Một điểm mới tại kỳ họp lần này là phiên chất vấn có bước đổi mới về hình thức tổ chức, ngoài việc phát thanh, truyền hình trực tiếp như thường lệ, còn lần đầu tiên được livestream trên mạng xã hội qua fanpage của Trung tâm Truyền thông tỉnh, thu hút 26.000 lượt xem, gần 600 lượt bình luận, gần 700 lượt like. Từ đó, tạo thêm không gian mở tương tác trực tiếp giữa HĐND tỉnh với cử tri và nhân dân.
Đại biểu HĐND biểu quyết thông qua các nghị quyết. Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Ninh |
Tại kỳ họp, đại biểu HĐND tỉnh đã thực hiện bãi nhiệm đại biểu HĐND tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Miễn nhiệm ủy viên UBND tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2026 đối với bà Bùi Thúy Phượng, nguyên Giám đốc Sở Nội vụ. Bầu bổ sung ủy viên UBND tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2026 đối với bà Bùi Thị Bính, Giám đốc Sở Nội vụ.
Kỳ họp cũng đã thông qua 19 nghị quyết với nhiều nội dung quan trọng, cần thiết không chỉ bảo đảm cho sự ổn định, đổi mới phát triển của tỉnh trong năm 2023, mà còn của cả giai đoạn 2021 - 2025.
Cụ thể, HĐND tỉnh đã quyết nghị thông qua nghị quyết về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2023; chủ trương đầu tư một số dự án đầu tư công; điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 vốn ngân sách cấp tỉnh; bổ sung, điều chỉnh, phân bổ dự toán chi ngân sách cấp tỉnh năm 2023.
Một số giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh nâng cao hiệu quả hoạt động và phát triển bền vững đến năm 2025; quy định chính sách thực hiện cai nghiện ma túy, quản lý sau cai nghiện ma túy và hỗ trợ lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm ma túy trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh…
Ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu bế mạc kỳ họp. Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Ninh |
Để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2023, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký yêu cầu các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh phải theo dõi sát sao diễn biến tình hình, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao chất lượng, hiệu quả điều hành, tổ chức thực hiện.
Đặc biệt cần tập trung rà soát, tháo gỡ kịp thời, hiệu quả, dứt điểm các khó khăn, vướng mắc, tồn đọng kéo dài của các dự án đầu tư công ở các cấp ngân sách, đầu tư trực tiếp nước ngoài, đầu tư ngoài ngân sách… Đẩy mạnh thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế nhanh, bền vững với phát triển văn hóa, con người, xây dựng văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành thu, chi ngân sách; siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, kiểm soát chặt chẽ, phòng chống tiêu cực, lãng phí; phát huy tối đa vai trò, tài sản, nguồn lực của ngành than, điện trên địa bàn, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư nhất là FDI chất lượng cao, thế hệ mới vào các khu công nghiệp, khu kinh tế, đẩy nhanh tốc độ phát triển và nâng cao tỷ trọng đóng góp của công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế đêm; tăng tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp.
Ông Cao Tường Huy, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo rà soát, điều chỉnh Kế hoạch kịch bản tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm 2023. Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Ninh |
Tại phiên bế mạc, ông Cao Tường Huy, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh, cũng cho biết, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo rà soát, điều chỉnh Kế hoạch kịch bản tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm 2023 để đảm bảo sát với tình hình thực tiễn, phân công, gắn trách nhiệm cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị, địa phương.
Phấn đấu tốc độ tăng trưởng (GRDP) cả năm đạt trên 11%, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn không thấp hơn 54.000 tỷ đồng và các chỉ tiêu trọng tâm của Nghị quyết đã đề ra...