Bà con tại làng Thái Hải sản xuất theo hướng tự cung tự cấp. Ảnh: NVCC. |
Chia sẻ với Mekong ASEAN về quá trình hình thành và phát triển Khu bảo tồn Làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải, anh Nguyễn Quang Tuấn, Phó trưởng làng cho biết, làng được bắt đầu xây dựng từ năm 2003. Người có công khởi xướng việc xây dựng làng là bà Nguyễn Thị Thanh Hải, hiện là Trưởng làng. Bà đã vận động bà con đi mua nhà sàn về dựng lại tại đây và đón mọi người về ở với kinh phí hoàn toàn do tự bà đi vay mượn.
Tâm tình về cơ duyên của mình khi về làng Thái Hải, anh Tuấn cho biết, trước đây anh công tác trong cơ quan điện lực địa phương, sau đó mắc bệnh suy thận và nhờ bà Hải mà anh đã vượt qua bạo bệnh. Để nhớ ơn bà, anh quyết định nghỉ việc ở cơ quan điện lực để về làng xin làm con nuôi của bà và cùng xây dựng bản làng Thái Hải, phát huy bảo tồn văn hóa địa phương.
Điểm đặc biệt của làng Thái Hải theo Phó bản Nguyễn Quang Tuấn là mục đích xây dựng ban đầu của làng không phải làm du lịch, mà chỉ nhằm bảo tồn gìn giữ văn hóa dân tộc Tày.
Bảo tồn tập quán sinh hoạt truyền thống
Theo lời anh Tuấn, trước đây vùng đất xã Thịnh Đức ở TP Thái Nguyên phần nhiều là đồi trọc, đất cằn cỗi nên dân cư thưa thớt do khó làm ăn. Vào thời điểm năm 2003, người dân địa phương nhiều người đã tháo dỡ nhà sàn để làm củi, hoặc bán đi vì được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà gạch kiên cố. Trong khi đó, lớp trẻ người địa phương không còn nói tiếng Tày, không còn mặc quần áo truyền thống và nhiều phong tục tập quán cũng không được duy trì.
Chính bởi lý do đó, bà Nguyễn Thị Thanh Hải muốn gìn giữ văn hóa dân tộc Tày cho các lớp con cháu sau này bằng cách vận động bà con nông dân cùng xây dựng bản làng Thái Hải.
“Trong hành trình đó, bà Hải đã được nhiều bà con có cùng suy nghĩ, quý mến đến chung tay góp sức và đồng hành giúp bản làng Thái Hải lớn mạnh đến ngày hôm nay. Sau này, bản làng thu hút nhiều người đến tham quan, trải nghiệm nên đã phát triển theo hướng du lịch cộng đồng”, anh Tuấn chia sẻ lại quá trình hình thành bản làng.
Bà con tại bản làng nấu những món ăn truyền thống mời khách đến thăm. Ảnh: NVCC. |
Kể về cuộc sống bà con tại làng Thái Hải hiện nay, anh Tuấn cho biết, hàng ngày bà con cùng lao động, canh tác, sản xuất thực phẩm từ trang trại đến bàn ăn. Khi có du khách đến thăm thì họ cùng nhau phục vụ khách du lịch. Tại đây, mọi hoạt động đều mang tính tự cung, tự cấp, thậm chí nguồn nước uống cũng được phục vụ riêng cho bản làng.
Mỗi tối sau giờ làm việc, bà con, các cháu nhỏ trong làng lại quay quần tập các bài hát Then truyền thống của người Tày và cùng tham gia các hoạt động sinh hoạt cộng đồng.
Bà con làng Thái Hải luôn có ý thức gìn giữ các nét phong tục tập quán của dân tộc mình. Làng có một trường mầm non, một trường tiểu học, một phòng khám Đông y do làng xin cấp phép cơ quan chính quyền mở ra. Các cháu nhỏ được dạy theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo, song hành với đó, làng cũng đưa chương trình giáo dục học tập, gìn giữ văn hóa Tày vào để giúp thế hệ trẻ được giáo dục từ nhỏ.
