Trụ sở Rosselkhozbank - Ngân hàng Nông nghiệp Nga tại Moscow. Ảnh: The Moscow Times |
Nhằm tạo thuận lợi cho xuất khẩu ngũ cốc Ukraine, Liên Hợp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ đã làm trung gian và thỏa thuận này được ký kết hồi tháng 7/2022. Tuy nhiên, Nga chính thức rút khỏi Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen ngày 17/7. Nguyên nhân là do theo thỏa thuận được Liên Hợp Quốc và Nga ký, 5 mục tiêu “hệ thống” được thống nhất giữa 2 bên vẫn chưa được đáp ứng.
Các mục tiêu này bao gồm việc cho phép ngân hàng cho vay nông nghiệp lớn của Nga là Rosselkhozbank quay trở lại hệ thống thanh toán SWIFT, cho phép vận chuyển phụ tùng thay thế cho máy móc nông nghiệp, khôi phục đường ống dẫn khí amoniac Tolyatti-Odessa, phân loại bảo hiểm và hậu cần cũng như "giải phóng" tài sản của Nga.
Theo nhiều báo cáo của các phương tiện truyền thông phương Tây, Liên minh châu Âu đang xem xét việc tái kết nối ngân hàng Rosselkhozbank với mạng lưới tài chính toàn cầu thông qua công ty con của ngân hàng này nhằm giải cứu thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen,
Khi được hỏi về tính khả thi của sáng kiến này, Thứ trưởng Ngoại giao Nga ngày 21/7 cho biết chi nhánh ở nước ngoài của Rosselkhozbank tại Luxembourg sẽ chấm dứt hoạt động vào tháng 10 tới và việc thành lập một cấu trúc ngân hàng riêng biệt mới sẽ cần thời gian và “sự đầu tư nghiêm túc”.
Hãng tin RT trích dẫn ông cho biết: “Khả năng này sẽ không xảy ra trong điều kiện các ngân hàng Nga vẫn bị cấm. Ngoài ra, việc hoàn thành nó có thể sẽ tốn nhiều thời gian”. Vì vậy trong tình hình hiện tại, ông khẳng định Nga chỉ cần Rosselkhozbank được “kết nối lại với hệ thống SWIFT mà không bị hạn chế”.
Ông Vershinin cho biết Nga đã “nhận được nhiều lời hứa trong cả năm” và được yêu cầu “đưa ra các quyết định cụ thể” nhưng lại không nhận lại được kết quả nào. Ông khẳng định quan điểm của Nga là muốn nhìn thấy kết quả chứ không phải lời hứa và chỉ khi đó các bên mới “có thể nối lại những nỗ lực chung này để cung cấp ngũ cốc cho thị trường toàn cầu”.
Kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Rosselkhozbank đã bị cắt đứt khỏi SWIFT như một phần của lệnh trừng phạt của các quốc gia phương Tây. Trong bối cảnh Nga nhiều lần tuyên bố không tìm thấy bất kỳ cơ sở nào trong việc gia hạn thỏa thuận, Reuters trích dẫn các nguồn tin cho biết EU có kế hoạch kết nối lại một ngân hàng bị cấm vận của Nga thông qua một công ty con để tạo thuận lợi cho các giao dịch phân bón và ngũ cốc.
Theo Reuters, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres được cho là đã đề xuất với Tổng thống Nga Vladimir Putin về việc Moscow đồng ý gia hạn thỏa thuận ngũ cốc để đổi lấy quyền tiếp cận một phần SWIFT. Cụ thể, nguồn tin cho biết ông Guterres đã đề nghị Moscow kéo dài thỏa thuận trong vài tháng để Brussels có thời gian kết nối công ty con của Rosselkhozbank với hệ thống thanh toán.