Cụ thể, Pomina cho biết công ty đang thu thập và cung cấp cho tư vấn khảo sát, đánh giá về công ty Pomina để thương thảo giá với nhà đầu tư chiến lược, dẫn đến chậm số liệu cho báo cáo tài chính 6 tháng.
Pomina cho biết sẽ tích cực làm việc với phía kiểm toán về cung cấp số liệu để có báo cáo tài chính sớm nhất nhằm đưa chứng khoán ra khỏi diện cảnh báo. Đồng thời, công ty cũng cam kết sẽ công bố báo cáo tài chính soát xét bán niên 2023 trong thời gian sớm nhất có thể.
Trước đó, từ ngày 22/9, mã chứng khoán POM đã bị đưa vào diện cảnh báo do chậm nộp báo cáo tài chính bán niên đã soát xét quá 15 ngày so với quy định, đồng thời, cổ phiếu POM cũng đã bị đưa vào diện theo dõi ở diện cảnh báo do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2022 trên báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2022 là lỗ 444,68 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo báo cáo tài chính quý 2 tự lập đã công bố, tình hình kinh doanh nửa đầu năm 2023 của Pomina cũng không khả quan.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Pomina đạt 2.444 tỷ đồng giảm 70% so với cùng kỳ năm trước. Kinh doanh dưới giá vốn khiến Pomina lỗ gộp gần 77 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi 359 tỷ đồng.
Doanh thu hoạt động tài chính đạt 21 tỷ đồng, giảm 60% so với cùng kỳ năm trước. Chi phí tài chính tăng 5% lên 310 tỷ đồng. Chi phí quản lý doanh nghiệp tăng gần gấp đôi cùng kỳ lên 137 tỷ đồng. Chi phí tăng cao đè bẹp lợi nhuận của Pomina khiến công ty lỗ ròng lên tới 537 tỷ đồng trong nửa đầu năm.
Tại ĐHĐCĐ thường niên hôm 14/7, Thép Pomina đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2023 với mục tiêu doanh thu thuần 9,000 tỷ đồng và lỗ sau thuế 150 tỷ đồng. Đến hết quý 2, công ty mới hoàn thành 25% kế hoạch doanh thu và lỗ sâu hơn gần 400 tỷ đồng so với mục tiêu đề ra.
Cũng tại đại hội này, Pomina đã công bố thông tin về việc phát hành đơn lẻ hơn 70 triệu cổ phiếu, với giá 10.000 đồng/cp, cho nhà đầu tư chiến lược là hãng thép Nhật Bản Nansei Steel.
Hai bên đã thống nhất chia quá trình phát hành số cổ phiếu này làm 2 đợt. Đợt 1 diễn ra vào tháng 8/2023 với 10,6 triệu cổ phiếu sẽ được phát hành. 59,6 triệu cổ phiếu còn lại sẽ phát hành trong đợt 2, dự kiến diễn ra vào tháng 9/2024. Dự kiến, sau khi hoàn tất, vốn điều lệ mới của Pomina sẽ tăng lên hơn 3.498,5 tỷ đồng.
Kết phiên 26/9, cổ phiếu giảm 3,17% và giao dịch ở mức 5.800 đồng/cp, tương đương vốn hóa hơn 1.622 tỷ đồng. Ảnh: TradingView |
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu POM tiếp tục chứng kiến những đợt giảm giá liên tục sau khi tăng trần 3 phiên liên tiếp (14, 15, 18/7), ngay sau khi công bố thông tin về việc Pomina phát hành cổ phiếu đơn lẻ cho nhà đầu tư chiến lược Nhật Bản.
Kết phiên 26/9, cổ phiếu POM giảm 3,17% và giao dịch ở mức 5.800 đồng/cp, tương đương vốn hóa hơn 1.622 tỷ đồng. Ở mức giá này, cổ phiếu đã mất 31,4% trị giá so với mức giá cao nhất đạt được sau 3 phiên trần (8.450 đồng/cp phiên 18/7), và chỉ bằng 58% mức giá phát hành cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược.