Quy hoạch đặt mục tiêu phát triển Đà Nẵng thành Trung tâm tài chính quốc tế quy mô khu vực. Ảnh: VGP |
Theo quyết định này, phạm vi, ranh giới lập quy hoạch thành phố Đà Nẵng bao gồm toàn bộ phần lãnh thổ đất liền thành phố Đà Nẵng với diện tích tự nhiên 1.284,88 km2 và vùng biển gồm quần đảo Hoàng Sa được xác định theo Luật Biển Việt Nam năm 2012, Nghị định số 40/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.
Quy hoạch đặt mục tiêu đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 9,5 - 10%/năm và phấn đấu đạt 12%/năm theo tinh thần Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp - thủy sản tăng 2,5 - 3%; công nghiệp - xây dựng tăng 10 - 10,5% (công nghiệp tăng 11,5-12%); dịch vụ tăng 9,5 - 10%.
Về cơ cấu kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp - thủy sản chiếm khoảng 1 - 2%; công nghiệp - xây dựng khoảng 29 - 30%; dịch vụ khoảng 61 - 62%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm khoảng 8 - 9%. Theo quy hoạch, Đà Nẵng phấn đấu GRDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 8.000 - 8.500 USD.
Phát triển công nghiệp công nghệ cao và công nghệ thông tin - 1 trong 3 trụ cột của nền kinh tế Đà Nẵng
Hình thành Khu phi thuế quan, khu thương mại tự do tại Đà Nẵng và phát triển dịch vụ công nghệ thông tin
Để thực hiện được mục tiêu nêu trên, theo quy hoạch, Đà Nẵng sẽ triển khai 7 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, thành phố sẽ tái cơ cấu và xây dựng mô hình tăng trưởng theo hướng chuyển đổi thích nghi và phù hợp với giai đoạn phát triển mới.
Đà Nẵng sẽ thu hút nguồn lực, điều chỉnh cơ cấu đầu tư phù hợp, nâng cao hiệu quả đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, tạo nền tảng nâng cao tính tự chủ và khả năng chống chịu với các tác động từ bên ngoài.
Cùng với đó, thành phố cần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng khu vực công nghiệp, nhất là công nghiệp công nghệ cao và công nghệ thông tin. Đây được định hướng là một trong 3 trụ cột thời kỳ mới của nền kinh tế Đà Nẵng.
Thành phố cần phát huy nội lực và lợi thế vị trí địa lý để phát triển các ngành dịch vụ, trọng tâm là dịch vụ du lịch và dịch vụ vận tải, kho bãi. Quy hoạch đặt mục tiêu đến năm 2030, đưa Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm du lịch, vận tải và logistics, cảng biển của cả nước.
Tập trung phát triển Đà Nẵng thành Trung tâm tài chính quốc tế quy mô khu vực, hình thành Khu phi thuế quan, khu thương mại tự do, phát triển dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông, y tế, giáo dục - đào tạo chất lượng cao.
Đồng thời, thành phố cần đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững. Quy hoạch phát triển đô thị dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế và nguyên tắc phát triển của một đô thị hiện đại. Đà Nẵng cần đảm bảo sử dụng có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên nước, bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đặt mục tiêu năm 2050 Đà Nẵng trở thành trung tâm du lịch quốc tế
Cũng theo Quy hoạch, các khâu đột phá phát triển Đà Nẵng gồm xác định đổi mới sáng tạo, kinh tế tri thức và chuyển đổi số toàn diện là nhân tố đóng góp chủ yếu cho nâng cao chất lượng tăng trưởng.
Từ đó, phát huy vai trò của các thành phần kinh tế gồm kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài; huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực xã hội để tạo đột phá trong xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại.
Đà Nẵng cũng cần cao chất lượng cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm tận dụng và phát huy cơ hội của xu thế phát triển khu vực và quốc tế, sự dịch chuyển các luồng đầu tư, làn sóng đầu tư theo hướng có lợi cho Việt Nam và thành phố.
Cần ban hành cơ chế, chính sách đặc thù để xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng, tạo động lực cho phát triển khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước theo Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị.
Cùng với đó, thành phố cần phát triển toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát huy tối đa nhân tố văn hóa, con người làm nền tảng cho phát triển bền vững.
Tầm nhìn đến năm 2050, quy hoạch đặt mục tiêu xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành đô thị lớn, sinh thái, thông minh, bản sắc, bền vững, ngang tầm quốc tế, giữ vai trò là đầu mối kết nối và phát triển với mạng lưới đô thị khu vực và quốc tế.
Đưa Đà Nẵng trở thành Trung tâm du lịch quốc tế gắn với trung tâm tổ chức sự kiện quốc tế; trung tâm công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin; trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; trung tâm tài chính quốc tế quy mô khu vực và là thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực châu Á.
Tiếp tục phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
Về phương hướng phát triển các ngành, lĩnh vực quan trọng, quy hoạch nêu nhiệm vụ tiếp tục phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn nhằm đưa Đà Nẵng thành trung tâm du lịch và dịch vụ chất lượng cao, một trong những trung tâm du lịch nghỉ dưỡng biển, sinh thái cao cấp, xanh, thông minh và là trung tâm tổ chức các hội nghị, sự kiện lễ hội mang tầm quốc tế.
Thành phố cần tập trung phát triển 3 nhóm sản phẩm du lịch đặc trưng, chính và bổ trợ. Phát triển du lịch với tư duy sáng tạo đột phá, kết hợp với ứng dụng công nghệ và gắn với thiên nhiên, văn hóa lịch sử truyền thống.
Đà Nẵng cần định hướng chất lượng sản phẩm/dịch vụ đạt chuẩn "chất lượng cao" ở tất cả các loại hình; ưu tiên phát triển dòng sản phẩm/dịch vụ cao cấp và siêu sang.
Xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ của cả nước
Về công nghiệp, quy hoạch cũng đặt mục tiêu xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ của cả nước.
Theo đó, thành phố cần tiếp tục chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng giảm dần các ngành sản xuất thâm dụng đất đai, lao động, giá trị gia tăng thấp, hạn chế và tiến tới loại bỏ các ngành sản xuất gây ô nhiễm môi trường; tăng tỷ trọng các ngành, lĩnh vực sản xuất có hàm lượng cao về công nghệ, tri thức, có giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường.
Cụ thể, thành phố cần phát triển các lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao gồm công nghệ vi điện tử, công nghệ chip và vi mạch bán dẫn, cơ khí chính xác, cơ - điện tử, quang - điện tử và tự động hóa; công nghệ môi trường, công nghệ năng lượng mới; công nghệ vật liệu mới, công nghệ nano... trở thành ngành công nghiệp chủ đạo.
Đồng thời, Đà Nẵng sẽ phát triển các lĩnh vực công nghiệp ưu tiên gồm công nghiệp ô tô; công nghiệp hàng không; công nghiệp du thuyền; công nghiệp điện tử, cơ khí chế tạo; công nghiệp hóa dược, hóa mỹ phẩm; công nghiệp thực phẩm, đồ uống theo hướng sản xuất, chế biến tinh; công nghiệp thời trang gắn với thiết kế mẫu và các lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo khác có giá trị gia tăng cao.
Thành phố phấn đấu tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt bình quân trên 12%/năm và phát triển công nghiệp hỗ trợ, trong đó tập trung các lĩnh vực sản xuất, cung ứng cho các ngành công nghiệp ưu tiên, công nghiệp công nghệ cao; tạo điều kiện hình thành và phát triển các cụm liên kết ngành.