Phía sau con số 62.000 tỷ đồng khối ngoại bán ròng năm 2021

CHỨNG KHOÁN Việt nAM
19:15 - 02/01/2022
Nhà đầu tư nước ngoài đã rút hơn 62.000 tỷ trong năm 2021.
Nhà đầu tư nước ngoài đã rút hơn 62.000 tỷ trong năm 2021.
0:00 / 0:00
0:00
Năm 2021, khối ngoại đã thực hiện bán ròng kỷ lục lên tới 62.358 tỷ đồng. Trong khi cụm từ "chứng khoán Việt Nam thăng hoa" được nhắc đến liên tục trong những ngày vừa qua thì con số này khiến người ta không khỏi băn khoăn.

Khối ngoại bán ròng kỷ lục, có đáng lo?

Năm 2021, khi chứng khoán Việt từng bước thiết lập những đỉnh cao mới thì khối ngoại vẫn trong xu thế ngược chiều khi cả năm miệt mài bán ròng. Theo đó, giao dịch khối ngoại trong năm qua ghi nhận giá trị bán ròng 62.358 tỷ đồng. Nếu tính cả trên kênh khớp lệnh thì giá trị bán ròng còn lên tới 74.313 tỷ đồng. Trong khi đó, mua ròng đạt 11.955 tỷ đồng.

Con số trên đã trở thành kỷ lục của khối ngoại bán ròng, cao hơn số bán ròng của khối ngoại trong cả năm 2020 (18.794 tỷ đồng). Tính chung trong 2 năm Covid-19, tổng lượng bán ròng của khối nhà đầu tư ngoại đã đạt ngưỡng 81.152 tỷ đồng, tương đương hơn 3,5 tỷ USD bị rút ra khỏi thị trường.

Bàn về vấn đề khối ngoại miệt mài bán ròng trong năm qua, tại buổi Lễ công bố 10 sự kiện chứng khoán nổi bật nhất năm 2021 vừa qua, ông Trần Văn Dũng (Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước) cho rằng: Giá trị bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài thời gian vừa qua đạt mức kỷ lục nhưng không đủ để thành một câu chuyện lớn.

Đến thời điểm hiện tại, giá trị danh mục đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài khoảng 53 tỷ USD, trong khi hồi đầu năm khoảng 45 tỷ USD. Như vậy mặc dù rút ròng nhưng tài sản trên thị trường chứng khoán của họ vẫn tăng.

Ông Trần Văn Dũng (Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước)

Theo ông Dũng, năm 2021, khối ngoại bán ròng khoảng 2,3 tỷ USD, trong đó rút ròng khoảng 1,2 tỷ USD tăng, mức không nhiều so với mức 1,05 tỷ USD của năm 2020. Dữ liệu này cũng cho thấy rằng, nhà đầu tư nước ngoài dù bán ròng nhưng vẫn giữ tiền khá nhiều tại thị trường trong nước.

Ông Lê Chí Phúc, Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ SGI (SGI Capital) cũng cho rằng, việc khối ngoại bán ròng trong thời gian qua gần như không gây ảnh hưởng quá lớn đến thị trường. Bởi hiện nay, giá trị giao dịch của khối ngoại chỉ chiếm khoảng 7 - 8% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường trong mỗi phiên.

Theo ông Phúc, nếu so tương quan với quy mô rút ròng tại một số thị trường trong khu vực trong 3 quý đầu năm 2021 như Malaysia, Philippines, Thái Lan thì tỷ trọng bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài tại thị trường Việt Nam vẫn ở mức trung bình.

Vì sao HPG bị bán ròng 18.925 tỷ?

Trong số các mã chứng khoán bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất trong năm 2021 trên HoSE, HPG là cái tên dẫn đầu. Giá trị bán ròng của cổ phiếu này lên tới 18.925 tỷ đồng – cao hơn mức bán ròng trên toàn thị trường trong cả năm 2020.

Trong năm qua, HPG từng ghi nhận những đợt phi mã, từng thiết lập mức đỉnh lịch sử 58.000 đồng/cp (phiên 28/10). Đây có lẽ cũng là nguyên nhân khiến khối ngoại đẩy mạnh bán HPG nhằm "chốt lời" khi thị giá đã đạt kỳ vọng. Tuy nhiên trong 2 tháng cuối năm, HPG đã quay đầu lao dốc; kết phiên cuối năm giảm khoảng 20% kể từ vùng đỉnh.

Ngoài HPG, các cổ phiếu trong danh sách 10 mã bị bán ròng mạnh nhất sàn HoSE đều có giá trị trên 1.000 tỷ đồng. VPB và VNM có giá trị bán ròng lần lượt 9.331 tỷ đồng và 6.630 tỷ đồng. CTG -5.198 tỷ đồng, SSI -4.098 tỷ đồng, NLG -3.058 tỷ đồng và MSN -2.560 tỷ đồng.

Trên sàn HNX, khối ngoại cũng bán ròng gần 3.100 tỷ đồng trong năm qua, tăng 26% so với năm 2020. Đặc biệt, giá trị bán ròng cao tập trung ở những tháng cuối năm do Pyn Elite Fund liên tục chốt lời CEO khi giá cổ phiếu này tăng mạnh, gấp 6-7 lần so với thời điểm đầu năm. Tổng cộng, khối này đã bán ròng riêng cổ phiếu CEO với giá trị lên tới 2.434 tỷ đồng.

Các quỹ ETFs giúp kéo lại

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu được khối ngoại mua ròng mạnh nhất gọi tên VHM với giá trị 4.663 tỷ đồng. Tuy nhiên nếu xét về khớp lệnh, mã này chỉ được mua ròng trên 379 tỷ đồng. STB đứng thứ 2 trong danh sách mua ròng với 4.206 tỷ đồng.

