OPEC+ cân nhắc cắt giảm 1% sản lượng dầu thế giới do nhu cầu sụt giảm. Ảnh: Reuters |
Theo CNBC đưa tin, cuộc họp sắp tới của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ ngày 5/10 tới sẽ được tổ chức trong bối cảnh giá dầu giảm và thị trường biến động mạnh trong nhiều tháng. Thêm vào đó, các lo ngại về suy thoái kinh tế cũng góp phần khiến nhu cầu suy yếu, từ đó khiến nhà xuất khẩu hàng đầu của OPEC + là Saudi Arabia cân nhắc cắt giảm sản lượng.
Nếu đề xuất cắt giảm 1 triệu thùng / ngày được thông qua, việc này sẽ tương đương với 1% sản lượng dầu toàn cầu bị cắt giảm. Sau đại dịch Covid-19, đây sẽ là mức cắt giảm lớn nhất so với ngưỡng 10 triệu thùng/ngày trong năm 2020 của tổ chức này, do đại dịch Covid-19 khiến mọi hoạt động đình trệ, từ đó dẫn tới nhu cầu tụt giảm kỷ lục.
Mặt khác theo các nguồn tin của Reuters, có khả năng mức cắt giảm còn vượt quá 1 triệu thùng/ngày do Saudi Arabia có thể đồng ý cắt giảm thêm. Phản ứng lại với động thái này, các nhà phân tích và những nhà quan sát OPEC như UBS và JPMorgan cho biết mức cắt giảm này là hợp lý trong việc ngăn chặn đà giảm giá dầu.
Theo ông Stephen Brennock thuộc nhà môi giới dầu PVM, mức giá 90 USD/thùng vô cùng quan trọng đối với ban lãnh đạo OPEC+, do đó các quốc gia thành viên sẽ hành động hết mức có thể để bảo vệ nó.
Ngoài ra, ngay sau khi tin tức 1% sản lượng dầu toàn cầu sẽ bị cắt giảm, giá dầu đã tăng hơn 3% trong phiên giao dịch sớm tại châu Á ngày 3/10. Dầu thô Brent giao sau tăng 2,82 USD, tương đương 3,3%, lên mức 87,96 USD / thùng. Trong khi đó, dầu thô Trung cấp Tây Texas của Mỹ ở mức 82,09 USD / thùng, tăng 2,60 USD, tương đương 3,3%, sau khi mất 2,1% trong phiên trước.
Trước đó, OPEC cùng các nước xuất khẩu khác đã từ chối tăng sản lượng hoặc tăng không đáng kể bất chấp các yêu cầu từ các nước tiêu thụ lớn như Mỹ nhằm giúp hạ giá năng lượng. Tuy nhiên, từ tháng 9, giá dầu đã bắt đầu giảm mạnh do các lo ngại về tình hình kinh tế toàn cầu cũng như từ việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tăng lãi suất, khiến đồng USD mạnh lên.
Động thái cắt giảm sản lượng này rất có khả năng sẽ khiến một số quốc gia phương Tây, đặc biệt là Mỹ không hài lòng. Nguyên nhân là do các quốc gia này vẫn đang gây áp lực lên Saudi Arabia giảm giá dầu để giúp hạ thấp doanh thu xuất khẩu năng lượng của Nga.
Sau khi Moscow khởi động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine ngày 24/2, Mỹ cùng các quốc gia đồng minh đã ngay lập tức áp đặt hàng loạt các biện pháp trừng phạt kinh tế và tài chính với mục tiêu khiến nền kinh tế Nga sụp đổ. Tuy nhiên, giá năng lượng tăng mạnh ngược lại đã giúp nước này nhận được nguồn thu kỷ lục bất chấp các lệnh cấm vận.