Thị trường lao động Việt Nam có nhiều điểm sáng trong năm 2022 nhưng tốc độ phục hồi chậm lại vào cuối năm. |
Mặc dù Chính phủ, Nhà nước đã quyết liệt trong việc đẩy mạnh phục hồi sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống công nhân, nhưng những tác động từ kinh tế thế giới đã khiến thị trường lao động trong nước những tháng cuối năm 2022 chịu cú sốc không nhỏ.
Trước bối cảnh này, Mekong ASEAN đã có những trao đổi với các doanh nghiệp, hiệp hội, chuyên gia, cơ quan quản lý Nhà nước về bức tranh thị trường lao động năm 2022 và gợi mở giải pháp hướng đến kỳ vọng cho một năm phục hồi 2023.
Theo chia sẻ của ông Ngô Ngọc Khánh, Phó Chủ tịch thường trực Liên minh hỗ trợ Công nghiệp Việt Nam (VISA), trong liên minh đã có những nhà máy phải cắt giảm từ 100 công nhân xuống chỉ còn 25 công nhân. “Các doanh nghiệp chúng tôi hay nói với nhau rằng, vừa phục hồi thì bị bão giá vùi dập, chuẩn bị tăng tốc thì thiếu vốn từ ngân hàng do hết room tín dụng và lãi suất cao. Lao động các ngành thực sự đã rơi vào cơn bĩ cực”, ông Khánh bày tỏ.
Cũng theo đại diện VISA, ngành công nghiệp hỗ trợ đòi hỏi một khoảng thời gian đào tạo lao động tương đối dài, nên việc phải để người lao động nghỉ việc cũng là câu chuyện lo lắng trong giai đoạn phục hồi.
Hiện nay, các doanh nghiệp trong liên minh VISA chỉ có hầu hết là các đơn hàng cũ, cầm cự hoạt động được đến đầu năm 2023 và vẫn chưa có thông tin của đơn hàng mới từ các thị trường truyền thống.
Chung tình hình với Liên minh VISA, ông Đinh Ngọc Kỳ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vật liệu xây dựng Việt Nam cũng cho biết, do thị trường bất động sản sụt giảm cùng nhiều yếu tố suy thoái kinh tế khiến ngành vật liệu xây dựng suy thoái theo.
Tình trạng cắt giảm lao động ngành vật liệu xây dựng tương đối nhiều. “Xi măng mỗi nhà máy đóng cửa 1 - 2 dây chuyền, gạch ốp lát đóng cửa 50% sản lượng, tương đương đó, công nhân sẽ bị giảm giờ làm hoặc mất việc làm. Tình trạng này diễn ra ở hầu hết các nhà máy trong ngành, không có nhà máy nào đảm bảo được việc làm cho 100% công nhân”, ông Kỳ thông tin.
Là một trong các ngành thâm dụng nhiều lao động, ông Phí Ngọc Trịnh, Tổng Giám đốc CTCP Tập đoàn Dệt may Hồ Gươm thì cho biết, đầu năm 2022, đơn hàng của ngành may rất rực rỡ, nhưng từ tháng 8 – 9/2022, đơn hàng sụt giảm nghiêm trọng. Nhiều doanh nghiệp đã phải cho công nhân nghỉ thứ bảy, chủ nhật hoặc nghỉ 1 ngày làm 1 ngày.
“4 tháng cuối năm 2022 rơi vào chu kỳ kép của thiếu đơn hàng, sức mua của các thị trường lớn giảm, người dân dành tiền mua thực phẩm, khí đốt. Công ty chúng tôi đã xác định tinh thần sẽ khó khăn đến nửa cuối tháng 3 năm sau mới có thể ổn định lại”, ông Trịnh dự báo.
Công nhân công ty liên doanh Tỷ Hùng mất việc tháng sát tết. |
Theo thống kê của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trong 11 tháng năm 2022, số lao động trong các doanh nghiệp bị ảnh hưởng tới việc làm là 472.214 lao động, chiếm 64,54%. Trong số đó, lao động mất việc, giảm giờ làm nằm ở khu vực FDI chiếm đến 74,8%.
