Ảnh: Daily Post

Madam Pang và cuộc chơi bóng đá của các tỷ phú Thái Lan

TỶ PHÚ THÁI LAN
06:16 - 16/05/2022
Madam Pang, nữ trưởng đoàn đội U23 Thái Lan tại SEA Games 31 đang dần trở thành gương mặt quen thuộc ở cả Việt Nam và khu vực. Trước bà, hàng loạt tỷ phú Thái cũng tạo dựng ảnh hưởng của mình với nền bóng đá quốc tế như giải Ngoại hạng Anh.

Môn thể thao vua luôn được coi là một trong các phương pháp hỗ trợ hoạt động kinh doanh dài hạn. Do đó đầu tư vào bóng đá không chỉ đem lại nguồn thu lớn từ tiền bán vé, bán các mặt hàng liên quan mà còn là cách tốt nhất để quảng bá thương hiệu hay tên tuổi của doanh nghiệp. Với lượng người hâm mộ đông đảo, cuồng nhiệt và trung thành, các doanh nghiệp hoàn toàn có thể thu được các khoản lợi nhuận kếch xù từ tiền quảng cáo.

Đối với tầng lớp tỷ phú ngày càng được mở rộng của Thái Lan, do đó bóng đá cũng là điểm đến đầu tư được ưa thích. Với nữ tỷ phú Nualphan Lamsam vốn được biến đến với cái tên "Madam Pang", người đang lãnh chức Trưởng đoàn U23 Thái Lan tại SEA Games 31 ở Việt Nam, bà không chỉ được biết đến là người chi mạnh tay mà còn nổi tiếng vì niềm đam mê với môn thể thao này. Bà được coi là người đã thay đổi nền bóng đá Thái Lan bằng tình yêu bóng đá và tài năng kinh doanh của mình.

Ở tầm xa hơn Thái Lan và khu vực, giới siêu giàu nước này còn ghi dấu ấn tại những thị trường bóng đá hàng đầu thế giới. Tại giải đấu bóng đá lớn nhất hành tinh là giải Ngoại hạng Anh, hình ảnh các tỷ phú Thái Lan làm chủ tịch CLB tại đây đã dần trở nên quen thuộc.

Với vai trò là một trong những giải bóng đá với doanh thu lên tới 6.05 tỷ USD và khoảng 4,7 tỷ lượt xem tại hơn 212 quốc gia, môn thể thao vua tại Anh trở thành một thị trường kinh doanh béo bở, thu hút nguồn lợi nhuận khổng lồ. Những yếu tố này biến giải đấu này là điểm đến đầy tiềm năng với các tỷ phú Thái Lan muốn phát triển doanh nghiệp hay quảng bá hình ảnh đất nước mình.

Madam Pang, Trưởng đoàn U23 Thái Lan tại SEA Games 31, đang ghi dấu ấn đặc biệt trên sân Thiên Trường (Nam Định) nơi đội này thi đấu vòng bảng. Bà tên thật là Nualphan Lamsam, người thừa kế thế hệ thứ 5 của gia tộc Thái gốc Hoa Lamsam. Điều này khiến bà trở thành một trong những người nắm giữ khối tài sản 98 tỷ USD của cả gia đình, trong đó có ngân hàng hàng đầu Thái Lan là Kasikorn Bank (Kbank).

Em họ của bà Pang hiện là Tổng giám đốc Kbank Banthoon Lamsam cùng gia đình được Tạp chí Forbes xếp hạng là những người giàu thứ 31 ở Thái Lan, với khối tài sản ròng trị giá 1 tỷ USD. Ngoài ra, hai người em của bà là Wannaporn Phornprapa và Sara Lamsam cũng đều có những thành tựu lẫy lừng trong kinh doanh ở Thái Lan.

Bản thân Madam Pang cũng có thành tựu kinh doanh nổi bật của mình, vượt qua cái bóng xuất thân từ gia tộc Lamsam. Bà trở thành một trong những người phụ nữ trên 50 tuổi quyền lực nhất Thái Lan do Forbes đánh giá. Tầm ảnh hưởng của bà được xây dựng bằng chính các hoạt động kinh doanh của riêng mình chứ không chỉ các hoạt động đi cùng bóng đá Thái Lan.

