Nhiều công ty vẫn chưa rút khỏi thị trường Nga bất chấp lời hứa

KINH TẾ NGA
16:04 - 31/01/2023
Khung cảnh trống vắng tại các khu mua sắm của Nga khi nhiều nhãn hàng thông báo dừng hoạt động. Ảnh: AP
Khung cảnh trống vắng tại các khu mua sắm của Nga khi nhiều nhãn hàng thông báo dừng hoạt động. Ảnh: AP
0:00 / 0:00
0:00
Kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt hồi tháng 2/2022, hàng loạt các công ty của EU và G7 đã công bố kế hoạch ngừng hoạt động tại thị trường này. Tuy nhiên tới thời điểm hiện tại, không có nhiều công ty thực sự thực hiện lời hứa của mình.

Đây là kết quả từ một nghiên cứu được công bố trong tháng 1 này bởi Đại học St. Gallen của Thụy Sỹ. Nghiên cứu này được tổng hợp dựa trên dữ liệu của 2.405 công ty con thuộc sở hữu của 1.404 công ty EU và G7 đang hoạt động ở Nga vào thời điểm xảy ra chiến sự.

Cụ thể, tính tới tháng 11/2022, có chưa tới 9% các công ty được khảo sát xác nhận thoái vốn khỏi ít nhất một công ty con ở Nga. Thêm vào đó, nhóm nghiên cứu cũng cho biết tỷ lệ thoái vốn hầu như không thay đổi trong suốt quý 4/2022.

Thêm vào đó theo CNBC trích dẫn giáo sư Simon Evenett và Niccolo Pisani – tác giả của nghiên cứu này, có nhiều công ty Mỹ rời khỏi thị trường Nga hơn là các công ty có trụ sở tại EU và Nhật Bản.

Tới cuối năm 2022, khoảng 18% các công ty Mỹ hoạt động tại Nga xác nhận thoái vốn hoàn toàn, trong khi con số đó rơi vào mức 15% đối với các doanh nghiệp Nhật Bản và chỉ 8,3% đối với các doanh nghiệp EU. Trong số các công ty EU và G7 vẫn còn lại ở Nga, nghiên cứu cho thấy 19,5% là thuộc về Đức, 12,4% là của Mỹ và 7% là các công ty đa quốc gia Nhật Bản.

Mặt khác, báo cáo từ tổ chức tư vấn Moral Ratings Agency của Vương quốc Anh cho biết một số công ty lớn nhất thế giới lại công bố kế hoạch rời thị trường Nga bằng cách xóa sổ tài sản thay vì bán chúng đi. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc các công ty thực sự rời khỏi thị trường Nga.

Theo lời giải thích của nhà tư vấn M&A Mark Dixon, việc xóa sổ tài sản có nghĩa là một công ty đặt giá trị thấp hơn hoặc bằng 0 cho một tài sản tại thời điểm đó. Đây là một giá trị giấy tờ có thể được sửa đổi bất cứ lúc nào theo ý muốn của chủ sở hữu. Nếu có thể kiên trì đủ lâu và không rời khỏi Nga, công ty có thể tăng giá trị bất cứ khi nào tình hình thế giới thay đổi.

CNBC trích dẫn các nhà phân tích nhận định có nhiều nguyên nhân khiến các công ty phương Tây hoạt động tại Nga chần chừ trong việc thoái vốn hoàn toàn bất chấp các lo ngại về lệnh cấm vận cũng như áp lực tuân theo tiêu chuẩn Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG).

Một ghi chú của ngân hàng Barclays ngày 20/1 cho biết: “Ngoài sự không rõ ràng về giá trị của tài sản, danh sách những người mua tiềm năng của các công ty này rất hạn chế trong khi danh sách những người mua tiềm năng được miễn trừ xử phạt thậm chí còn ít hơn”. Ngoài ra, cũng có những ý kiến cho rằng tài sản (bao gồm cả tài sản trí tuệ) của các công ty rời khỏi Nga sẽ bị quốc hữu hóa, khiến nhiều công ty đưa ra các phản ứng chậm chạp.

Tuy nhiên trong bối cảnh xung đột không có hồi kết và các lời hứa còn đang dang dở, các công ty có thể sẽ buộc phải đưa ra một số quyết định khó khăn dưới áp lực gia tăng. Do việc rời khỏi thị trường Nga với một mức định giá hợp lý đã trở nên gần như không thể, các công ty sẽ chỉ còn 2 lựa chọn là rời đi với mức định giá không công bằng hoặc ở lại Nga.

Tin liên quan

Đọc tiếp