Yeah1 gặp khó từ sau "cuộc chia tay nghìn tỷ" với YouTube. |
Vừa qua, ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống (Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Yeah1, mã chứng khoán YEG) đã đăng ký bán ra hơn 3,6 cổ phiếu theo phương thức thoả thuận, nhằm giảm tỉ lệ nắm giữ, trong thời gian từ ngày 10/1 đến 30/1/2022.
Hiện, Chủ tịch Yeah1 sở hữu hơn 7,7 triệu cổ phiếu YEG, tương đương 24,72% vốn công ty. Nếu giao dịch trên được thực hiện theo đúng kế hoạch thì tỉ lệ vốn của ông Tống tại Yeah1 chỉ còn 12,9%.
Ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống thông báo bán cổ phiếu cũng cùng lúc Tổng Giám đốc Yeah1 Đào Phúc Trí bán xong 1,1 triệu cổ phiếu YEG theo phương thức thoả thuận. Với giao dịch được thực hiện từ cuối tháng 12 này, ông Trí giảm số lượng cổ phiếu nắm giữ từ 1,4 triệu (tương ứng tỉ lệ 4,78%) xuống còn 344.246 (tương ứng tỉ lệ 1,1%).
Đây không phải lần đầu Chủ tịch và Tổng Giám đốc Yeah 1 đăng ký bán cổ phiếu YEG. Hồi năm 2020, ông Tống cũng từng bán ra hơn 5,05 triệu cổ phiếu, còn ông Đào Phúc Trí bán 1 triệu cổ phiếu. Ông Tống và ông Trí là những co-founder của Yeah1 từ giữa thập niên trước, khi công ty truyền thông này chỉ mới là một diễn đàn dành cho giới trẻ.
Về cổ phiếu YEG, mặc dù từ nửa cuối tháng 12/2021 đến nay mã này có ghi nhận tăng trưởng nhưng chưa leo lên được ở con dốc đã trượt. Còn nhớ, vào tháng 6/2018, YEG đã lập một kỷ lục tại Việt Nam khi giá chào sàn lên đến 250.000 đồng/cp. Sau đó vài tháng, YEG còn tăng vọt lên đỉnh với mức khó tưởng là 343.000 đồng/cp.
Thị giá cổ phiếu YEG giảm mạnh trong năm 2021. |
Vậy mà sau “cuộc chia tay nghìn tỷ” giữa Yeah1 và YouTube vào tháng 3/3019, cổ phiếu YEG từ đỉnh cao dần rớt xuống vực sâu. Hồi đầu năm 2021, mã vẫn còn ở khoảng gần 50.000 đồng/cp. Tuy nhiên từ tháng 5 tiếp tục tụt dốc không phanh, giá sàn hồi tháng 8 chỉ có 15.000 đồng. Phiên cuối năm 2021, YEG vớt vát được lên 25.500 đồng rồi lại quay đầu, hiện dừng ở mức 23.650 đồng.
Giá cổ phiếu này xuống dốc mạnh trong năm qua được cho là bắt nguồn từ tình hình kinh doanh kém sắc của Yeah 1. Công ty đặt mục tiêu năm 2021 có doanh thu 2.710 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 4 tỷ đồng. Nhưng theo báo cáo tài chính quý 3/2021, Yeah1 chỉ đạt doanh thu thuần gần 278 tỷ đồng, giảm 36% so với cùng kỳ.
Tính ra, công ty lỗ ròng 56,8 tỷ đồng, trong đó lỗ thuộc về cổ đông công ty mẹ gần 62 tỷ đồng. Con số này nâng mức lỗ ròng 9 tháng lên xấp xỉ 259 tỷ đồng vì đây là quý thứ 4 liên tiếp Yeah1 báo lỗ. Để cân bằng tài chính, Yeah 1 còn phải liên tiếp chuyển nhượng công ty con.
Kết quả trên được YEG giải thích là do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các mảng kinh doanh của công ty gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt là mảng Thương mại đa kênh (Bán lẻ) - mảng kinh doanh vừa đưa vào vận hành từ năm 2020.
