Quảng Trị đẩy tiến độ thi công dự án cảng Mỹ Thủy trong tháng 9

cảng biển quảng trị
18:19 - 09/08/2023
 Phối cảnh bến cảng Mỹ Thủy.
Phối cảnh bến cảng Mỹ Thủy.
0:00 / 0:00
0:00
Dự án Khu bến cảng Mỹ Thủy được khởi công xây dựng từ tháng 2/2020. Tuy nhiên, sau hơn 3 năm, đến đầu tháng 8/2023, dự án này vẫn chưa triển khai thi công.

UBND tỉnh Quảng Trị vừa có yêu cầu gửi đến nhà đầu tư khẩn trương thực hiện các thủ tục để thi công dự án cảng Mỹ Thủy ngay trong tháng 9/2023.

Để hoàn thành các thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng giai đoạn 1 dự án, đảm bảo các điều kiện để tổ chức thi công, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị đã giao UBND huyện Hải Lăng tập trung nhân lực phối hợp các sở, ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng toàn bộ diện tích còn lại giai đoạn 1 là 13,4ha hoàn thành trước ngày 30/8, đảm bảo tiến độ theo yêu cầu.

Lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị cũng yêu cầu CTCP liên danh cảng quốc tế Mỹ Thủy (MTIP) khẩn trương bố trí kinh phí chi trả cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án; Hoàn thiện hồ sơ xin thuê đất để cơ quan quản lý thẩm định, trình UBND tỉnh quyết định cho thuê đất trước ngày 20/8; Hoàn thiện hồ sơ xin giao mặt biển nộp về Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 12/8.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư và các sở ban ngành liên quan cần tích cực giải quyết các vướng mắc sớm hoàn thiện các thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, rà phá bom mìn vật liệu nổ trên diện tích mặt biển, xây dựng kế hoạch tiến độ thi công dự án trong tháng 9/2023.

Dự án xây dựng Khu bến cảng Mỹ Thủy, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư ngày 4/1/2019. CTCP Liên doanh Cảng quốc tế Mỹ Thủy (MTIP) được lựa chọn là nhà đầu tư thực hiện.

Dự án phục vụ chủ yếu cho Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Trị và hàng hóa quá cảnh từ Lào, Đông Bắc Thái Lan trên tuyến Hành lang kinh tế Đông – Tây.

Dự án có quy mô 685 ha bao gồm 10 bến phát triển theo 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 (2018-2025) gồm 4 bến; Giai đoạn 2 (2026-2031) gồm 3 bến; Giai đoạn 3 (2032-2036) gồm 3 bến.

Tổng mức đầu tư của dự án là 14.234 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư 2.143 tỷ đồng, vốn huy động và vốn khác là 12.091 tỷ đồng. Riêng trong giai đoạn 1, dự án sẽ được thực hiện với tổng vốn đầu tư 4.946 tỷ đồng.

Ngày 27/2/2020, dự án đã chính thức được khởi công. Tuy vậy, sau thời điểm khởi công đến nay, do gặp nhiều khó khăn trong khâu huy động vốn, nhà đầu tư đã không triển khai được dự án như đúng cam kết.

Đến ngày 15/2/2022, chủ đầu tư MTIP có báo cáo gửi UBND tỉnh Quảng Trị về việc tái cấu trúc lại doanh nghiệp và cho biết sẽ quyết tâm triển khai thực hiện dự án.

Theo MTIP, sau khi tái cấu trúc lại doanh nghiệp (ngày 10/1/2022) với sự tham gia của cổ đông lớn là SAM Holdings, MTIP đã lập phương án huy động vốn để tài trợ cho từng giai đoạn dự án, trong đó, ở giai đoạn 1 (tổng vốn đầu tư 4.946 tỷ đồng), bên cạnh nguồn vốn điều lệ doanh nghiệp 2.250 tỷ đồng thì nguồn vốn vay sẽ là 2.696 tỷ đồng.

Nguồn vốn vay dự kiến được huy động thông qua các ngân hàng và tổ chức tín dụng trong nước và ngoài nước (IFC, Credit Suisse, Macquerie), chiếm 50% tỷ trọng nguồn vốn vay. Đồng thời, MTIP cũng sẽ huy động nguồn vốn thông qua việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong nước và quốc tế, dự kiến chiếm 50% tỷ trọng nguồn vốn vay.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Ảnh minh họa

10 sự kiện ngành logistics Việt Nam năm 2023

Bộ Công Thương nhận định, ngành logistics Việt Nam đang từng bước đáp ứng yêu cầu của thương mại nội địa và xuất nhập khẩu, đưa Việt Nam vào top 5 nước dẫn đầu ASEAN trong Bảng xếp hạng Chỉ số hiệu quả logistics năm 2023.