Qua phiên 'flash sale', VN-Index lấy lại mốc 1.510 điểm

CHỨNG KHOÁN Việt nAM
12:19 - 25/02/2022
Qua phiên 'flash sale', VN-Index lấy lại mốc 1.510 điểm
0:00 / 0:00
0:00
Mặc dù chịu ảnh hưởng tiêu cực từ những căng thẳng chiến sự Nga - Ukraine khiến thị trường trong nước biến động mạnh trong phiên 24/2, đến sáng nay thị trường đã nhanh chóng tìm lại đà tăng, chỉ số VN-Index tăng vọt để lấy lại ngưỡng 1.510 điểm.

Tính đến 10h40, VN-Index tăng 14,46 điểm (0,97%) lên 1.509,31 điểm, VN30-Index tăng 15,23 điểm (1%) lên 1.537,27 điểm.

Đà tăng của VN-Index được nới rộng đến giữa phiên sáng nhờ xu hướng tăng giá đồng thuận giữa các nhóm ngành. Chỉ số có thời điểm lấy lại toàn bộ số điểm đã mất trong phiên hôm qua với sự tiếp sức của nhóm vốn hóa lớn.

Nhóm Dầu khí dù đã tăng nóng các phiên gần đây nhưng xét về diễn biến, chuyển động giá vẫn luôn chậm hơn so với diễn biến giá dầu. GAS (+1,5%) trong phiên sáng chỉ tăng nhẹ 1,5% trong khi PVD (-1,3%), PVT (-1%), PLX (-0,8%) và kể cả PVS (-1,4%) đã phải đương đầu với lực bán chốt lời sớm của nhà đầu tư lướt sóng.

'Cổ phiếu vua' vẫn là nhóm tác động nhiều vào tâm lý nhà đầu tư trong các diễn biến trong phiên. Cụ thể, VPB với phiên tăng mạnh thứ 2 liên tiếp đang là cổ phiếu dẫn đầu về đà tăng lẫn giá trị giao dịch ở nhóm Ngân hàng. Mã này hiện đã giao dịch được gần 1.000 tỷ đồng.

Trong khi đó, MBB (+2,06%), STB (+1,22%), TPB (+1,82%), TCB (+1%), BID (+1,3%), CTG (+1%), ACB (+0,7%) cũng cho thấy những nỗ lực tăng giá.

Với diễn biến trên, hầu hết các công ty chứng khoán vẫn đánh giá xu hướng thị trường vẫn khá tích cực. Theo TVSI, xu hướng tăng giá trong ngắn hạn vẫn chỉ đang trong quá trình hình thành và sẽ xác nhận nếu VN-Index vượt vùng kháng cự 1.510-1.515 điểm và xa hơn là vượt đỉnh cũ tại 1.535 điểm.

Chiến sự Đông Âu chỉ điều chỉnh thị trường chứng khoán trong ngắn hạn

Đánh giá căng thẳng leo thang giữa Nga và Ukraine, ông Trần Đức Anh, Giám đốc Vĩ mô và Chiến lược thị trường của Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng, hiện căng thẳng Nga - Ukraine leo thang đến đâu sẽ khó có câu trả lời chính xác. Tuy nhiên, trong tầm nhìn dài hạn thì mức độ ảnh hưởng đến chứng khoán Việt Nam không lớn.

Lịch sử cũng cho thấy, các cuộc xung đột có tính chất địa chính trị xa Việt Nam có mức độ ảnh hưởng lên chứng khoán không đáng kể. Những nhịp điều chỉnh sâu trong ngắn hạn là cơ hội để mua cổ phiếu. Bởi tăng trưởng kinh tế Việt Nam không vì căng thẳng này mà bị ảnh hưởng, doanh nghiệp Việt Nam cũng không vì thế mà sụt giảm về doanh thu lợi nhuận.

"Thị trường có thể điều chỉnh trong ngắn hạn nhưng về dài hạn thì triển vọng vẫn tích cực, có thể hồi phục và tăng lên mức cao hơn khi căng thẳng hạ nhiệt. Điều chỉnh hiện tại là cơ hội tốt để nhà đầu tư mua vào để hưởng lợi đà tăng trưởng của chứng khoán và vĩ mô", ông Trần Đức Anh nhận định.

Cùng quan điểm, ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đông Á (DAS), cho rằng thị trường giảm sâu chủ yếu do tâm lý của nhà đầu tư. Trong khi nhiều tổ chức lớn và các nhà đầu tư có kinh nghiệm lại đặt lệnh "phục kích" chờ mua cổ phiếu giá rẻ. Trên thực tế, chiến sự giữa Nga và Ukraine không ảnh hưởng quá lớn đến nền kinh tế Việt Nam, có chăng chỉ làm giá nhiên liệu tăng. Chưa kể, nền kinh tế Việt Nam đang trong chu kỳ phục hồi và theo chiều hướng tốt là yếu tố hỗ trợ tốt nhất cho thị trường chứng khoán.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, cũng cho rằng khủng hoảng tài chính hay dịch bệnh thường tạo ra những cú giảm sâu và dài với thị trường chứng khoán, nhưng với những xung đột địa chính trị hay việc Mỹ tăng lãi suất chỉ ảnh hưởng ngắn hạn với thị trường. Điều này có nghĩa thị trường chứng khoán có thể giảm mạnh trong ngắn hạn nhưng trong trung và dài hạn sẽ quay lại đà tăng. Trong bối cảnh đó, các nhà đầu cơ thường tận dụng đợt rủi ro địa chính trị để mua vào.

Tin liên quan

Đọc tiếp

MBS Research gọi tên cổ phiếu HDB

MBS Research gọi tên cổ phiếu HDB

Trong báo cáo ngành ngân hàng mới nhất, MBS Research lựa chọn cổ phiếu HDB khi đây là một trong những ngân hàng duy trì được chất lượng tài sản, nhưng vẫn đạt được mức tăng trưởng lợi nhuận vượt trội so với toàn ngành.