Mâu thuẫn trong quy định về đất đai gây khó khăn cho doanh nghiệp. Ảnh: Quách Sơn. |
Phát biểu khai mạc Hội thảo góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) chiều 4/8, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI nhận định, Luật Đất đai là một trong những đạo luật lớn, quan trọng, tác động sâu rộng tới đời sống kinh tế - xã hội, đặc biệt ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam.
Theo Chủ tịch VCCI, sau hơn 8 năm triển khai thực hiện, Luật Đất đai 2013 đã thực hiện được “sứ mệnh” của mình, khi tạo ra khung khổ pháp lý hoàn thiện hơn trong lĩnh vực đất đai, nguồn lực đất đai được khai thác, sử dụng hiệu quả hơn cho phát triển kinh tế - xã hội; tạo sự bình đẳng hơn giữa các chủ thể sử dụng đất; xây dựng và phát triển thị trường quyền sử dụng đất.
Bên cạnh đó, các chính sách về tài chính đất đai cũng đã góp phần quan trọng thu hút đầu tư, đặc biệt là ở những nơi vùng sâu, vùng xa, những vùng kinh tế khó khăn; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã trở thành công cụ quan trọng để Nhà nước thống nhất quản lý, phân bổ và sử dụng đất đai.
Tuy nhiên, với sự thay đổi rất nhanh của cuộc sống, Luật Đất đai 2013 cũng đã bộc lộ các vướng mắc, bất cập cần phải sửa đổi, bổ sung kịp thời.
"Theo khảo sát của VCCI, thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai là một trong các cản trở doanh nghiệp tiếp cận đất đai, bên cạnh giá đất tăng nhanh. Mâu thuẫn, chồng chéo trong quy định về đất đai đã làm tăng chi phí của doanh nghiệp, làm đình trệ nhiều dự án"
Cụ thể, ông Phạm Tấn Công chia sẻ, theo kết quả khảo sát PCI hàng năm của VCCI với hơn 12.000 doanh nghiệp trong nước và FDI trên cả 63 tỉnh, thành phố thì thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai hiện vẫn là một trong những nhóm thủ tục mà doanh nghiệp gặp khó khăn nhiều nhất trên thực tế.
Theo đó, sự phức tạp của các thủ tục hành chính là một cản trở để doanh nghiệp tiếp cận đất đai, bên cạnh các nguyên nhân khác như quy hoạch đất đai của địa phương chưa phù hợp, giá đất cao tăng nhanh… Có 53,8% doanh nghiệp qua điều tra năm 2021 cho biết những khó khăn về thủ tục đất đai đã khiến họ phải trì hoãn hoặc hủy bỏ kế hoạch kinh doanh.
Bên cạnh đó, ông Công cho biết khảo sát của VCCI cũng chỉ ra các quy định, trình tự thủ tục của Luật Đất đai và các luật liên quan chưa thống nhất với nhau, tạo ra nhiều điểm nghẽn trong thực tế. Khối lượng văn bản hướng dẫn Luật Đất đai rất lớn, mức độ thay đổi của văn bản rất nhanh, chất lượng của các văn bản hướng dẫn và chất lượng thực thi pháp luật về đất đai trên thực tế vẫn là câu hỏi lớn.
Ngoài ra, Chủ tịch Phạm Tấn Công cũng cho rằng, nhiều vụ việc về đất đai vẫn tiềm ẩn các vấn đề về hiệu quả kinh tế, bất ổn xã hội, tác động lớn đến tình hình an ninh trật tự như nhiều dự án đầu tư chậm triển khai khiến nhiều khu đất bị bỏ hoang, gây lãng phí; hoạt động giải phóng mặt bằng chậm, các tranh chấp và khiếu kiện về đất đai vẫn còn lớn; các vụ việc tham nhũng, tiêu cực liên quan đến đất đai vẫn còn nhiều…
"Đây là hội thảo chính thức đầu tiên trong toàn quốc lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Sửa Luật Đất đai là vấn đề khó, phức tạp nhạy cảm, nhưng không thể không làm", Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.
Tại hội thảo, đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo dự án luật, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, phạm vi sửa đổi Luật Đất đai lần này tập trung các mục tiêu nhằm thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các quan điểm, chủ trương của Đảng về quản lý và sử dụng đất đai. Bên cạnh đó, tránh việc mâu thuẫn, chồng chéo với các Luật khác cũng như tránh tạo ra các "kẽ hở" trong Luật Đất đai.
"Sửa Luật Đất đai để phát huy thật tốt nguồn lực đất đai", Bộ Trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh. "Đất đai là nhìn theo góc độ môi trường là tài nguyên hết sức quan trọng. Muốn xã hội công bằng, môi trường ổn định thì phải sửa Luật Đất đai vì đây là nền tảng không gian sinh sống của con người", ông nói thêm.
Từ những mục tiêu đó, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường mong muốn các doanh nghiệp, các chuyên gia sẽ góp ý làm thế nào để giá đất sát giá thị trường, làm sao để chuyển trọng tâm từ quản lý bằng các công cụ hành chính sang sử dụng hiệu quả các công cụ kinh tế vẫn đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.
"Sửa Luật cần phải xác định cái gì là chung, là riêng, cái gì là gốc. Điều tiết giá trị địa tô, làm cái này ai hưởng, người dân hưởng gì từ khai hoang phát triển đất, Nhà nước hưởng gì từ đầu tư hạ tầng".
Ngoài ra, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng đặt ra các vấn đề đối với hình thức đấu thầu đất đai hiện nay. Làm thế nào để để đấu thầu trở thành công cụ tốt trong phát huy nguồn lực đất đai, rồi thu hồi đất cần được tiến hành thế nào để đảm bảo công bằng cho mọi đối tượng? Làm thế nào để định giá thị trường? Đất chưa giải phóng mặt bằng thì đấu thầu thế nào?...
Bộ trưởng TN&MT nêu rõ, tinh thần là nếu không bảo vệ được tốt hơn quyền lợi cho dân (người sử dụng đất, doanh nghiệp), không đảm bảo công bằng giữa các đối tượng thì chưa nên ban hành luật. Vì vậy, Bộ trưởng mong muốn những người tham dự hội thảo thấy bất cứ quy định nào chưa tốt tại dự thảo thì hãy góp ý "trên tinh thần ích nước lợi nhà".
"Ban soạn thảo luôn luôn lắng nghe, không có hạn chế nào trong góp ý cả, nhưng các vị đừng nói chung chung như tôi mà nên cụ thể vào từng điều, khoản cụ thể, khi đã lắng nghe nhau thì sẽ tìm ra được giải pháp tốt nhất có thể", Bộ trưởng Trần Hồng Hà bày tỏ.
Về nội dung cơ bản của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), bố cục của dự thảo Luật được sắp xếp như Luật Đất đai hiện hành, tăng thêm 2 chương (bổ sung thêm 01 chương quy định về phát triển quỹ đất và tách chương thu hồi đất, trưng dụng đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư thành 02 chương). Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 237 điều, trong đó giữ nguyên 48 điều; sửa đổi, bổ sung 153 điều; bổ sung mới 36 điều và bãi bỏ 8 điều.
Dự án Luật Đất đai sửa đổi dự kiến sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ IV, tháng 10/2022 và kỳ họp thứ V diễn ra vào tháng 5/2023. Đồng thời, thông qua tại kỳ họp thứ VI vào tháng 10/2023.