Cụ thể về hoạt động kinh doanh riêng, vai trò nổi bật của bà là nhà điều hành tập đoàn bảo hiểm lớn thứ 2 xứ chùa vàng là Muang Thai Insurance. Ngoài ra bà còn là lãnh sự danh dự của Lãnh sự quán Lithuania tại Bangkok.

Đối với hoạt động bóng đá, bà được biết đến đầu tiên là nhà tài trợ chính cho đội tuyển bóng đá nữ Thái Lan. Madam Pang cũng từng cùng đội tuyển nữ quốc gia Thái Lan hai lần liên tiếp góp mặt tại World Cup năm 2015 và 2019. Vai trò của bà với nền bóng đá nữ Thái Lan được đánh giá còn lớn hơn vậy. Do những nữ cầu thủ khó kiếm sống bằng thể thao, bà đã cung cấp chỗ làm tại tập đoàn bảo hiểm Muang Thai Insurance của mình cho các nữ cầu thủ sau khi giải nghệ. Chính điều này đã giúp họ yên tâm chơi và cống hiến hết mình cho thể thao trong khi vẫn có thể đảm bảo cuộc sống của mình cùng gia đình.

Từ bóng đá nữ, tháng 8/2021, Madam Pang được bổ nhiệm làm trưởng đoàn các đội tuyển nam quốc gia cũng như đội U23 Thái Lan. Theo chủ tịch Liên đoàn bóng đá Thái Lan Somyot Poompunmuang, việc bổ nhiệm bà là nhằm “khôi phục lại phẩm giá của bóng đá Thái Lan”, cũng như niềm tin của người hâm mộ vào vinh quang của nền bóng đá nước nhà.

Không phụ sự kỳ vọng của mọi người, bà tiếp tục giúp đội tuyển nam quốc gia giành chức vô địch AFF Suzuki Cup (giải vô địch Đông Nam Á) năm 2021. Theo bà, đây là một món quà năm mới cho tất cả người dân khi Thái Lan nhằm khôi phục lại vị thế số một tại Đông Nam Á. Sau sự kiện này, Madam Pang còn được người dân yêu quý đến mức đã có nhiều lời kêu gọi bà lên nhậm chức chủ tịch Liên đoàn bóng đá Thái Lan sau khi ông Somyot hết nhiệm kỳ.

Với những đóng góp cho cả bóng đá nam và nữ nước nhà, Madam Pang được Bangkok Post tôn vinh như người phụ nữ "mang trên mình giấc mơ bóng đá Thái Lan".

Tại thời điểm quyết định, tỷ phú người Thái Lan chỉ mất 30 phút để đưa ra lựa chọn đầu tư vào giải bóng đá Anh năm 2010. CLB Leicester lúc đó chỉ là một CLB hạng hai đang gặp khó khăn trong nền bóng đá xứ sương mù. Giờ đây khi nhìn lại, nó giống như một khoản đầu tư đầy cảm hứng và bản thân đội bóng này cũng tạo ra nhiều điều điều bất ngờ sau đó.

Theo công ty nghiên cứu Private Company Financial Intelligence có trụ sở tại New York, đội bóng Leicester hiện có thể trị giá hơn 570 triệu USD - gấp 11 lần số tiền ông Vichai bỏ ra để mua CLB vào năm 2010. Cùng gia tăng tỷ lệ thuận với độ thành công của Leicester, tài sản của ông Vichai cũng nhanh chóng được mở rộng khi Forbes đã xếp ông ở vị trí thứ 4 trong danh sách những người giàu nhất Thái Lan với khối tài sản ước tính khoảng 2,49 tỷ USD.

Câu chuyện kinh doanh của ông Vichai Srivaddhanaprabha được bắt đầu với cơ sở kinh doanh đầu tiên - một cửa hàng miễn thuế khiêm tốn - vào năm 1989 tại trung tâm thành phố Bangkok. Theo một cuộc phỏng vấn trên tạp chí Praew của Thái Lan, ông Vichai chia sẻ mình bắt đầu quan tâm đến lĩnh vực kinh doanh hàng miễn thuế khi còn đi học ở Đài Loan, do các chuyến bay trở về Thái Lan đều dừng lại ở Hong Kong.

Ông nhận thấy công việc này thú vị, vì vậy ông khởi đầu bằng việc làm đại lý cho các thương hiệu cao cấp trước khi đầu tư vào một doanh nghiệp miễn thuế ở Hong Kong.

