Chương trình quy tụ hơn 300 chuyên gia trong nước và quốc tế tiên phong trong chuyển đổi số ngân hàng đến từ Temenos và các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới như AWS, Aspire, HID, Redhat...
Diễn đàn, với sự góp mặt của ông Craig Bennett - Giám đốc điều hành Temenos APAC, ông Nick Edwards - Phó Giám đốc vùng kiêm Tổng Giám đốc ASEAN Temenos APAC cùng các chuyên gia quốc tế khác đến từ Châu Á - Thái Bình Dương, đã đưa ra các định hướng và dự báo giúp các ngân hàng nhanh chóng thích nghi với tình hình thực tế, cùng với đó mở ra các cơ hội tăng trưởng trong tương lai.
Tại diễn đàn, xoay quanh "Tọa đàm: Xây dựng một ngân hàng chuyển đổi số ưu việt hơn", các diễn giả tại ngân hàng BIDV, SHB cùng Ngân hàng KAF Digital Bank (Malaysia) đã có những trao đổi liên quan đến tương lai của ngân hàng số.
Đánh giá về ngân hàng số, ông Dương Quốc Tú - Phó Giám đốc kiêm Giám đốc Khối Ngân hàng số & Khối Ngân hàng Bán lẻ, Ngân hàng SHB cho biết, mặc dù đi sau trong quá trình chuyển đổi số so với một số ngân hàng tư nhân khác nhưng trong 3 năm qua SHB vẫn luôn cố gắng để theo kịp và vượt trội hơn trong tương lai.
Đặc biệt, SHB luôn coi yếu tố con người là quan trọng nhất để phát triển tốt hơn quá trình chuyển đổi số ngân hàng.
"Thị trường Việt Nam khá khác biệt về bối cảnh số, không phải chỉ cần nhiều tính năng, độc đáo là chiến thắng mà cần phải xác định được lợi thế, thu hút các nhân viên có tiềm năng, xây dựng môi trường phù hợp với nhân viên để từ đó phát triển được mảng ngân hàng số," ông Tú nói.
Đồng tình cùng SHB, ông Nguyễn Chiến Thắng - Giám đốc Ngân hàng số BIDV cũng chia sẻ, khoảng 3 năm trước, các ngân hàng vẫn mò mẫm xác định định nghĩa số hóa là như thế nào. Nhưng hiện tại, sau một thời gian ngắn, chuyển đổi số không còn là khái niệm mà đã thành kế hoạch được các ngân hàng hành động, trở thành yêu cầu bắt buộc.
Vì vậy, các tổ chức tài chính cần liên tục đào tạo, liên tục nâng cấp kiến thức, kỹ năng cho nhân sự nội bộ. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng phải thay đổi để phát triển nhân tài, đó là hình thành văn hóa học, chấp nhận những thử nghiệm thất bại, văn hóa ra quyết định dựa trên dữ liệu, định lượng.
Theo Chương trình Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc, tăng cường phát triển dịch vụ tài chính là một trong những ưu tiên quan trọng. Các ngân hàng số tại châu Á hiện đang nổi lên như trụ cột giúp đạt được mục tiêu này trong khu vực.
Trong khu vực ASEAN, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam có tiềm năng phát triển rất lớn về dịch vụ ngân hàng số bởi tỷ lệ người dân chưa tiếp cận với dịch vụ ngân hàng còn rất cao.
Theo một nghiên cứu thực hiện mới đây bởi MasterCard, so với các khu vực khác trên thế giới, người tiêu dùng khu vực châu Á - Thái Bình Dương có mức độ chấp nhận cao nhất với các dịch vụ thanh toán số, ước tính đến 88% trong số họ đã từng sử dụng tối thiểu một loại công nghệ nào đó trong thương mại.
Ước tính khoảng 20% trong tổng số các ngân hàng số của thế giới hiện đang ở châu Á, phần đông được thành lập trong giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2020. Tuy nhiên, mối lo chính của nhóm các ngân hàng này chính là lợi nhuận. Nhóm các ngân hàng số mới chỉ chiếm khoảng 2% trong tổng thị phần liên quan đến giá trị tiền gửi và tín dụng.