Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov. Ảnh: TASS |
"Chúng tôi chưa nhận được bất kỳ dấu hiệu nào về việc này. Có lý do để cho rằng đây là tin giả, khi ý định của Kiev và phương Tây là leo thang căng thẳng", Ngoại trưởng Nga Lavrov nói trong cuộc phỏng vấn với nhật báo Lenta.
Ông khẳng định: "Nga chưa bao giờ từ chối đối thoại như một phương pháp chính trị để đạt được các mục tiêu của chiến dịch quân sự đặc biệt".
Tuyên bố của nhà ngoại giao Nga được đưa ra sau khi đài truyền hình ARD của Đức ngày 26/6 đưa tin về một cuộc họp quốc tế về Ukraine đã được tổ chức tại Copenhagen (Đan Mạch) vào ngày 24/6. Cuộc họp diễn ra "trong điều kiện bí mật nghiêm ngặt" với sự tham gia của các nhà ngoại giao từ các nước phương Tây, cũng như đại diện của Brazil, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. Theo đài này, các cuộc đàm phán chính thức về thỏa thuận hòa bình ở Ukraine có thể được tổ chức vào tháng 7.
Cuộc đàm phán ngừng bắn giữa Nga và Ukraine tại một địa điểm không được tiết lộ ở vùng Brest, Belarus, ngày 7/3/2022. Ảnh: BelTA |
Kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine ngày 24/2/2022, đã có nhiều nỗ lực đàm phán và xúc tiến hòa bình được đề xuất. Trong đó, Belarus và Thổ Nhĩ Kỳ đã tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình giữa phái đoàn Nga và Ukraine.
Tuy nhiên, cả hai phía Nga và Ukraine đều đưa ra những tuyên bố cứng rắn, trong đó Ukraine tuyên bố sẽ chỉ ngồi vào bàn đàm phán khi Moscow rút quân và trao trả các vùng đã bị sáp nhập.
Ngược lại, Nga cáo buộc Ukraine không có ý định đàm phán, đồng thời yêu cầu Ukraine cần phải nhìn nhận thực tế trên chiến trường và công nhận các tuyên bố của Moscow với những khu vực đã sáp nhập.
Đầu tháng 4/2022, cuộc đàm phán giữa hai bên đã bị đóng băng sau khi Ukraine cáo buộc quân đội Nga sát hại dân thường ở vùng ngoại ô Bucha của thủ đô Kiev, trong khi Moscow phủ nhận điều này.
Đến tháng 10/2022, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ký sắc lệnh loại trừ mọi khả năng đàm phán với Tổng thống Nga Vladimir Putin, nhưng để ngỏ đối thoại với "Tổng thống khác của Nga". Theo đó, sắc lệnh này loại trừ mọi khả năng Ukraine tiến hành đàm phán với Nga khi ông Putin vẫn nắm quyền.
Mặc dù vậy, các quốc gia trên thế giới đã có nhiều nỗ lực và đề xuất nhằm đưa Nga và Ukraine sớm trở lại bàn đàm phán. Trong đó, Trung Quốc công bố kế hoạch hòa bình 12 điểm cho Ukraine, đồng thời cử một đặc phái viên hàng đầu tới Kiev, Moscow và các thủ đô châu Âu để thảo luận về một "giải pháp chính trị".
Tổng thống Brazil và Pháp đã kêu gọi Nga và Ukraine tổ chức đàm phán hòa bình. Vatican cho biết đã đề xuất sứ mệnh hòa bình hồi tháng 5. Indonesia đã đề xuất một kế hoạch hòa bình với kịch bản kiểu bán đảo Triều Tiên. Trong khi đó, phái đoàn châu Phi gồm các lãnh đạo các nước Nam Phi, Zambia, Comoros, Senegal và đại diện Congo, Ai Cập và Uganda cũng thực hiện chuyến công du Kiev và Moscow, nhằm nỗ lực nhằm hòa giải cuộc xung đột đã kéo dài hơn một năm.
Giới chức Nga cho biết họ hoan nghênh nỗ lực của các quốc gia nhằm giải quyết cuộc xung đột, nhưng nhấn mạnh không có kế hoạch hòa bình nào có thể tồn tại nếu không bao gồm việc công nhận 4 khu vực mới sáp nhập vào nước này.
Trong khi đó, Tổng thống Ukraine tuyên bố chỉ coi giải pháp lâu dài khả thi nhất là kế hoạch hòa bình 10 điểm được công bố hồi tháng 11/2022. Kiev nói rằng thời gian cho các bên hòa giải như Trung Quốc, Brazil, Vatican đã hết, trong khi sáng kiến của Indonesia không khả thi. Nước này cũng sẵn sàng thảo luận về các đề xuất của châu Phi, nhưng không có ý định đóng băng xung đột.