“Trong khi được kéo về cảng, do phần thân tàu bị hỏng vì vụ hỏa hoạn nên tàu tuần dương Moskva đã mất ổn định. Thêm vào đó, trong điều kiện thời tiết giông bão trên biển, con tàu đã bị chìm”, Bộ Quốc phòng Nga tối ngày 14/4 xác nhận, RT đưa tin.
Soái hạm Moskva được cho là cách Odessa, thành phố biển phía nam Ukraine, khoảng 90 km khi xảy ra sự cố. Theo thông báo hôm 13/4 của Nga, một đám cháy đã dẫn đến nổ kho đạn gây hư hại nghiêm trọng cho tàu chiến Moskva, soái hạm của Hạm đội Biển Đen và không hề xảy ra vụ tấn công nào.
Tại thời điểm đó, Nga cũng bác tin Moskva đã chìm và khẳng định đám cháy trên chiến hạm này đã được kiểm soát. Đồng thời, nước này nói rằng toàn bộ thủy thủ đoàn với hơn 500 thành viên trên con tàu đã được sơ tán sang các tàu khác. Bộ Quốc phòng Nga cũng cho biết thêm, có 4 tàu Nga được triển khai để kéo chiến hạm Moskva trở về cảng Cevastopol, Crimea để sửa chữa.
Soái hạm Moskva của Nga neo đậu ở Sevastopol, Crimea trước chiến tranh. Ảnh: Reuters |
Trong khi đó, Ukraine tuyên bố nhận trách nhiệm về việc bắn trúng tàu Moskva bằng 2 tên lửa chống hạm Neptune. Tên lửa này do quân đội Ukraine phát triển và được đưa vào sử dụng hồi tháng 8/2020, với tầm bắn khoảng 300km và có thể mang đầu đạn nặng 150kg. Tuy nhiên, nước này không cung cấp bằng chứng cụ thể.
Giới chức Mỹ cho biết họ không có đủ thông tin để xác minh liệu tàu Moskva bị trúng tên lửa hay đã gặp sự cố gì dẫn đến hỏa hoạn, nhưng đã triển khai một máy bay không người lái bay khảo sát khi con tàu được kéo về cảng Sevastopol.
Soái hạm Moskva dài 186 mét, với thủy thủ đoàn gần 500 người, là niềm tự hào của Hạm đội hải quân Nga ở Biển Đen. Ban đầu nó được đưa vào biên chế Hải quân Liên Xô với tên gọi Slava (Vinh quang) vào những năm 1980, sau được được đổi tên thành Moskva vào năm 1995 và được tái trang bị vũ khí để phục vụ vào năm 1998, theo trang web quân sự Naval-Technology.com.
Tàu chiến này cũng được trang bị một loạt tên lửa chống hạm và phòng không cũng như ngư lôi, súng hải quân và hệ thống phòng thủ tên lửa tầm gần.
CNN dẫn lời ông Carl Schuster, thuyền trưởng Hải quân Mỹ đã nghỉ hưu và là cựu Giám đốc tại Trung tâm Tình báo Liên hợp của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ, cho biết: "Tàu chiến Moskva chứa một lượng lớn vật liệu nổ trong các đầu đạn, tên lửa. Do vậy, chỉ cần một bất kỳ một nhân tố gây cháy đến gần cũng có thể khiến cả con tàu đối mặt với nguy cơ bốc cháy".
Theo bình luận của phương Tây, tuần dương hạm Moskva chìm được coi là tổn thất nghiêm trọng nhất, là "đòn giáng mạnh" đối với lực lượng Nga. Moskva là một trong những tàu chiến mặt nước có uy lực nhất, đóng vai trò soái hạm của Hạm đội Biển Đen và tham gia chiến dịch quân sự tại Ukraine ngay từ khi bắt đầu.
"Tàu Moskva được trang bị mạng lưới phòng thủ dày đặc. Nó giống như một pháo đài bất bại trước các mối đe dọa. Vậy nên, nếu tên lửa Neptune thực sự đã xuyên thủng lớp phòng thủ này, đây có thể là chiến thắng quan trọng về mặt tác chiến và tuyên truyền của Ukraine", chuyên gia quân sự Tyler Rogoway nhận định.