Nhiều cổ phiếu sắp bị huỷ niêm yết, nhà đầu tư nhỏ lẻ nguy cơ 'ôm trái đắng'

CHỨNG KHOÁN Việt nAM
11:13 - 15/04/2022
Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ
0:00 / 0:00
0:00
Sau mỗi mùa báo cáo tài chính kiểm toán, một số cổ phiếu lại bị liệt vào danh sách huỷ niêm yết hoặc diện cảnh báo, kiểm soát do các chỉ số tài chính không an toàn. Lúc này, nhà đầu tư nhỏ lẻ sẽ không tránh khỏi bị ảnh hưởng nếu thiếu đi sự tỉnh táo. 

Sau mùa báo cáo tài chính kiểm toán năm nay, hàng loạt doanh nghiệp cũng được gọi tên vào danh sách huỷ niêm yết. Mới đây nhất là cổ phiếu RIC của Công ty Cổ phần Quốc tế Hoàng Gia. Theo quyết định của Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE), RIC sẽ bị huỷ niêm yết từ ngày 16/5/2022 là do kết quả sản xuất kinh doanh thua lỗ 3 năm liên tục (2019, 2020 và 2021), thuộc trường hợp chứng khoán bị huỷ niêm yết bắt buộc theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 120 Nghị định 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020.

Trước đó, HoSE cũng ra quyết định hủy niêm yết bắt buộc đối với 30 triệu cổ phiếu PXI của CTCP Xây dựng Công nghiệp và Dân dụng Dầu khí, do kết quả sản xuất, kinh doanh bị thua lỗ trong 03 năm liên tục. Lợi nhuận sau thuế năm 2021 của công ty âm 30,3 tỷ đồng. Còn theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2019 và 2020, lợi nhuận sau thuế của công ty lần lượt âm 10,4 tỷ đồng và âm 50 tỷ đồng.

Công ty Cổ phần Thép Việt - Ý (mã VIS) sẽ hủy niêm yết trên sàn HoSE từ ngày 22/4. Ngày giao dịch cuối cùng của cổ phiếu VIS trên sàn này là ngày 21/4. Quyết định hủy niêm yết đã được thông qua tại nghị quyết Đại hội đồng cổ đông công ty ngày 18/1/2022 về việc hủy tư cách công ty đại chúng và hủy niêm yết toàn bộ cổ phiếu.

Công ty Cổ phần Quốc tế Hoàng Gia là doanh nghiệp kinh doanh Casino duy nhất trên sàn.

Công ty Cổ phần Quốc tế Hoàng Gia là doanh nghiệp kinh doanh Casino duy nhất trên sàn.

Tuy nhiên thực tế, Thép Việt Ý cũng ghi nhận nhiều năm lỗ đậm và giá cổ phiếu giảm giá mạnh từ mức đỉnh 36.000 đồng/cổ phiếu vào đầu năm 2018 xuống còn 16.000 đồng/cổ phiếu hiện nay. Theo VIS, việc huỷ niêm yết trên HoSE sẽ giúp cho công ty không bị mất đi những cơ hội kinh doanh tại môi trường kinh doanh thép miền Bắc, nơi có sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt hơn trong tương lai và tại thị trường Việt Nam nói chung.

Ngoài các doanh nghiệp đã có quyết định huỷ niêm yết chính thức từ phía cơ quan quản lý, nhiều mã chứng khoán khác cũng đối mặt với nguy cơ này khi tình hình tài chính không đảm bảo. Như Công ty Cổ phần Kết cấu Kim loại và Lắp máy Dầu khí (mã PXS), Công ty Cổ phần Victory Capital (PTL), CTCP Đầu tư nhà Đất Việt (PVL). Nguyên nhân là do báo cáo tài chính kiểm toán năm 2019, 2020, 2021 của các công ty này đều có ý kiến ngoại trừ của công ty kiểm toán.

Theo quy định, cổ phiếu của công ty đại chúng sẽ bị hủy bỏ niêm yết nếu tổ chức kiểm toán không chấp nhận thực hiện kiểm toán hoặc có ý kiến kiểm toán trái ngược hoặc từ chối cho ý kiến đối với báo cáo tài chính năm gần nhất của tổ chức niêm yết hoặc có ý kiến kiểm toán ngoại trừ đối với báo cáo tài chính năm trong 03 năm liên tiếp.

Cẩn trọng với cổ phiếu nguy cơ huỷ niêm yết

Sau khi bị hủy niêm yết bắt buộc, các doanh nghiệp sẽ tự động được đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM để duy trì thanh khoản cổ phiếu. Tuy nhiên, trên sàn này, các cổ phiếu bị hủy niêm yết sẽ bị “treo giò” khi chỉ được giao dịch vào phiên thứ Sáu hàng tuần vì hậu quả trước đó chưa được khắc phục. Các cổ phiếu không đáp ứng được yêu cầu của sàn UPCoM thì chuyển về sàn OTC. Đây là nơi giao dịch phi tập trung mà người mua và người bán phải tự tìm lấy nhau nên thanh khoản càng thấp.