Tuy đã hoạt động gần 2 thập kỷ, King Power của ông chỉ giành được quyền độc quyền mở các cửa hàng miễn thuế tại Sân bay Suvarnabhumi ở Bangkok vào năm 2006. Hiện nay, sân bay này đã trở thành sân bay nhộn nhịp thứ 12 trên thế giới. Hợp đồng này đã được thông qua bởi ông trùm viễn thông của Thái Lan – người sau này đã trở thành thủ tướng và đồng thời là cựu chủ sở hữu của Manchester City, ông Thaksin Shinawatra.

King Power, công ty bán lẻ mà ông Vichai thành lập năm 1989 với hơn 10.000 nhân viên, hiện đã có thể phân nhánh thành nhiều mảng kinh doanh bao gồm nhà hàng, khách sạn và điện mặt trời nhằm đa dạng hóa lợi nhuận.

Ngoài ra, King Power cũng có thể kiếm tiền bằng nhiều cách khác, đặc biệt là nhờ vị thế thương hiệu toàn cầu của mình. Tập đoàn có thể khai thác danh tiếng của CLB Leicester bằng cách đặt quảng cáo video ở các nhà ga và sân bay tại Thái Lan với hình ảnh tiền đạo Jamie Vardy.

Gia đình Srivaddhanaprabha rất được lòng các cầu thủ Leicester City cùng người hâm mộ sau thành công lịch sử của đội bóng năm 2014. Cái chết bất ngờ của ông Vichai sau đó gây sốc cho cả thành phố nước Anh.

Gia đình Srivaddhanaprabha rất được lòng các cầu thủ Leicester City cùng người hâm mộ sau thành công lịch sử của đội bóng năm 2014. Cái chết bất ngờ của ông Vichai sau đó gây sốc cho cả thành phố nước Anh.

Sự thành công của ông Vichai còn thể hiện ở việc gia đình ông đích thân được quốc vương Thái Lan ban cho họ mới. Đây là một vinh dự lớn đối với người dân tại quốc gia Đông Nam Á này. Uy tín của ông Vichai trong giới thượng lưu Thái Lan cũng được củng cố nhờ việc ông quảng bá đất nước với quốc tế. Trong một lần khi muốn cầu phúc cho các cầu thủ Leicester City và cho sân vận động, ông đã chở các nhà sư từ Thái Lan đến Anh trên chiếc máy bay Gulfstream của mình.

Bước tiến lớn đầu tiên của CLB Leicester City sau khi về tay tỷ phú Vichai là vào năm 2014 khi trở lại giải Ngoại hạng Anh sau 10 năm vắng bóng. Năm đó ông từng hứa nếu Leicester thăng hạng, ông sẽ chi thêm 236 triệu USD để CLB có thể lọt vào top 5 trong vòng 3 năm. Tuy nhiên chỉ 2 năm sau với 1/3 số tiền trên, Leicester City đã có thể đạt chức vô địch giải đấu danh giá nhất hành tinh này.

Con trai của ông và cũng đồng thời là phó chủ tịch CLB, ông Aiyawatt Srivaddhanaprabha, cho biết mọi người luôn cố gắng dành thời gian của mình cho các nhân viên, các cầu thủ và cho người quản lý của CLB. Ông chia sẻ đây là giá trị của nền văn hóa Thái Lan và mọi người coi nhau như một gia đình để lắng nghe mọi vấn đề và tìm cách giải quyết.

Nhờ sự chân thành của mình, ông Vichai và gia đình đã tránh được sự phản đối và cảm giác tiêu cực từ phía những người hâm mộ thường thấy với các chủ sở hữu người nước ngoài như gia đình Glazer từ Mỹ, chủ sở hữu của CLB Manchester United.

Ông được biệt tới là một vị chủ tịch tặng bia và bánh rán miễn phí cho những người ủng hộ tại sân vận động, giữ ổn định giá vé vào sân hay trợ giá xe buýt đến các trận đấu trên sân khách với giới hạn vé ở mức 13 USD. Chủ tịch Foxes Trust, ông Ian Bason, đã nhận định rất khó để có thể chỉ trích ông Vichai. Người hâm mộ cũng thường ca ngợi ông là một người luôn lắng nghe người hâm mộ và tôn trọng di sản vốn có của CLB.

