn chung, sự hợp tác về mặt công nghệ đã mang lại nhiều lợi ích cho ngành F&B Việt Nam. Trong thời gian tới, xu hướng này sẽ tiếp tục phát triển, góp phần thúc đẩy lĩnh vực này tăng trưởng bền vững.