Trong suốt thời gian đại dịch Covid-19 lây lan khắp thế giới và kinh tế trì trệ, các nhà sản xuất khẩu trang nằm trong số những công ty hiếm hoi hưởng lợi. Tuy nhiên, sau khi các chính phủ thành công kiểm soát dịch bệnh và bãi bỏ nhiều quy định phòng dịch nghiêm ngặt, nhu cầu khẩu trang ngay lập tức sụt giảm, buộc nhiều nhà sản xuất phải cắt giảm chi phí hoặc thậm chí đóng cửa nhà máy.
Các nhà sản xuất khẩu trang tại Hàn Quốc cũng không nằm ngoài xu hướng này. Theo Korea Herald trích dẫn ông Jung – chủ một công ty sản xuất khẩu trang nhỏ tại Daegu - các doanh nghiệp đang vật lộn để cầm cự trong tình trạng hiện tại và chỉ biết chờ đợi.
Ông Jung cho biết từ giai đoạn đầu của đại dịch Covid-19, có khoảng 50 công ty sản xuất khẩu trang tham gia vào hiệp hội các công ty nhỏ ở khu vực xung quanh Daegu. Tuy nhiên tới hiện tại, có chưa tới 10% vẫn còn tồn tại.
Trước đó, số lượng các nhà sản xuất khẩu trang tại Hàn Quốc tăng nhanh nhất trong nửa đầu năm 2020 khi quốc gia này phải vật lộn với tình trạng thiếu khẩu trang trầm trọng trong bối cảnh bùng dịch Covid-19 lần đầu. Để giải quyết vấn đề này, chính phủ đã khuyến khích các doanh nhân tham gia ngành sản xuất khẩu trang cũng như thực hiện các biện pháp can thiệp vào thị trường như kiểm soát sản xuất, cấm xuất khẩu và hạ giá.
Tuy nhiên hiện tại, ngành công nghiệp này gần như đã ngừng hoạt động. Dữ liệu chính thức của chính phủ Hàn Quốc cho thấy số lượng các công ty sản xuất khẩu trang đã đăng ký với Bộ An toàn Thực phẩm và Dược phẩm nước này đạt khoảng 1.500 tính tới tháng 1/2023. Dù vậy, theo dữ liệu từ Hiệp hội Công nghiệp Khẩu trang Hàn Quốc, con số đang hoạt động bình thường được ước tính ở dưới ngưỡng 500 công ty.
Một cửa hàng thuốc tại Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: Reuters |
Có nhiều doanh nhân Hàn Quốc nhảy vào ngành này với niềm tin rằng sẽ có nhiều đơn đặt hàng khẩu trang lớn trong tương lại. Tuy nhiên khi tới thời điểm thanh toán, nhiều đơn đặt hàng đã được đặt trước lại trở thành thừa thãi trong khi các công ty vẫn phải tiếp tục vận hành để bù đắp cho khoản đầu tư ban đầu.
Việc chính phủ nới lỏng các quy định về đeo khẩu trang càng khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn với các doanh nghiệp sản xuất mặt hàng này. Theo ông Jung, doanh số bán hàng của công ty ông sụt giảm khoảng 50% ngay sau khi chính phủ bãi bỏ quy định đeo khẩu trang ngoài trời hồi tháng 9/2022. Sau đó tới tháng 1/2023 khi chính phủ bỏ quy định đeo khẩu trang trong nhà, doanh số tiếp tục giảm khoảng 30%.
Trong bối cảnh nhu cầu ngày càng giảm, nhiều công ty sản xuất tại Hàn Quốc đã phá sản trong khi một số cố gắng cắt giảm chi phí cố định bằng cách bán máy làm khẩu trang để sản xuất các sản phẩm khác hoặc cắt giảm nhân viên. Dù vậy, việc bán máy cũng không phải cách để lấy lại tiền đầu tư do giá của chúng hiện tụt xuống rất thấp. Ông Jung cho biết một chiếc máy sản xuất khẩu trang từng có giá 82.000 USD hiện chỉ trị giá dưới 817 USD và về cơ bản đã trở thành “sắt vụn”.
Trong bối cảnh khó khăn, quan chức hiệp hội khẩu trang cho biết đang xem xét các phương án để yêu cầu chính quyền trung ương và địa phương bồi thường thiệt hại. Ông Jung nhận định chủ các doanh nghiệp sản xuất khẩu trang chắc chắn phải chịu trách nhiệm vì các hoạt động mở rộng kinh doanh quá nhanh của mình. Nhưng chính phủ cũng phải chịu trách nhiệm trong việc đánh giá nhu cầu, đặc biệt là trong việc phân loại các đơn hàng giả.