NVL lại nhận lực cầu bắt đáy, cổ phiếu của Apax Holdings dứt chuỗi tăng nóng

Apax Holdings VN INDEX
16:13 - 11/01/2023
Giao dịch trên sàn HoSE phiên 11/1.
Giao dịch trên sàn HoSE phiên 11/1.
0:00 / 0:00
0:00
VN-Index hôm nay tiếp tục đi lên trong thận trọng với sự dẫn dắt của nhóm chứng khoán. NVL của Novaland khởi sắc trong khi IBC của Apax Holdings dứt chuỗi tăng nóng.

Kết phiên 11/1, VN-Index đứng ở mốc 1.055,76 điểm, tăng 2,5 điểm so với kết phiên hôm qua. HNX-Index tăng hơn 1 điểm trong khi UPCoM giảm nhẹ. Thanh khoản vẫn giữ ở mức thấp với tổng giá trị khớp lệnh hơn 9.000 tỷ đồng.

Khối ngoại cũng giao dịch giảm nhiệt với tổng giá trị hơn 1.400 tỷ đồng. Họ tiếp tục mua ròng gần 250 tỷ đồng trên sàn HoSE, với CTG được gom nhiều nhất (48 tỷ đồng). Chứng chỉ quỹ FUEVFVND cũng được mua ròng 43 tỷ đồng; VIC, VHM, VND, PVD cũng được mua ròng hơn 20 tỷ đồng. Chiều ngược lại, VCB bị bán ròng mạnh nhất hơn 30 tỷ đồng. Tiếp sau là VNM, DGC, BID, FRT, HDB…

Lực cầu chảy mạnh ngay đầu phiên giúp VN-Index có thời điểm vượt lên ngưỡng 1.060 điểm. Tuy nhiên sang phiên chiều, lực cung tung ra mạnh nên đà tăng của VN-Index dần giảm nhiệt. Dòng tiền hướng đến các nhóm chứng khoán, thép, bất động sản.

Tại nhóm bất động sản, VHM có đóng góp lớn nhất khi tăng 2,1%. VIC cũng giao dịch tích cực khi tăng 1,1%. Nhiều cổ phiếu lớn khác như SSH, REE, KDH, KBC, THD, NLG, DIG, CEO… đều kết phiên trong sắc xanh dù tỷ lệ điều chỉnh không lớn.

Đáng chú ý, NVL lại nhận được lực cầu bắt đáy khi lui về vùng giá 14.000 đồng. Kết phiên, cổ phiếu của Novaland tăng trần lên mức 14.900 đồng, khớp lệnh gần 28 triệu đơn vị và vẫn dư mua trần hơn 1,2 triệu đơn vị.

Nhóm chứng khoán tăng mạnh nhất với vốn hóa +2,2%. SSI, VND và HCM cùng tăng hơn 2%. CTS, TVC và VCI cùng tăng hơn 4%. Đa số các mã còn lại cũng ở chiều tăng giá. Chiều ngược lại có HAC giảm mạnh nhất 5,8%; ngoài ra còn có DSC, HBS, FTS, PSI, TIN…

Tại nhóm thép, HPG tác động tích cực nhất khi tăng 2% lên mức giá 20.200 đồng. Như vậy sau 3 tháng giao dịch ở vùng giá dưới 20.000 đồng, cổ phiếu đầu ngành thép đã hồi phục trở lại, tương ứng bật tăng 66% từ vùng đáy 12.000 đồng phiên 7/11/2022.

Các cổ phiếu thép khác như HSG, NKG, POM, SMC, TLH, TIS, VGS cũng giao dịch tích cực.

Trong khi 3 nhóm trụ cột trên khởi sắc thì nhóm ngân hàng hôm nay lại cản đường VN-Index, tuy nhiên mức giảm cũng không đáng kể. EIB giảm mạnh nhất 6,8%. VCB cũng là gánh nặng lớn khi giảm 2,5%. VBB của Vietbank đảo chiều giảm 5,2% sau giai đoạn tăng nóng. Chiều giảm còn có BID, HDB, SGB, STB, VPB. Ngược lại, ACB tăng mạnh nhất với tỷ lệ 3,2%.

Về các cổ phiếu riêng lẻ, đáng chú ý vẫn là IBC của Apax Holdings. Phiên sáng, cổ phiếu này vẫn tăng trần, đánh dấu phiên thứ 9 liên tiếp “trắng bên bán”. Tuy nhiên sang phiên chiều, IBC bất ngờ giảm sàn về còn 3.830 đồng/cp. Tổng khối lượng giao dịch hơn 7 triệu đơn vị, dư bán sàn hơn 4 triệu đơn vị.

Về diễn biến của cổ phiếu IBC, sau chuỗi 26 phiên giảm sàn liên tục từ ngày 23/11/2022 (mức 15.500 đồng) đến ngày 28/12/2022 (mức 2.420 đồng) và trong trạng thái mất thanh khoản, mã bất ngờ nhận được lực cầu bắt đáy mạnh (phiên 29/12) hấp thụ toàn bộ hàng triệu cổ phiếu dư bán sàn và được đẩy trần.

Sau 8 phiên được giải cứu, IBC đã lấy lại được 82% giá trị. Mặc dù vậy, so với mức giá tại thời điểm cổ phiếu IBC bắt đầu lao dốc 18.200 đồng (phiên 14/11/2022), hiện mã đã giảm 77,5% thị giá.

Trong diễn biến liên quan thì từ ngày 16/12/2022 đến 6/1/2023, CTCP Tập đoàn Giáo dục Egroup đã bị hai công ty chứng khoán là Mirae Asset Việt Nam và Chứng khoán Bảo Việt bán giải chấp hơn 13 triệu cổ phiếu IBC. Sau giao dịch, lượng sở hữu của Egroup tại Apax Holdings từ gần 49,7 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 59,76%) xuống còn gần 36,7 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 44,11%).

Như vậy, sau bán giải chấp, Egroup không còn là công ty mẹ tại IBC.

Tin liên quan

Đọc tiếp

ĐHĐCĐ thường niên 2024 của LPB. Ảnh minh họa: Minh Phong - MekongASEAN

Cổ phiếu LPB đạt đỉnh lịch sử

Thị trường chứng khoán vừa chứng kiến thêm một phiên giảm điểm mạnh. Chốt phiên 17/4, chỉ số VN-Index giảm gần 23 điểm về còn 1.193 điểm, lần đầu mất mốc 1.200 điểm kể từ đầu tháng 2/2024.
Đấu thầu vàng miếng: Kịch bản nào cho giá vàng?

Đấu thầu vàng miếng: Kịch bản nào cho giá vàng?

Chiều nay 17/4, theo kế hoạch, Ngân hàng Nhà nước tổ chức đấu thầu vàng miếng trở lại sau 11 năm gián đoạn, một động thái được giới chuyên gia đánh giá là giải pháp cấp bách ngắn hạn để gia tăng nguồn cung cho thị trường và góp phần hạ nhiệt thị trường.