NVL khớp lệnh 77 triệu đơn vị, QCG tăng trần phiên thứ 13 liên tiếp

NOVALAND QCG
15:50 - 13/06/2023
NVL là tâm điểm giao dịch phiên 13/6.
NVL là tâm điểm giao dịch phiên 13/6.
0:00 / 0:00
0:00
Phiên 13/6, VN-Index tiếp tục chinh phục cột mốc mới nhờ sự hỗ trợ của nhóm vốn hóa lớn. Tâm điểm giao dịch thuộc về NVL của Novaland khi ghi nhận mức thanh khoản cao thứ 3 từ khi niêm yết.

Kết phiên, chỉ số sàn HoSE tăng hơn 6 điểm so với kết phiên hôm qua, lên mức 1.122,46. HNX-Index và UPCoM cũng đều kết phiên trong sắc xanh. Thanh khoản tiếp tục cải thiện với giá trị giao dịch đạt hơn 20.000 tỷ đồng.

Tín hiệu tích cực còn thể hiện ở khối ngoại khi họ mua ròng phiên thứ 3 liên tiếp, giá trị mua ròng hơn 180 tỷ đồng trên HoSE (trong tổng số hơn 2.800 tỷ đồng giao dịch). HPG dẫn đầu chiều mua ròng với giá trị đạt 144 tỷ đồng. MSN và EIB cũng được mua ròng hơn 60 tỷ đồng. HSG, SSI, KBC, KDH, VIC, MSB, VND… cũng nằm trong danh sách mua ròng.

Ngược lại, VPB và VNM dẫn đầu chiều bán ròng, với giá trị hơn 60 tỷ đồng. BCM bị bán ròng 40 tỷ đồng, còn VRE, PC1, NVL, CTG, PNJ, HCM bị bán ròng 20-30 tỷ đồng.

Hai mã có tác động tích cực nhất đến chỉ số là HPG và VHM khi tăng lần lượt 2% và 2,3%. VIC, VCB, BID cũng có đóng góp lớn cho thị trường khi tăng hơn 1%. Tuy nhiên vị trí “quán quân” chiều tăng trong nhóm VN30 lại thuộc về NVL khi tăng hết biên độ lên mức giá 15.600 đồng/cp. Đây là mức giá cao nhất của cổ phiếu Novaland kể từ tháng 12/2022.

Đáng chú ý hơn là thanh khoản của NVL trong phiên 13/6 ghi nhận đến hơn 77,6 triệu đơn vị, lớn nhất từ đầu năm 2023. Đồng thời, đây cũng là phiên có thanh khoản lớn thứ 3 của cổ phiếu này kể từ khi niêm yết, sau 2 phiên 22/11/2022 (hơn 128,5 triệu cổ phiếu) và 28/11/2022 (hơn 104 triệu cổ phiếu).

Trong khi thanh khoản tăng mạnh trong 2 phiên 22/11/2022 và 28/11/2022 diễn ra trong làn sóng bán tháo cổ phiếu NVL thì phiên 13/6 có thể nói là khá bất ngờ khi không có thông tin nào đáng chú ý về Novaland thời gian qua.

Không chỉ NVL, nhiều cổ phiếu bất động sản cũng diễn biến tích cực. Có tới 22 mã thuộc nhóm xây dựng và bất động sản tăng trần, như HPX, ITA, QCG, PHC, TGG, VRC… DIG tăng tốt với tỷ lệ 3,5%. CEO, DXG, CII, VRE, HQC, REE, KDH, LDG, NLG, TCH, KHG… đều ở chiều tăng.

QCG của CTCP Quốc Cường – Gia Lai đóng cửa ở mức 12.050 đồng/cổ phiếu, tăng trần phiên thứ 13 liên tiếp. Với mức tăng 130% sau 2 tuần, vốn hóa doanh nghiệp đã tăng hơn 2 lần.

Nhóm tăng tốt nhất trong phiên hôm nay là thép, với HPG +2%, NKG +5,8%, HSG +4,2%. Cổ phiếu của Hòa Phát đã vươn lên mức giá 23.400 đồng, cao nhất kể từ tháng 9/2022. So với mức đáy tháng 11/2022, HPG đã tăng gần gấp đôi giá trị.

Nhóm ngân hàng cũng ở chiều tăng giá nhưng giao dịch trầm lặng. Các mã chủ yếu biến động trên dưới 1%. Tăng mạnh nhất là 2 mã nhỏ KLB và VAB, lần lượt ở mức 3,5% và 4,9%. Ngược lại, PGB giảm mạnh nhất 5%.

Diễn biến phân hóa tại nhóm chứng khoán. Các mã lớn ở chiều tiêu cực với VND, VCI, HCM, VIX đều giảm giá, SSI đứng tham chiếu. Trong khi nhiều mã nhỏ tăng mạnh, như CSI +6,3%, CTS +3,8%, DSC +3,7%, IVS +4,4%, PSI +4,7%, SBS +5,4%, SHS +3,8%...

VN-Index có phiên tăng điểm thứ 3 liên tiếp, lấy lại những điểm số đã mất trong phiên rung lắc thứ 5 tuần trước và vượt mức đỉnh liền kề để áp sát vùng kháng cự 1.120-1.130 điểm (vùng đỉnh tháng 1/2023).

Hình ảnh bóng nến dưới dài tiếp tục thể hiện việc bên mua sẵn sàng trở lại nâng đỡ cho thị trường khi chỉ số chung lùi về quanh mức 1.100 điểm. Cùng với đó, dòng tiền dồi dào vẫn đang là động lực cho xu hướng đi lên của thị trường.

Tin liên quan

Đọc tiếp

ĐHĐCĐ thường niên 2024 của PV OIL. Nguồn: Petrovietnam.

PV OIL: Theo đuổi mục tiêu niêm yết trên HoSE

Ban lãnh đạo PV OIL thông tin, dự kiến cuối năm 2024 công ty đặt mục tiêu xoá sạch lỗ luỹ kế và trong năm nay hoặc năm tới sẽ bỏ bớt điểm ngoại trừ của kiểm toán trên báo cáo tài chính, đưa cổ phiếu ra khỏi diện cảnh báo.