"Tâm nguyện lớn nhất của cả làng là cố gắng phấn đấu theo 5 điều Bác Hồ dạy để trở thành công dân tốt và gìn giữ nét văn hóa dân tộc Tày. Mọi người trong làng đều yêu thương nhau và yêu thương tất cả khách du lịch ghé thăm. Hiện Khu Bảo tồn Làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải đã trở thành ngôi nhà chung của hàng chục gia đình với hơn 150 người”.
“Ở làng Thái Hải, không có chuyện phân biệt riêng, cả làng ăn chung một nồi cơm, tiêu chung một túi tiền, con cái đẻ ra sau cai sữa đều là con chung được chăm sóc không phân biệt con của nhà này, nhà khác. Ban ngày mọi người cùng nhau sản xuất, đêm xuống, hộ nào về nhà sàn của hộ ấy nghỉ”, anh Tuấn chia sẻ.
Từ mục đích ban đầu xây dựng làng với mong muốn bảo tồn giữ gìn những ngôi nhà sàn truyền thống cùng văn hóa của dân tộc Tày, đến năm 2011, Khu bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải chính thức đi vào hoạt động khai thác du lịch. Đến nay, Bản làng Thái Hải đã được nhiều du khách gần xa trong nước và gần 40 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới biết đến ghé thăm trải nghiệm.
Những ghi nhận từ bên ngoài
Nhờ những nỗ lực và sự đoàn kết chung một tâm nguyện của cả làng, anh Nguyễn Quang Tuấn phấn khởi cho biết, đến năm 2014, Làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải đã được vinh danh là khu du lịch điển hình về xã hội hóa bảo tồn di sản gắn với phát triển du lịch và được công nhận là điểm đến du lịch địa phương.
Khách du lịch quốc tế đến trải nghiệm cuộc sống tại Làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải. Ảnh: NVCC. |
Năm 2016 - 2017, ẩm thực Làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải lọt vào top 10 nhà hàng đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch hàng đầu Việt Nam, được vinh danh tại một sự kiện ở Hà Nội. Năm 2019, khu ẩm thực của làng đạt danh hiệu “Top 5 Nhà hàng ăn uống phục vụ khách du lịch tốt nhất Việt Nam năm 2019”.
Tháng 11/2017, Khu Bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải được Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam cấp Bằng bảo trợ là “Công trình có giá trị bảo tồn Văn hóa truyền thống và giáo dục tinh thần đoàn kết dân tộc”.
Tháng 9/2018, Liên chi hội Di sản Văn hóa Khu Bảo tồn Làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải được thành lập. Từ năm 2018 - 2023, Khu bảo tồn đã 4 lần được vinh dự đón nhận giải thưởng Du lịch ASEAN.
Gần đây nhất, tháng 3/2023, làng Thái Hải được nhận Giải thưởng “Làng du lịch tốt nhất thế giới năm 2022” do Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) trao tặng.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hải, Trưởng làng Thái Hải. |
Chia sẻ về kinh nghiệm xây dựng, phát triển cộng đồng tại tọa đàm "Phát huy vai trò cộng đồng trong thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn" giữa tháng 8 vừa qua, bà Nguyễn Thị Thanh Hải, Trưởng làng Thái Hải cho biết, bắt nguồn từ lời hứa với người ông đã khuất của mình nên bà lập nên ngôi làng với mong muốn giữ được phong tục, tập quán của dân tộc mình.
Bà Hải cho biết, người Tày vẫn còn những trang phục truyền thống và những ngôi nhà sàn nhưng không còn giữ được hồn cốt như xưa, nên rất khó để tìm thấy một quần thể bản làng nào còn vẹn nguyên những ngôi nhà sàn truyền thống với văn hóa đặc trưng.
Do đó, theo bà Hải, cái khó nhất trong xây dựng phát triển cộng đồng là nhận thức và yếu tố con người. Gây dựng ngôi làng từ con số không nhưng điều khiến người phụ nữ người Tày này tin tưởng mô hình của mình sẽ thành công là nhờ vào việc du khách ngày càng đánh giá rất cao văn hóa truyền thống của bà con vùng đồng bào dân tộc nói chung và dân tộc Tày nói riêng.