Theo báo cáo sơ bộ từ Khu phức hợp Bệnh viện cấp quận Tshwane và Steve Biko (TDHC) thuộc thành phố Pretoria (Nam Phi), trong hai tuần qua, đa số bệnh nhân nằm tại đây đã không cần thở máy. Đây là điểm khác so với các làn sóng trước đây. Tác giả báo cáo là ông Fareed Abdullah, bác sĩ bệnh truyền nhiễm tại TDHC, viết tài liệu dựa trên phân tích tình hình điều trị Covid-19 thực tế từ ngày 14 đến 29/11 tại TDHC.
Ca mắc mới tăng đột biến nhưng triệu chứng nhẹ
Báo cáo của bác sĩ Abdullah đã đưa ra một số kết luận chính, trong đó thời gian nằm trong phòng điều trị Covid-19 của các bệnh nhân trung bình là 2,8 ngày, ngắn hơn so với mức 8,5 ngày trong 18 tháng của đợt dịch trước. Số bệnh nhân Covid-19 nhập viện ở trong độ tuổi trẻ hơn, với 80% dưới 50 tuổi.
Một nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại Cape Town, Nam Phi vào ngày 2/12. Ảnh: Bloomberg |
Khoảng 19% là trẻ em từ 9 tuổi trở xuống, trong khi 28% thuộc nhóm tuổi 30-39. Các phòng điều trị bệnh nhi Covid-19 không ghi nhận ca tử vong nào trong hai tuần qua, trong khi nhóm này chiếm 17% số ca tử vong trong 18 tháng trước đó.
Trong số 38 người trưởng thành trong phòng điều trị Covid-19 vào ngày 2/12, có 6 người đã tiêm vaccine, 24 người chưa tiêm và 8 người chưa rõ tình trạng tiêm chủng.
Chỉ có 1 bệnh nhân cần thở máy đã tiêm chủng đầy đủ, nhưng lý do can thiệp y tế là để điều trị bệnh nền phổi tắc nghẽn mạn tính. Trong hai tuần qua, có hai ca được đưa vào khoa chăm sóc tích cực (ICU), nhưng nguyên nhân chính không phải vì viêm phổi do Covid-19 gây ra.
10 bệnh nhân Covid-19 tử vong trong các ngày 14-29/11, tương đương 6,6% trong số 166 ca nhập viện. Dù vậy, nguyên nhân tử vong chưa thể được xác định là có phải do Omicron hay không. Theo báo cáo, con số tử vong có thể sẽ tăng lên, đặc biệt sẽ trở nên rõ ràng hơn trong vòng 2 tuần tới vì đây là khoảng thời gian đủ để quan sát xem các ca mắc có trở nặng hay không.
Nam Phi chuẩn bị đối phó với làn sóng dịch thứ tư
Trong khi đó, Nam Phi đang chuẩn bị để hệ thống bệnh viện và các nguồn lực y tế trong nước có thể tiếp nhận thêm nhiều ca mắc mới. “Biến chủng Omicron đã đẩy Nam Phi vào làn sóng đại dịch lần thứ tư”, Tổng thống Cyril Ramaphosa phát biểu hôm 6/12. Từ ngày 29/11 tới ngày 3/12, số ca mắc mỗi ngày của Nam Phi đã tăng gần 7 lần, lên tới hơn 16.000 ca.
Omicron đang chiếm phần lớn các ca mắc mới tại Nam Phi. Ảnh: Reuters |
Tổng thống Ramaphosa cho biết Omicron có vẻ chiếm phần lớn các ca mắc mới tại đa số tỉnh của nước này. Tình trạng siêu lây nhiễm có thể bùng phát vào kỳ nghỉ lễ cuối năm. Nguy cơ số lượng lớn ca mắc Covid-19 có thể biến chứng nặng hơn do tỷ lệ tiêm chủng tương đối thấp. Cho đến nay, khoảng một phần tư dân số 60 triệu người tại Nam Phi đã được tiêm chủng đầy đủ, mặc dù nước này có nhiều loại vaccine Covid-19. Chính phủ đã gia hạn một chiến dịch tiêm chủng vào cuối tuần trước để cố gắng cải thiện tỷ lệ phủ vaccine.
Bên cạnh đó, các nhà khoa học Nam Phi và các nước khác đang gấp rút tìm hiểu về độ lây nhiễm, mức độ nghiêm trọng và độ kháng vaccine của Omicron. Theo chia sẻ của một số chuyên gia và bác sĩ tại Nam Phi, các kết quả tương đối khích lệ và cho thấy nhiều ca mắc Omicron chỉ ở mức độ nhẹ.
Các chuyên gia đồng ý còn quá sớm để kết luận về nguy cơ của Omicron, nhưng họ lưu ý với các biến thể "đáng quan ngại" trước đây (như Delta, Alpha...) các thảo luận trong giới nghiên cứu thường là "bệnh nặng hơn bao nhiêu?", thì với Omicron câu hỏi là "bệnh nhẹ hơn bao nhiêu?".
Ngoài Nam Phi, các bác sỹ Israel cũng báo cáo ghi nhận đa phần người nhiễm biến chủng Omicron ở thể nhẹ. Nếu biến chủng mới này có tốc độ lây lan nhanh hơn các biến chủng trước nhưng có độc tính nhẹ thì theo các nhà khoa học đây có thể là dấu hiệu chấm hết của đại dịch Covid-19.
Tính đến ngày 3/12, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết đã có 38 quốc gia trên thế giới ghi nhận hàng ngàn ca Omicron, riêng Nam Phi số ca mắc đã vượt mức 3 triệu do biến chủng này đang lan rộng, nhưng chưa có ca tử vong nào được báo cáo. WHO cho biết sẽ cần thêm vài tuần để tìm hiểu 3 vấn đề của Omicron: mức độ lây nhiễm, mức độ gây bệnh và khả năng kháng vaccine Covid-19.