Người hâm mộ Leicester City tri ân ông Vichai sau tai nạn đáng tiếc. Ảnh: Leicester Mercury

Người hâm mộ Leicester City tri ân ông Vichai sau tai nạn đáng tiếc. Ảnh: Leicester Mercury

Biến cố bi thảm xảy ra tối 27/10/2018, sau khi tới tham dự trận đấu giữa Leicester City và West Ham, chiếc máy bay chở ông Vichai đã rơi bên ngoài sân vận động King Power và cháy đen. Cơ quan điều tra xác nhận trên máy bay không còn ai sống sót. Sự ra đi của ông Vichai để lại nhiều tiếc nuối cho các cầu thủ, nhân viên của CLB cũng như toàn thể người hâm mộ.

Trong những mùa giải gần đây, Leicester City đã vô địch FA Cup mùa giải 2020-2021 và FA Charity Shield 2021. Tính đến ngày 15/5 vừa qua, CLB này đang giữ vị trí thứ 10 với 45 điểm trong mùa giải Ngoại hạng Anh 2021-2022. Đến nay, di sản của ông Vichai luôn giữ một dấu ấn nhất định trong lịch sử Ngoại hạng Anh với chức vô địch bất ngờ của Leicester City mùa giải 2015-2016.

Danh sách các tỷ phú Thái Lan có tham gia đầu tư vào các CLB bóng đá Anh không dừng ở đó mà còn ghi nhận thêm một tỷ phú khác là ông Thaksin Sinawatra, cựu thủ tướng Thái Lan.

Ông Thaksin Shinawatra, Cựu chủ tịch Manchester City.

Ông Thaksin Shinawatra, Cựu chủ tịch Manchester City.

Sau khi rời lực lượng cảnh sát vào năm 1987, ông bắt đầu việc kinh doanh trong lĩnh vực máy tính cùng với vợ cũ của mình là bà Potjaman. Trải qua một lần phá sản, ông Thaksin cuối cùng cũng giành được quyền độc quyền liên lạc vệ tinh và nhanh chóng tận dụng cơ hội này để mở rộng khối tài sản của mình.

Năm 2007, thời điểm ông Thaksin mua lại Manchester City với mức giá tiếp quản khoảng 151 triệu USD, CLB này đang mắc một khoản nợ trị giá 78,7 triệu USD. Lời đề nghị tiếp quản của ông Thaksin lúc này giống như phao cứu sinh đối với một đội bóng vẫn chỉ ở hạng trung tại giải Ngoại hạng Anh lúc đó.

Vào thời điểm tiếp nhận, ông Thaksin đã cam kết sẽ tiếp tục công việc xuất sắc của ông John Wardle – chủ sở hữu trước đó. Đồng thời, ông cũng thể hiện quyết tâm đưa CLB trở lại đúng vị trí tại cấp độ cạnh tranh cao nhất của nền bóng đá Anh và bóng đá châu Âu với người hâm mộ.

Thêm vào đó, ông Thaksin Shinawatra cũng hứa hẹn sẽ bơm vốn đầu tư lớn vào đội cùng kỳ vọng đạt được giấc mơ vô địch Champions League. Ông Thaksin đã chi khoảng 57,7 triệu USD cho những thương vụ mua sắm cầu thủ mới của CLB, một số tiền không hề nhỏ thời điểm đó. Trong những tháng đầu tiên, CLB Manchester City lập tức lọt vào Top 4 và mọi việc dần tốt đẹp lên nhanh chóng.

Tuy nhiên, mây đen cũng bao phủ CLB này với tốc độ nhanh không kém sau đó. Ông Thaksin hoàn toàn không phải là một người am hiểu về bóng đá và còn từng bị một cựu thành viên trong ban lãnh đạo CLB nói rằng ông có “những quyết định dở tệ”. Ngoài việc có những ý tưởng kỳ lạ như cấm CLB thi đấu trong màu áo tím do không may mắn, một trong những quyết định gây tranh cãi nhất của ông Thaksin chính là mang 3 cầu thủ người Thái tới Man City theo dạng chuyển nhượng tự do.