Bước sang quý IV/2022, bên cạnh các doanh nghiệp tiếp tục sản xuất, kinh doanh tốt, số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, đã xảy ra tình trạng nhiều doanh nghiệp ở các ngành nghề, địa phương cắt giảm đơn hàng, dẫn đến hàng trăm ngàn người lao động bị giảm giờ làm, mất việc làm, ảnh hưởng tới việc làm, thu nhập, đời sống của người lao động.
Cụ thể, trong quý IV/2022, có gần 296.000 lao động bị buộc nghỉ giãn việc, trong đó đa số ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (chiếm 64,2%), tập trung chủ yếu ở ngành dệt may, da giầy (chiếm 72,5%); chủ yếu ở các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam như TP HCM (khoảng 36.000 người), Tây Ninh (42.000 người).
Cả nước có gần 118.000 lao động bị buộc thôi việc, mất việc trong quý IV/2022, trong đó lao động thuộc ngành sản xuất linh kiện và sản phẩm điện tử chiếm tỷ trọng lớn nhất (34,7%), tiếp theo là lao động thuộc ngành dệt may chiếm 26,4%, ngành da giày là ngành có số lao động bị buộc thôi việc cao thứ ba cũng chiếm 26,4%.
Bên cạnh những mảng màu xám, tính chung cả năm 2022, Tổng cục Thống kê đánh giá, thị trường lao động Việt Nam có nhiều điểm sáng, lực lượng lao động, số người có việc làm và thu nhập của người lao động đều tăng lên. Tỷ lệ thất nghiệp, tỷ lệ thiếu việc làm và tỷ lệ lao động phi chính thức đều có xu hướng giảm.
Đánh giá lại thị trường lao động một năm qua, Nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) Phạm Minh Huân nhìn nhận, sự hồi phục nhanh chóng đã diễn ra từ quý cuối năm 2021 đến quý II/2022 khi Chính phủ thay đổi phương pháp tiếp cận phòng chống dịch.
Quá trình phục hồi này là nhờ sự tập dượt nhiều năm của nền kinh tế thị trường. Xung lực đến từ các Hiệp định thương mại tự do đã mở ra cơ hội cho hàng hóa, đưa Việt Nam từng bước khẳng định vị trí trong chuỗi cung thế giới.
“Tuy nhiên, cũng chính từ yếu tố này, khi các nước gặp suy thoái đã tác động ngược lại thị trường lao động của Việt Nam. Trong đó, khu vực làm dịch vụ sản xuất và cung ứng xuất khẩu cho FDI: Dệt may, da giày, gỗ, điện tử, cơ khí… bị ảnh hưởng trầm trọng nhất”, nguyên Thứ trưởng Phạm Minh Huân đánh giá.
Theo ông Huân, 2022 là một trong số rất ít năm mà thị trường lao động quý IV lại rơi vào “gam màu trầm”, phần lớn thuộc về FDI. Đây là con số không mong muốn, cần nghiên cứu đánh giá đầy đủ để rút kinh nghiệm cho bài học về sau.
Với góc độ là người từng tham gia hoạch định chính sách, nguyên Thứ trưởng cho rằng, thời điểm này cần nhất sự đồng lòng giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người lao động. Bởi sâu xa hơn thì đây chính là vấn đề thích nghi rủi ro và thách thức khi hội nhập thị trường quốc tế của nền kinh tế Việt Nam.
Theo ông Huân, Chính phủ đã điều hành vĩ mô tốt trên các chỉ tiêu ổn định. Có nhiều quyết định kịp thời, trúng nhu cầu nhưng khi tiến hành còn chưa được như kỳ vọng.
Đặc biệt, Chính phủ có thể kiến tạo mảng kinh tế đối ngoại nhiều hơn nữa, chủ động dự báo tình hình cho doanh nghiệp, để thấy được ảnh hưởng của bối cảnh quốc tế trong bức tranh riêng cho từng ngành hàng.
Đối với doanh nghiệp, thay vì đẩy người lao động ra khỏi nhà máy như thời kỳ Covid-19, họ đã cơ cấu lại lao động, cân đối chi phí, giảm giờ làm, giảm ngày làm, nghỉ luân phiên để giữ chân lao động, chờ đợi khi đơn hàng hồi phục.
Đây là biện pháp khá phổ biến, phần lớn doanh nghiệp không hề muốn buông bỏ người lao động thời gian này, để khi đơn hàng quay trở lại không phải gánh thêm chi phí tuyển dụng mới.
