Theo tờ Wall Street Journal, khi muốn tìm một bộ phim trên TikTok, ban đầu người dùng sẽ thấy các video do tài khoản khác cắt ghép, chỉnh sửa chứ không phải đoạn trích từ phim. Sau đó, thuật toán của TikTok sẽ đề xuất các đoạn video dài khoảng 90 giây trên thẻ "Cho bạn" (For you) và khi người dùng càng xem nhiều, nền tảng sẽ gợi ý càng nhiều.
Các video có thể dài tới 10 phút, nhưng đa phần kéo dài từ 2-3 phút. Những tài khoản kể trên thu hút hàng trăm nghìn lượt xem, tương tác, theo dõi và bình luận.
Xu hướng sử dụng TikTok để giải trí ngày càng được nhiều người dùng tại Mỹ ưa chuộng. Thống kê của hãng nghiên cứu Insider Intelligence cho thấy, người dùng TikTok ở Mỹ dành trung bình 95 phút cho video ngắn mỗi ngày, nhiều hơn hẳn việc vào các nền tảng xã hội khác như Twitter, Facebook, Instagram với thời gian hoạt động chỉ khoảng 30 phút mỗi ngày.
Từ trước đến nay, nhà làm phim không chia sẻ toàn bộ phim hay chương trình lên các nền tảng xã hội. Tuy nhiên, những tài khoản ẩn danh đã lợi dụng thuật toán mạnh mẽ của TikTok khi gợi ý người dùng nên ăn, uống, xem và mua gì cùng với đó là khả năng phân phối nội dung rộng rãi để thu hút lượng lớn khán giả. Ông Jaycee Hughes, kỹ sư âm thanh 30 tuổi sống tại Chicago (Mỹ) là một trong số đó.
Người đàn ông kể trên đã đăng ký vài dịch vụ streaming (phát trực tuyến) bao gồm Netflix và Hulu, nhưng lại thích xem trên TikTok vì thuật toán hiển thị nhiều chương trình giải trí, thay vì phải tìm kiếm chúng trên các ứng dụng khác. "Tôi không còn xem TV thường xuyên như trước nữa vì mọi thứ đều có trong lòng bàn tay", ông Jaycee nói thêm.
Hay như bà Michaela Bennett, thư ký tòa án sống tại London (Anh) chia sẻ, bà xem mọi thứ hiện ra trên TikTok bao gồm các chương trình truyền hình Mỹ và phim khó tìm ở Anh. Bà còn thích đọc bình luận trên mỗi video đăng tải, thường là kêu gọi chủ kênh mau chóng đăng thêm video và bàn luận về nội dung. "Rất thú vị khi biết nhiều người có cùng quan điểm với mình và một số người cũng có những góc nhìn độc đáo, khác biệt", bà Michaela cho biết.
Theo Wall Street Journal, các luật sư cho rằng những tài khoản này đã vi phạm luật bản quyền và tài sản sở hữu trí tuệ của các hãng phim, đài truyền hình. Đó là lý do vì sao tên phim thường không xuất hiện trong bài đăng.
Các luật sư nói thêm, việc kiểm soát nội dung bản quyền trên mạng xã hội là điều không hề dễ dàng. Bởi một số công ty nói những bài đăng này sẽ làm lợi cho họ vì nó mang đến lượng khán giả mới cho nội dung của họ. Chẳng hạn như một trong những nhà cung cấp dịch vụ streaming là Peacock đang tiến hành thử nghiệm xây dựng kênh trên TikTok khi tải toàn bộ các tập phim Killing It và Love Island USA.
Đồng quan điểm, Giáo sư Anupam Chander tại Đại học luật Georgetown (Mỹ) chia sẻ, một số công ty giải trí không phàn nàn về những video đăng tải trên mạng vì TikTok giúp tăng độ phổ biến của nội dung, thu hút sự quan tâm.
Dù vậy, bản thân người đăng tải lại dùng thủ thuật chia nhỏ clip rồi trộn lẫn với nội dung khác để tránh bị phát hiện. Họ cũng không thường đăng hết phim khiến khán giả chỉ xem được lưng chừng. Ngoài ra, họ còn "mua" người theo dõi để tăng mức độ uy tín, nổi tiếng của các tài khoản kể trên để có thể thao túng thuật toán gợi ý của TikTok.
Ông Jan van Voorn, Giám đốc bảo vệ nội dung toàn cầu tại Hiệp hội Điện ảnh (MPA) nhận định: "Vi phạm bản quyền không thể biến mất. Luôn cần hành động để duy trì nó ở mức quản lý được". Hiệp hội MPA và Liên minh sáng tạo và giải trí (ACE) giải quyết vi phạm bản quyền trên quy mô thương mại, toàn cầu chứ không theo từng bộ phim.
Tại Mỹ, có đạo luật bản quyền thiên niên kỷ kỹ thuật số (DMCA) được thông qua năm 1998 nhằm bảo vệ quyền tác giả và quyền liên quan (bản quyền) trên Internet. Thông qua quy trình cho phép chủ thể quyền yêu cầu OSP (nhà cung cấp dịch vụ trung gian) gỡ bỏ nội dung số vi phạm bản quyền, Điều 512 DMCA thiết lập cơ chế "bến an toàn" (safe harbor) giúp các nhà cung cấp dịch vụ trung gian (OSP hoặc ISP) tránh khỏi trách nhiệm bồi thường vì lý do người dùng nền tảng của OSP xâm phạm bản quyền.
Vì vậy, các nhà làm phim, sản xuất chương trình hay tác giả cá nhân phải tự mình theo dõi nền tảng và gửi đơn khiếu nại nếu phát hiện tác phẩm của mình trên này.
Luật sư Aaron Moss tại Los Angeles (Mỹ) nhấn mạnh, miễn là các nền tảng xã hội hành động nhanh chóng để gỡ bỏ nội dung vi phạm ngay khi được báo cáo, nền tảng sẽ được bảo vệ.
Về phía TikTok khẳng định nền tảng cấm nội dung vi phạm quyền tài sản sở hữu trí tuệ đồng thời cung cấp cách thức để chủ sở hữu bản quyền báo cáo vi phạm.