Xuất khẩu thủy sản sang các thị trường chính trong tháng 1/2023 đều giảm mạnh. |
Xuất khẩu thủy sản tháng đầu năm giảm sâu 31%
Hiệp hội Chế biến chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, tháng 1/2023, xuất khẩu thủy sản vẫn tiếp đà giảm sâu theo xu hướng của quý cuối năm trước cộng với dịp trùng vào kỳ nghỉ Tết nguyên đán. Ước tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản giảm 31%, đạt khoảng 600 triệu USD.
VASEP nhận định, bức tranh xuất khẩu thủy sản sẽ không thể bừng sáng trở lại ngay trong những tháng đầu năm khi mà nền kinh tế thế giới được dự báo có thể sẽ rơi vào suy thoái. Tuy nhiên, đối với các thị trường tiêu thụ, thủy sản vẫn là mặt hàng thực phẩm thiết yếu và nhu cầu sẽ không thể sụt giảm quá mạnh, sẽ có điều chỉnh về nhu cầu theo phân khúc sản phẩm.
Theo đó, lợi thế sẽ nghiêng nhiều hơn về các ngành hàng có giá vừa phải vì phù hợp với tầng lớp người tiêu dùng thu nhập thấp hoặc trung bình – vốn là nhóm bị ảnh hưởng mạnh nhất bởi lạm phát.
Dẫn nhận định của các chuyên gia kinh tế chỉ ra năm 2023 vẫn còn nhiều rủi ro, bao gồm nguy cơ leo thang xung đột ở Ukraine và sự xuất hiện của một cuộc chiến thương mại xuyên Đại Tây Dương gây ảnh hưởng đến nguồn cung thủy sản ở các thị trường lớn, VASEP cho rằng đây có thể là cơ hội cho thủy sản Việt Nam tăng cung cấp sang các thị trường Mỹ, Trung Quốc, EU.
Ngoài ra, việc Trung Quốc mở cửa mang lại hy vọng lớn về sự hồi phục nhu cầu không chỉ ở thị trường này mà cả các thị trường khác trên thế giới, khi mà du lịch và giao thương được thông suốt. Sự hồi phục mà thị trường này mang lại cũng sẽ có kết quả rõ ràng ít nhất là từ quý II/2023.
Bên cạnh đó, VASEP cho rằng có thể kỳ vọng lạc quan vào những thị trường được đánh giá có nền kinh tế tăng trưởng trong năm nay như khu vực châu Á, Trung Đông.
Do vậy, doanh nghiệp thủy sản cần đảm bảo sức khỏe tài chính để duy trì sản xuất ổn định, sẵn sàng nguồn nguyên liệu khi thị trường tiêu thụ hồi phục có thể đáp ứng nguồn cung. Hơn nữa, doanh nghiệp có thể tận dụng lợi thế của từng ngành hàng về nguồn cung và yếu tố thị trường tiêu thụ thông qua việc nắm bắt thông tin thị trường và dự báo.
Ngoài ra, điều kiện cho môi trường kinh doanh cũng đang dần được cải thiện theo hướng hỗ trợ sản xuất, xuất khẩu nhiều hơn. Theo đó, một trong những yếu tố quan trọng là cơ sở hạ tầng và logistic cho sản xuất, xuất khẩu ở khu vực trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long.
Một tín hiệu đáng mừng theo VASEP ngay từ những ngày đầu năm mới 2023 là không khí ra quân sôi nổi của bà con nông ngư dân và nhiều doanh nghiệp thủy sản, cho thấy tinh thần lạc quan vào sự phục hồi của thị trường tiêu thụ cũng như trong sản xuất – xuất khẩu thủy sản. Với tinh thần đó, ngành thủy sản trông chờ vào sự hồi phục nhu cầu và đơn hàng từ các thị trường với hy vọng tình hình sẽ sáng sủa hơn từ quý II/2023.
Mong muốn tháo gỡ vướng mắc năm 2023
Trong bối cảnh đó, để ngành thủy sản sẵn sàng những điều kiện phục hồi khi cơ hội xuất hiện trong quý tới, bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông VASEP đã đưa ra một số kiến nghị bất cập mà doanh nghiệp thủy sản mong muốn được tháo gỡ trong năm 2023.
Trước tiên là hai vấn đề đang là gánh nặng chi phí với doanh nghiệp đó là Quy định mức thu kinh phí công đoàn 2% quỹ lương và quy định tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội cao.
“Hai vấn đề này đều được VASEP và các Hiệp hội đã nhiều lần có văn bản kiến nghị và trao đổi tại các cuộc họp với Chính phủ, Tổng Liên đoàn Lao động và Bộ Lao động Thương binh Xã hội nhưng chưa được xem xét”, bà Hằng cho biết.
Đó là vướng mắc lớn về quy định ngưỡng phospho (quá nghiêm ngặt) cho nước thải chế biến thuỷ sản cũng như tại Dự thảo Quy chuẩn Việt Nam nước thải công nghiệp 2021 và chưa có quy định riêng về tiêu chuẩn nước thải ao nuôi tôm - cá tra thâm canh.
Thứ hai là bất cập về việc bùn thải thủy sản chưa được phân loại (là mã cho chất thải rắn công nghiệp thông thường); Thứ ba là bất cập về quy chế quản lý, sử dụng đóng góp tài chính của nhà sản xuất, nhập khẩu vào Quỹ Bảo vệ Môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế, xử lý chất thải.
Bên cạnh đó, bà Hằng cũng đề cập đến vướng mắc về quy định sử dụng muối i-ốt trong chế biến thực phẩm đến nay vẫn chưa được sửa đổi và chưa nhận được phản hồi cụ thể từ Bộ Y tế.
Liên quan đến ghi nhãn dinh dưỡng đối với thực phẩm, Bộ Y tế đang lấy ý kiến cho dự thảo, trong đó có nhiều quy định chưa phù hợp với khu vực và quốc tế, chưa phù hợp với nguyên tắc quản lý rủi ro, không phù hợp với thực tiễn Việt Nam.
Tuy nhiên, Giám đốc Truyền thông VASEP chỉ ra, Bộ Y tế chưa tiếp thu các góp ý của các Hiệp hội ngành hàng thực phẩm. Đến nay, Bộ chưa đưa ra thêm dự thảo mới nhưng cũng chưa ban hành Thông tư này.
“Năm 2023 được dự báo là năm khó khăn đối với doanh nghiệp xuất khẩu. Cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng môi trường kinh doanh trong nước sẽ bớt áp lực hơn với doanh nghiệp, để sức khỏe doanh nghiệp được duy trì ổn định đối phó với lạm phát và các chi phí đầu vào tăng cao và để có đà hồi phục khi thế giới ổn định trở lại”, bà Lê Hằng nhấn mạnh.