Giao dịch sàn HoSE phiên 13/9. |
VN-Index mở cửa phiên 13/9 tăng nhẹ, sau đó duy trì trạng thái giằng co. Sau 14h, lực bán trở nên áp đảo hơn, cuối cùng khiến chỉ số sàn HoSE mất hơn 7 điểm khi đóng cửa, về mốc 1.238,39 điểm. HNX-Index và UPCoM cũng đều ở chiều giảm.
Thanh khoản tăng mạnh so với phiên trước, đạt tổng giá trị giao dịch hơn 31.500 tỷ đồng trên toàn thị trường. Trong đó, khối ngoại chiếm hơn 4.500 tỷ đồng và bán ròng mạnh hơn 1.200 tỷ đồng. HPG bị bán ròng mạnh nhất hơn 300 tỷ đồng. STB, VHM, KBC cũng bị bán ròng hơn 100 tỷ đồng. Danh sách còn có MWG 78 tỷ đồng, VCI 56 tỷ đồng; SHB, CTG, VRE trên 40 tỷ đồng…
Chiều mua ròng dẫn đầu là SSI với 77 tỷ đồng. HDG và BSI cũng được mua ròng lần lượt 53 và 46 tỷ đồng. Còn lại khối ngoại mua ròng số lượng ít ở VNM, HHV, FPT, BID, DCM…
Trong nhóm VN30, giảm mạnh nhất là VJC -2,8%, VHM -2,6%; VIC, GVR -1,8%; HPG, MSN, SAB, SHB, STB, VRE… giảm hơn 1%. Chiều tăng mạnh nhất là MWG +3,3%, VIB +2,9%, GAS +2,8%.
MWG hôm nay được chú ý cùng với sự kiện ra mắt iPhone 15 – vốn được kỳ vọng sẽ giúp thúc đẩy doanh thu và lợi nhuận cho nhóm bán lẻ công nghệ nửa cuối năm. Có thời điểm trong phiên, mã tăng tới hơn 5%; khớp lệnh đột biến hơn 16 triệu đơn vị khi đóng cửa.
Với mức tăng 3,3%, MWG vươn lên mức giá 57.500 đồng/cp, cao nhất kể từ tháng 10/2022. So với thời điểm 21/8, cổ phiếu của Thế giới Di động đã tăng 14%. Còn so với hồi cuối tháng 5/2023, mã đã tăng 50%.
Trái ngược với MWG, FRT và DGW cùng nhóm bán lẻ công nghệ nhưng đều giảm giá. DGW giảm 1% về 61.400 đồng, còn FRT giảm 2,4% về giá 84.400 đồng. Tuy nhiên so với thời điểm cuối tháng 5/2023, hai mã này đều đã bứt tốc với mức tăng 60-70%.
Ngoài MWG, nhiều mã đơn lẻ cũng có sức hút dòng tiền mặc dù thị trường chung tiêu cực. Như BSR của nhóm dầu khí, tăng 5,2% lên mức giá 22.200 đồng, cao nhất kể từ tháng 9/2022. Kể từ giữa tháng 8 đến nay, cổ phiếu của Lọc hóa dầu Bình Sơn đã tăng 22%, và tăng 69% so với thời điểm đầu năm.
GEX cũng tăng 2,5% lên mức giá 25.900 đồng/cp, cao nhất kể từ tháng 5/2022. Từ đầu năm đến nay, thị giá của mã đã tăng gấp đôi.
Xét theo nhóm ngành thì có nhóm đầu tư công là tích cực nhất, với HHV và FCN tăng trần. LCG tăng 3,5% còn C4G tăng 4,8%. Các mã đều có thanh khoản vượt trội so với mức giao dịch trung bình, như HHV khớp lệnh 36 triệu đơn vị, LCG 20,5 triệu đơn vị, FCN 13,6 triệu đơn vị.
Các nhóm ngành trụ cột của thị trường đều kết phiên với sắc đỏ. Nhóm bất động sản tiêu cực nhất với VHM, VIC, BCM, VRE, NVL, KBC, PDR, DIG, NLG, DXG đều giảm giá. NVL giảm mạnh 4,8%, để mất mốc 20.000 đồng. Đây vẫn là mã dẫn đầu thanh khoản thị trường với hơn 77 triệu đơn vị được sang tay.
Nhóm chứng khoán phân hóa với HCM, SHS, VCI, VIX, VND đều ở chiều giảm, trong khi nhiều mã nhỏ vẫn thu hút dòng tiền mua, như AAS, BMS, BSI, DSC, SBS, TVS… Đáng chú ý có APG tăng trần lên mức giá 11.400 đồng/cp, sau khi cổ phiếu này được HoSE đưa ra khỏi danh sách chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ từ ngày 11/9/2023.
Trước đó, 146,3 triệu cổ phiếu APG đã được HOSE đưa vào danh sách chứng khoán bị cắt margin kể từ ngày 9/3/2023 do lợi nhuận sau thuế kiểm toán năm 2022 là số âm.
Tại báo cáo tài chính soát xét bán niên 2023, công ty ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 108,3 tỷ đồng, gấp 165 lần bán niên 2022. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến ngày 30/6 đạt 172 tỷ đồng.
Tương tự nhóm chứng khoán, nhóm ngân hàng cũng phân hóa. VIB có tác động tích cực nhất khi tăng 2,9%. Chiều tăng còn có VPB, TPB, NAB, KLB, HDB, CTG, BAB, ABB. Nổi bật nhất là PGB tăng hết biên độ gần 15%.