Thực tế, số lao động bị ảnh hưởng nhiều nhưng lao động bị chấm dứt việc làm hoàn toàn chỉ có số ít. Ngược lại, người lao động cũng cần cảm thông và chia sẻ với các doanh nghiệp thời điểm khó khăn này.
So sánh đợt khủng hoảng lao động thời điểm cuối năm 2022 với đợt Covid-19 để thấy được cốt lõi vấn đề, TS. Phạm Thị Thu Lan, Phó Viện trưởng Viện Công nhân Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho rằng, thời điểm này khác thời kỳ dịch bệnh ở chỗ chưa nhìn thấy khả năng đơn hàng để đảm bảo có thể giữ chân lao động ở lại thành phố.
Trước đây, dịch bệnh là vấn đề xã hội còn bây giờ là thời điểm của yếu tố kinh tế khiến dòng lao động từ các thành phố công nghiệp trở về quê. Theo bà Lan, mục tiêu cuối cùng của tăng trưởng là để phục vụ đời sống người dân tốt lên, nhưng trong khi Việt Nam xuất khẩu nhiều, người lao động lại chưa thực sự được hưởng lợi.
Phó Viện trưởng Viện Công nhân Công đoàn cho rằng, nếu tiếp tục mô hình phát triển hiện nay, thì cả chục năm nữa, người lao động Việt Nam sẽ vẫn như bây giờ: không có năng lực thương lượng, chấp nhận làm những công việc giản đơn với mức lương tối thiểu theo chuẩn nghèo và cuộc sống rơi vào cảnh bấp bênh khi có biến động.
Một trong những yếu tố cần thay đổi ngay lập tức được TS Phạm Thị Thu Lan chỉ ra là cân đối lại xuất khẩu: Ngành nào xuất khẩu dựa vào sức lao động là chính thì cần điều chỉnh lại, ngành nào dựa vào công nghệ thì cần khuyến khích. “Bối cảnh thế giới đã thay đổi nhiều với sự biến đổi bất định, rất khó để có thị trường ổn định như thời kỳ trước, nên mô hình phát triển cũng cần thay đổi, nhất là không nên phụ thuộc thị trường bên ngoài”, bà Lan nói.
Để thay đổi mô hình phát triển, bên cạnh các chính sách hỗ trợ cuộc sống người lao động, TS Phạm Thị Thu Lan kiến nghị Chính phủ có các chính sách phát triển những ngành nghề mới, những tiểu ngạch nhỏ, với sự vào cuộc của các nhà khoa học. Những ngành nghề mới có thể chưa đem lại lợi ích kinh tế giai đoạn đầu nhưng cần nhìn về lâu về dài sẽ đảm bảo việc làm cho người lao động.
Bên cạnh đó, bà Lan cũng kiến nghị có thêm nhiều hơn các chính sách nâng cao năng lực để có cơ hội chuyển đổi ngành nghề cho người lao động. Nhất là khi thời kỳ 4.0 đòi hỏi con người đa kỹ năng, làm được nhiều ngành nghề và sẵn sàng chịu được áp lực để thay đổi.
Cũng theo lời vị chuyên gia này, thế giới không còn đánh giá tăng trưởng quốc gia ở chỉ số GDP nữa mà là chỉ số tiến bộ xã hội, đặt con người vào trung tâm. Do đó, doanh nghiệp cần được định hướng để thay đổi tư duy phát triển bền vững và làm đúng vai trò giúp cho xã hội tốt lên chứ không chỉ làm ra lợi nhuận cho riêng mình.
Việt Nam sẵn sàng cho thời điểm phục hồi
“Việt Nam đã có được uy tín trên thị trường quốc tế. Do đó, khi thị trường phục hồi Việt Nam sẽ thu hút được nhiều đơn hàng, là điểm đến của các chuỗi cung ứng. Trong khi đó, dân số Việt Nam đang ở thời điểm cơ cấu vàng, lực lượng lao động dồi dào, người lao động sẵn sàng quay trở lại sản xuất. Nhà nước sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi. Doanh nghiệp sẵn sàng cho các đơn hàng mới. Đây là điểm sáng của thị trường lao động năm 2023 khi mọi yếu tố đều đang ở mức sẵn sàng”.
TS. Phạm Thị Thu Lan, Phó Viện trưởng Viện Công nhân Công đoàn