Đó là những phát biểu của ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) nói tại tọa đàm “BĐS Việt Nam: Bình thường mới – Nhu cầu mới – Xu thế mới” vừa diễn ra vào ngày 06/10.
Ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng). |
Theo ông Nguyễn Mạnh Khởi, nhiều chính sách đang được cơ quan chức năng đẩy mạnh để tháo gỡ các điểm nghẽn về pháp lý. Cuối năm nay sẽ có 2 văn bản pháp lý có thể được ban hành là nghị định quy định chi tiết Luật Kinh doanh hoạt động BĐS và nghị định về hệ thống thông tin thị trường BĐS.
Bên cạnh đó, một số điều khoản quy định của của Luật Đất đai và Luật Kinh doanh BĐS cũng sẽ được Bộ Xây dựng sửa đổi trong cuối năm tới. Đây sẽ là tín hiệu tốt cho cả người bán lẫn người mua khi hàng loạt nút thắt được gỡ bỏ, hàng trăm dự án ách tắc được cởi trói.
Ở góc độ cơ quan quản lý, ông Khởi đánh giá giao dịch năm 2021 thậm chí còn lạc quan hơn 2020. Ví dụ 6 tháng đầu năm, giao dịch ghi nhận khoảng 55.000 giao dịch, tăng mạnh so với số hơn 40.000 giao dịch cùng kỳ năm trước.
Theo các chuyên gia, thị trường địa ốc đang đứng trước cơ hội vàng để phục hồi, khi dịch bệnh được kiểm soát, quá trình tiêm vaccine trên diện rộng đang xúc tiến nhanh chóng, các hoạt động sản xuất kinh doanh mở cửa trở lại, nhiều giải pháp kích thích nền kinh tế được Chính phủ chuẩn bị triển khai, lãi suất vay mua nhà duy trì ở mức thấp và dòng tiền dồi dào vẫn đang chuẩn bị đổ vào thị trường.
Đồng thời, một trong những trợ lực lớn cho sức bật của thị trường BĐS là nhiều thủ tục pháp lý đã được tháo gỡ mạnh mẽ.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Tổng Thư ký Hội Môi giới BĐS Việt Nam, cứ sau mỗi đợt dịch tạm lắng thì bất động sản phục hồi lại rất nhanh, điều này cho thấy sức khỏe của thị trường.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hội Môi giới BĐS Việt Nam |
“BĐS có bị ảnh hưởng nhưng điều này không làm cho thị trường dừng lại mà vẫn luôn có sức sống”, ông Đính khẳng định.
Thống kê trong quý III từ 12 điểm cầu của Hiệp hội BĐS Việt Nam mang đến con số ngạc nhiên khi thị trường vẫn giao dịch khá sôi động ngay trong thời giãn cách. Dù lực tiêu dùng có giảm mạnh nhưng lực cầu của các nhà đầu tư thì không bởi luôn phải đi trước để đón đầu.
Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC cho biết, trong năm 2020, có những thời điểm tưởng như xấu nhất vì hết dịch bệnh lại tới tháng ngâu nhưng nhiều dự án của FLC vẫn thanh khoản hết hàng trong thời gian ngắn kỷ lục. Ngay ở thời điểm hiện tại, 2 tuần sau giãn cách, thanh khoản tại các dự án đã nhộn nhịp trở lại.
Ông Quyết dự báo quý 4 thị trường sẽ khởi sắc và trở thành nền tảng cho một năm 2022 tương đối sáng sủa.
“Tuy nhiên, mảng màu tích cực chỉ dành cho những dự án bài bản, đầy đủ tính pháp lý và giàu tiềm năng cả về hạ tầng, dịch vụ… Còn các sản phẩm sốt do đẩy, thổi, sốt cục bộ, tự tạo sốt ảo thì khó thu hút được nhà đầu tư”, ông Quyết nói.
Bàn về các xu hướng đầu tư trong thời gian tới, nhiều chuyên gia đánh giá cơ hội sẽ thuộc về các thị trường mới có tiềm năng lớn về cảnh quan, tài nguyên hoặc các thị trường mới đang ở đầu chu kỳ phát triển như thị trường Tây Nguyên.
Dẫn chứng về Quảng Bình, ông Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam nhận định, nếu như trước đây tất cả những gì được xem là bất lợi cho sự phát triển của Quảng Bình như khí hậu nắng, gió, địa hình đồi cát… thì bây giờ lại thành tài nguyên quý. “Rừng núi hang động giúp Quảng Bình trở thành xứ sở tuyệt vời đẳng cấp thế giới./.