Đáng chú ý, dòng tiền khối ngoại trong năm qua có xu hướng đổ mạnh vào các quỹ ETFs. Thống kê cho thấy, các quỹ ETFs trên thị trường Việt Nam đã hút ròng lượng vốn lên tới hơn 11.500 tỷ đồng trong năm 2021.

Trong đó, quỹ hút vốn mạnh nhất thị trường với khoảng 417 triệu USD (khoảng 9.590 tỷ đồng) là Fubon FTSE Vietnam ETF, một quỹ ETF đến từ Đài Loan (Trung Quốc). Lượng vốn đổ mạnh vào Fubon FTSE Vietnam ETF chủ yếu trong giai đoạn tháng 3 đến tháng 7 khi quỹ IPO và đẩy mạnh phát hành chứng chỉ quỹ. Nhưng kể từ tháng 8, dòng vốn có xu hướng rút nhẹ khỏi quỹ trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Phương thức giao dịch của quỹ ETF. (Nguồn: HSC)

Phương thức giao dịch của quỹ ETF. (Nguồn: HSC)

DCVFM VNDiamond ETF cũng là cái tên hút vốn nổi bật trong năm qua với giá trị 3.247 tỷ đồng. Lượng vốn đổ vào quỹ cũng mạnh trong 4 tháng đầu năm và rút nhẹ trong những tháng cuối năm. DCVFM VNDiamond ETF hiện là quỹ ETF quy mô lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam với giá trị danh mục gần 13.800 tỷ đồng.

Danh mục DCVFM VNDiamond ETF gồm các cổ phiếu trong rổ "Diamond Index" với nhiều mã có yếu tố cơ bản tốt và trong tình trạng "kín room" ngoại như FPT, MWG, REE, PNJ…

Trong những tháng gần đây thì SSIAM VNFinLead là cái tên hút vốn tốt nhất. Tính riêng tháng 12, quỹ nãy đã hút ròng 78 tỷ đồng, nâng lượng hút vốn lũy kế từ đầu năm tới nay lên 1.324 tỷ đồng. Đây là giai đoạn các cổ phiếu ngân hàng (chiếm phần lớn trong rổ VNFinLead) tích lũy đi ngang sau giai đoạn bứt phá mạnh nửa đầu năm 2021.

Ngoài ra, một số quỹ ETF khác như Vaneck Vectors Vietnam ETF, DCVFM VN30 ETF, MAFM VN30 ETF, VinaCapital VN100 ETF, Premia MSCI Vietnam ETF cũng có 1 năm hút vốn tích cực. Tuy nhiên lượng hút vốn cũng không quá lớn.

Phương thức giao dịch của quỹ ETF

Theo Chứng khoán SSI, Quỹ hoán đổi danh mục (ETF, Exchange Traded Fund) là một quỹ đầu tư để mô phỏng các chỉ số chứng khoán (Ví dụ: Vn-Index, VN30), hàng hóa hoặc một rổ tài sản, nhưng được giao dịch như một cổ phiếu trên sàn. ETF là sản phẩm lai giữa mô hình quỹ và một cổ phiếu, vừa có đặc điểm của quỹ, nhưng giao dịch như một cổ phiếu trên sàn với giá thay đổi hàng ngày khi chúng được mua và bán. Nhà đầu tư có thể mua ETF trực tiếp trên sàn hoặc mua sơ cấp qua nhà tạo lập.

Ở thị trường sơ cấp, quỹ ETF không bán chứng chỉ quỹ riêng lẻ trực tiếp cho nhà đầu tư, mà chỉ phát hành theo lô lớn. Ở Việt Nam, một lô đơn vị quỹ ETF trên thị trường sơ cấp gồm tối thiểu 100.000 chứng chỉ quỹ ETF.

Nhà đầu trên thị trường sơ cấp không mua lô đơn vị quỹ bằng tiền, mà thay vào đó mua các lô đơn vị quỹ ETF bằng danh mục chứng khoán cơ cấu – mô phỏng theo danh mục của chỉ số tham chiếu đã được chấp thuận. Các nhà đầu tư mua trực tiếp các lô đơn vị quỹ thường là những tổ chức đầu tư và các thành viên lập quỹ.

Sau khi mua các lô đơn vị quỹ, nhà đầu tư có thể chia nhỏ ra và bán các chứng chỉ quỹ ETF trên thị trường thứ cấp. Điều này cho phép các nhà đầu tư khác mua các đơn vị quỹ riêng lẻ, thay vì mua lô lớn trên thị trường sơ cấp.

Nhà đầu tư muốn bán chứng chỉ quỹ ETF sẽ có hai sự lựa chọn: (i) bán chứng chỉ quỹ riêng lẻ cho các nhà đầu tư khác trên thị trường thứ cấp, hoặc (ii) bán các lô đơn vị quỹ ngược lại cho quỹ ETF.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Eximbank báo lãi quý 1/2024 giảm 24%

Eximbank báo lãi quý 1/2024 giảm 24%

Năm 2024, Eximbank đặt tham vọng lãi trước thuế tăng tới 90% so với 2023, tuy nhiên hết quý 1, lợi nhuận ngân hàng này chỉ đạt hơn 661 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ năm trước và thực hiện được 13% kế hoạch.
TPBank khép lại quý 1/2024 với kết quả kinh doanh khởi sắc.

TPBank báo lãi 1.800 tỷ đồng trong quý 1/2024

Kết thúc quý 1/2024, lợi nhuận của TPBank đạt hơn 1.800 tỷ đồng. Đáng chú ý, ngân hàng đã tiến hành góp vốn vào CTCP Quản lý quỹ Việt Cát (VFC), bước đầu mở rộng quy mô nhằm phát triển trở thành tập đoàn tài chính vững mạnh.