Khu nhà kính phát triển nông nghiệp công nghệ cao của tập đoàn PAN. |
Việt Nam đã ký nhiều hợp tác nông nghiệp công nghệ cao với Nhật Bản. Từ năm 2015 - 2019, Nhật Bản đã hỗ trợ Việt Nam về cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, nhân lực, vốn ODA nhằm gia tăng thương mại nông sản Việt Nam – Nhật Bản. Đặc biệt là sự hỗ trợ tập trung vào nâng cao chất lượng, đảm bảo vệ sinh thực phẩm.
Là doanh nghiệp nông nghiệp có nhiều hợp tác với Nhật Bản, Tập đoàn PAN đã có những chia sẻ kinh nghiệm hợp tác với các doanh nghiệp Nhật Bản về lĩnh vực này tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam – Nhật Bản 2023, ngày 15/2.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Tài chính Tập đoàn PAN cho biết, cách đây 10 năm, PAN đã quan sát thấy nông sản Việt Nam chưa được đánh giá đúng với giá trị nên tập đoàn nhận ra rằng, áp dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp là chìa khóa quan trọng để giải quyết bài toán đề ra.
Để làm được điều này, theo ông Tuấn, việc hợp tác với các đối tác nước ngoài đóng vai trò quan trọng. Trong đó, Nhật Bản là đối tác lớn mà PAN coi trọng hợp tác này.
Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của PAN sang Nhật Bản đạt 200 triệu USD, chiếm 40% doanh thu xuất khẩu và là thị trường xuất khẩu lớn nhất, với các nông sản có giá trị cao như tôm, nông sản đông lạnh, điều chế biến. Ngoài ra, PAN còn xuất khẩu sang Nhật giống cây trồng và gạo đóng gói.
Bên cạnh đó, PAN và một công ty Nhật Bản cũng đang có hợp tác trồng hoa tươi theo kỹ thuật Nhật Bản ở Lâm Đồng với sự tham gia trực tiếp của các chuyên gia Nhật Bản. Hiệu quả hợp tác đã giúp hoa tươi mà PAN xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản có giá gấp 3 lần thị trường trong nước.
Ở chiều ngược lại, ông Tuấn cho biết, tập đoàn cũng học hỏi được và được các doanh nghiệp Nhật Bản hỗ trợ chuyển giao công nghệ, kỹ thuật trong sản xuất nuôi trồng giống, điển hình là với cá tra.
Ông Nguyễn Anh Tuấn (ngoài cùng bên phải) "Điều quan trọng nhất trong hợp tác nông nghiệp công nghệ cao là lựa chọn và đầu tư công nghệ phù hợp. Với góc độ doanh nghiệp, theo tôi thương mại sẽ thúc đẩy công nghệ. PAN luôn coi hợp tác thương mại là công cụ dẫn đường cho các hợp tác sâu sắc hơn về tài chính và công nghệ trong quan hệ với các đối tác Nhật Bản”.
Do đó, Giám đốc Tài chính của PAN cho biết, tập đoàn sẽ tiếp tục tăng cường các hợp tác với đối tác Nhật Bản về giống cây trồng, chuyển giao công nghệ, tự động hóa quy trồng nuôi trồng, chế biến, bảo quản thủy hải sản, xử lý, tái chế chất thải trong sản xuất để đảm bảo an toàn cho môi trường.
Ông Nguyễn Anh Tuấn cũng thông tin thêm, vào tháng 3 sắp tới, PAN sẽ tham dự JAPAN Foodex 2023 và nhiều chuyến thăm với các tập đoàn tài chính, công nghệ tại Nhật Bản để tăng cường mở rộng hợp tác.
Là đối tác Nhật Bản có đầu tư vốn vào Tập đoàn PAN và quan tâm với đầu tư nông nghiệp công nghệ cao ở Việt Nam, ông Tadahiro Kinoshita, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sojitz Việt Nam đã đưa ra nhiều để xuất để hợp tác của các doanh nghiệp 2 nước trở nên hiệu quả hơn trong lĩnh vực nông nghiệp.
"Các nhà sản xuất Việt Nam cần tăng cường năng lực, cơ giới hóa, tự động hóa, áp dụng công nghệ. Bên cạnh đó, cần có sự hiện đại hóa hệ thống lưu thông, chuỗi phân phối linh hoạt và thuận lợi hơn".
Bên cạnh đó, đại diện Sojitz Việt Nam cho rằng, lĩnh vực tài chính ở các địa phương của Việt Nam còn yếu cần có nhiều quỹ tín dụng cho đầu tư sản xuất nông nghiệp. Ông Tadahiro Kinoshita cũng khuyến nghị các doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam nghĩ tới hình thành nhiều lĩnh vực kinh doanh mới, để tạo kết nối khu vực ASEAN.
Từ 1987, Sojitz đã đầu tư vào Việt Nam với nhiều công ty con, mở rộng dần từ phía Nam ra các tỉnh phía Bắc. Trong lĩnh vực nông nghiệp, Sojitz đầu tư vào lĩnh vực dăm gỗ, giấy vệ sinh, sản xuất cá ngừ.
Dự án hợp tác Sojitz - Vinamilk
Chia sẻ về kế hoạch mở rộng kinh doanh thời gian tới tại Việt Nam, ông Tadahiro Kinoshita cho biết, tháng 3 sắp tới, Công ty TNHH Sojitz Việt Nam sẽ khởi công dự án hợp tác với Công ty Vinamilk trong nuôi bò thịt tại Vĩnh Phúc. Liên doanh này đầu tư cơ sở chăn nuôi – chế biến – phân phối sản phẩm thịt bò tại Việt Nam để cung cấp cho thị trường toàn quốc và xuất khẩu.
Trong giai đoạn 1, dự án dự kiến sẽ đi vào hoạt động với quy mô công suất khoảng 30.000 bò thịt/năm, có cơ sở chế biến khép kín, công nghệ hiện đại. Quy mô hợp tác giữa các nhà đầu tư xấp xỉ 3.000 tỷ đồng, trong đó tổng mức đầu tư dự án tại tỉnh Vĩnh Phúc là 1.670 tỷ đồng. Các giai đoạn tiếp theo sẽ có thêm các sản phẩm nguồn gốc protein khác với công nghệ chế biến sâu và quy mô hợp tác dự kiến lên đến 500 triệu USD.