Cùng với những quyết định nhân sự sai lầm, tài sản của ông Shinawatra cũng bị chính phủ Thái Lan phong tỏa do những cáo buộc tham nhũng tại quê nhà. Điều này đồng nghĩa với việc tình hình tài chính của CLB Manchester City rơi vào tình trạng mịt mờ.

Về sau, nhiều người mới biết được rằng ông Shinawatra từng phải vay cựu chủ tịch Wardle 3 lần để trang trải tiền lương cho nhân viên của CLB. Ông Thaksin lúc đó bị buộc phải thừa nhận mình không có đủ quỹ để hỗ trợ Manchester City về lâu dài nữa và đã đến lúc ông phải buông tay.

Sau đó vào mùa hè năm 2008, ông Thaksin tới gặp tỷ phú Sheik Mansour - thành viên Hoàng gia Al Nahyan của Tiểu vương quốc Abu Dhabi. Kết quả là chỉ một khoảng thời gian ngắn sau khi tỷ phú Thái Lan chia tay CLB, Manchester City trở thành một trong những đội bóng giàu có nhất châu Âu khi về tay các ông chủ mới Trung Đông.

Tuy vậy, ông Thaksin vẫn chưa hết hy vọng với Ngoại hạng Anh. Vào năm 2019, ông lại tiếp tục có ý định mua lại một đội bóng khác là Crystal Palace. Tuy nhiên hợp đồng này đã không thành công và ông Thaksin đã không trở thành chủ tịch mới của CLB này.

Ông Dejphon Chansiri - Chủ tịch CLB Sheffield Wednesday.

Ông Dejphon Chansiri - Chủ tịch CLB Sheffield Wednesday.

Ngoài 2 tỷ phú nổi tiếng Vichai và Thaksin, còn một doanh nhân giàu có khác của Thái Lan khác cũng tham gia cuộc chơi đầu tư vào bóng đá Anh. Đó chính là ông Dejphon Chansiri. Cùng gia đình của mình, ông Chansiri điều hành tập đoàn Thai Union - nhà sản xuất cá ngừ đóng hộp lớn nhất thế giới. Theo Forbes, khối lượng tài sản của ông rơi vào mức 720 triệu USD vào năm 2019, biến ông trở thành một trong những người giàu nhất tại Thái Lan.

Vào năm 2015, ông đã tiêu tốn 45,3 triệu USD để mua lại CLB Sheffield Wednesday với hy vọng sẽ giúp CLB này tìm lại ánh hào quang tại giải Ngoại hạng Anh sau thời gian vắng bóng. Khi đó CLB đang thi đấu tại giải Hạng nhất Anh (English Football League One), giải đấu cao thứ 2 chỉ sau Ngoại hạng. Được ra đời vào năm 1867, đây là một trong những CLB bóng đá lâu đời nhất tại Anh và trên thế giới với 4 lần vô địch quốc gia, ba lần vô địch FA Cup, một lần vô địch League Cup và một lần với giải FA Community Shield.

Trong phần lớn lịch sử của mình, CLB Sheffield Wednesday luôn có thể chơi ở những giải bóng hàng đầu của Anh và thậm chí đã từng đánh bại Manchester United vào năm 1991. Tuy nhiên, kể từ khi xuống hạng vào năm 2000, Sheffield Wednesday đã không thể góp mặt trở lại giải đấu cao nhất nữa. Trong thông báo với người hâm mộ năm 2015, ông Chansiri bày tỏ niềm vui với việc sẽ làm chủ một CLB có tiềm năng. Đồng thời, ông cam kết sẽ nỗ lực hết mình để giúp Sheffield Wednesday tìm lại sự thành công trong tương lai.

Gần đây, ông đã xóa nợ cho đội bóng này và thậm chí còn thay đổi biểu tượng của đội để kỷ niệm những di sản mà Sheffield Wednesday để lại trong nền bóng đá Anh. Tuy nhiên, ước muốn đưa CLB lên thi đấu tại giải Ngoại hạng Anh đã không thể thành công khi CLB này bị xuống hạng hai vào cuối mùa giải 2020 - 2021.

Ông Dejphon Chansiri gửi lời xin lỗi tới người hâm mộ sau mùa giải 2020-2021 của CLB.
Ông Dejphon Chansiri gửi lời xin lỗi tới người hâm mộ sau mùa giải 2020-2021 của CLB.

Đọc tiếp