Trước tình hình kinh doanh như vậy, bà Trần Uyên Phương – ái nữ nhà Tân Hiệp Phát, cổ đông sở hữu 22,4 % vốn Yeah1, cũng bất chấp lỗ hàng trăm tỷ mà rút lui. Bà Phương chính là người mua vào hơn 6 triệu cổ phiếu của 2 lãnh đạo Yeah1 hồi năm 2020. Lúc đó, Yeah1 và Tân Hiệp Phát còn ký thoả thuận hợp tác chiến lược với mục tiêu đưa Yeah1 trở lại guồng quay và trả món nợ "kỳ lân" cho nhà đầu tư.
Theo đó, từ cuối tháng 7/2021 đến đầu tháng 11/2021, bà Phương đã có 4 đợt bán YEG với tổng 6 triệu cổ phiếu, xấp xỉ lượng bà mua vào trước đó. Được biết, giá bán ra của bà Phương chỉ dao động trong khoảng 15.000-16.000 đồng/cp, trong khi giá mua vào lên tới 50.000 đồng/cp.
Dư âm từ "cuộc chia tay" với YouTube
"Trải nghiệm khi hợp tác với Youtube là bài học lớn và sâu sắc. Lúc đó, mình không chỉ đứng trên vai người khổng lồ mà còn muốn leo lên đầu người ta. Bây giờ, máu vẫn chảy!". Đó chính là chia sẻ của ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống - Chủ tịch Yeah1 Group trong Talkshow "Hạt nhân trong chuyển đổi số doanh nghiệp SME" được tổ chức bởi BIT Group và Saigon Times hồi tháng 12 vừa qua.
Ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống. |
Bài học lớn và sâu sắc mà ông Tống nhắc đến chính là những vi phạm chính sách nội dung khiến Yeah1 mấy hoàn toàn hợp đồng với YouTube vào năm 2019. Theo ông Tống, thời điểm trước khi xảy ra sự cố, Yeah1 là đối tác phát triển nội dung số hàng đầu của YouTube – đứng vị trí thứ 3, quản lý mấy chục ngàn kênh trên toàn cầu. Lên sàn chứng khoán với nguồn vốn mới dồi dào, nên cổ phiếu YEG tăng trưởng cực nhanh.
Tuy nhiên, “cuộc chia tay” bất ngờ đã khiến Yeah1 rơi vào cuộc khủng hoảng lớn. Chỉ một ngày sau khi thông tin được công bố, vốn hóa của Yeah1 giảm lập tức 500 tỉ đồng, và nối tiếp bằng 12 phiên giảm liên tục. Sau 1 tháng, vốn hóa của Yeah1 bốc hơi hơn 4.000 tỉ đồng. Yeah1 phải nhanh chóng bán ScaleLab LLC vừa mua đầu năm 2019 với giá 20 triệu USD.
"Khi gặp phải nan đề, Yeah1 đã chuyển sang chiến lược mới: Tự phát triển nền tảng của mình. Tuy nhiên, con đường không đơn giản. Mình cứ nghĩ bỏ ra vài chục ngàn đô sẽ làm được 1 hệ thống hoặc nền tảng xịn xò. Song sự thật không phải vậy.
Trong 3 năm vừa rồi, bài toán lợi nhuận của Yeah1 rất kém, chúng tôi vẫn đang lỗ. Mặc dù mảng kinh doanh cốt lõi của Yeah1 là media vẫn rất tốt, nhưng chúng tôi lại đang phải đổ nhiều tiền vào đầu tư platform. Trong tương lai, nếu cảm thấy đầu tư không nổi nữa, thì Yeah1 sẽ đến gặp bên thứ ba, như FPT, để nhờ làm giúp. Nhưng tôi vẫn tâm niệm, chuyển đổi số là 1 quá trình, mình còn trẻ thì vẫn còn phải cố gắng", Chủ tịch Yeah1 chia sẻ trong Talkshow.