Những cổ phiếu kém chất lượng bị đào thải là điều tất yếu, nhưng nhà đầu tư nhỏ lẻ không tránh khỏi bị ảnh hưởng khi hầu hết các mã chứng khoán trước khi hủy niêm yết đều rơi vào tình trạng thị giá tụt dốc không phanh. Thậm chí nhiều cổ phiếu bị mất thanh khoản nên rất khó chuyển số cổ phiếu đang nắm giữ thành tiền mặt.

Như cổ phiếu RIC từ phiên 12/4 đến nay đã rơi mạnh từ giá 22.300 đồng/cp xuống 18.700 đồng. PXI và PXS phiên sáng nay (15/4) trong tình trạng trắng bên mua từ sớm. Từ 7/3 đến nay, PXI giảm gần một nửa thị giá, từ mức 8.300 đồng xuống 5.050 đồng. PXS cũng tương tự khi rơi từ vùng giá 14.700 đồng (phiên 9/3) xuống còn 9.550 đồng.

Cổ phiếu PXS lao dốc khi công ty đối mặt án huỷ niêm yết trên sàn HoSE.

Cổ phiếu PXS lao dốc khi công ty đối mặt án huỷ niêm yết trên sàn HoSE.

Điều nguy hiểm là không ít trường hợp các cổ phiếu trước thời điểm hủy niêm yết còn xảy ra hiện tượng tăng giá vì có những thông tin đồn đoán về việc có nhà đầu tư mới sẽ tái cấu trúc, được công ty lớn thâu tóm. Điều này khiến cho nhà đầu tư nhỏ lẻ kỳ vọng, lao vào gom cổ phiếu giữa vùng đỉnh.

Còn nhớ trường hợp CTCP Đầu tư Cao su Quảng Nam (VHG) bị huỷ niêm yết bắt buộc ngày 23/5/2019. Trong hơn 2 tháng trước ngày huỷ niêm yết, giá cổ phiếu này bật tăng từ 410 đồng/cp lên vùng giá đỉnh ngày 23/4/2019 là 2.000 đồng, tức tăng 388% trong thời gian ngắn. Sau đó, VHG giảm cả về điểm số và thanh khoản. Tính tới thời điểm ngày 25/5/2020, giá VHG rơi xuống còn 700 đồng.

Hay trường hợp CTCP Đầu tư và phát triển dự án hạ tầng Thái Bình Dương (PPI), chuyển từ HOSE qua UPCoM từ ngày 20/5/2019. Trước khi thông tin chuyển sàn được công bố ra thị trường, từ ngày 18/2/2019 tới ngày 25/4/2019, PPI tăng từ 500 đồng/cp lên 1.300 đồng, tương ứng tăng 160%. Thanh khoản trung bình 20 phiên là 597.000 cổ phiếu/phiên, có phiên khớp lệnh lên tới 2,4 triệu cổ phiếu. Nhưng sau khi chuyển sàn, thanh khoản và giá đều giảm mạnh. Tính tới 25/5/2020, giá cổ phiếu PPI chỉ còn 300 đồng/cổ phiếu, khối lượng khớp lệnh trung bình 20 phiên là 126.000 cổ phiếu.

Đối với các công ty tự nguyện hủy niêm yết thì đều có phương án mua lại cổ phần của cổ đông hiện hữu, nhằm đảm bảo quyền lợi cho cổ đông. Như Dầu thực vật Tường An (TAC) đã thông báo sẽ hủy tư cách công ty đại chúng từ năm ngoái. Phía Tường An khẳng định sẽ mua lại toàn bộ lượng cổ phiếu TAC mà nhà đầu tư đang nắm giữ nếu họ có nhu cầu bán, với giá thoả thuận tại thời điểm giao dịch. Khối lượng cổ phiếu mà Công ty cổ phần Tập đoàn KIDO (KDC, công ty mẹ của Tường An) cam kết mua lại từ các cổ đông đang nắm giữ khoảng 3,9 triệu cổ phần.

Đọc tiếp

MBS Research gọi tên cổ phiếu HDB

MBS Research gọi tên cổ phiếu HDB

Trong báo cáo ngành ngân hàng mới nhất, MBS Research lựa chọn cổ phiếu HDB khi đây là một trong những ngân hàng duy trì được chất lượng tài sản, nhưng vẫn đạt được mức tăng trưởng lợi nhuận vượt trội so với toàn ngành.