'Ra sân chơi quốc tế, không thể mang kiểu Việt Nam ra nói chuyện'

IFRS Việt nAM
20:46 - 16/03/2022
'Ra sân chơi quốc tế, không thể mang kiểu Việt Nam ra nói chuyện'
0:00 / 0:00
0:00

Các chuyên gia đều chung nhận định yêu cầu tiên quyết của doanh nghiệp trong việc phải áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS), vì ra sân chơi lớn không thể mang một báo cáo lập "theo kiểu Việt Nam" để nói chuyện với các nhà đầu tư nước ngoài. 

Sau 2 năm kể từ khi Bộ Tài chính đã ban hành quyết định 345/QĐ-BTC phê duyệt đề án áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS), với mục tiêu hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tài chính kế toán trong giai đoạn mới. Việc áp dụng chuẩn mực IFRS không chỉ giúp thị trường tài chính Việt Nam minh bạch mà còn giúp cho các nhà đầu tư nước ngoài có thể hiểu biết được về thị trường, cũng như nền tảng của kinh tế Việt Nam.

Tại Diễn đàn “IFRS & Tương lai ngành tài chính - kế toán Việt Nam” diễn ra ngày 16/3, các chuyên gia một lần nữa chung nhận định về vai trò quan trọng đặt ra yêu cầu hàng đầu cho các doanh nghiệp phải việc áp dụng chuẩn mực IFRS khi ra sân chơi quốc tế.

Ảnh tác giả

Rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam có xu hướng sẽ niêm yết trên thị trường quốc tế, cũng như phát hành các công cụ vốn ra thị trường quốc tế. Đương nhiên, khi chúng ta đã ra sân chơi lớn thì không thể mang một báo cáo tài chính được lập theo kiểu Việt Nam để nói chuyện với các nhà đầu tư quốc tế được, mà bắt buộc phải có báo cáo tài chính IFRS.

Ông Trịnh Đức Vinh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán (Bộ Tài chính)

Ngoài ra, cũng theo ông Vinh, việc áp dụng IFRS tác động đến những người làm công tác tài chính kế toán tại Việt Nam. Nếu như trước đây, họ chỉ được coi là người ghi sổ kế toán, thì hiện nay họ phải là người lập báo cáo tài chính và tham mưu cho lãnh đạo doanh nghiệp, để ra các quyết định kinh tế.

Điều đó đồng nghĩa với việc kỹ năng của người làm công tác tài chính kế toán phải có sự thay đổi, trước hết phải là một nhà kinh tế. Bởi các quy định của IFRS hướng tới việc doanh nghiệp phải chuyển hóa ngôn ngữ kinh doanh thành ngôn ngữ của báo cáo tài chính, phù hợp với bản chất và cách thức vận hành giao dịch.

Bên cạnh đó, áp dụng IFRS giúp chất lượng thông tin tài chính, tính minh bạch, trung thực của báo cáo tài chính. Từ đó gián tiếp góp phần bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư, cũng như giúp sự phát triển của thị trường vốn và thị trường chứng khoán tại Việt Nam.

Sự sẵn sàng áp dụng IFRS còn khiêm tốn

Theo một khảo sát mới đây do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phối hợp thực hiện cùng Sở giao dịch chứng khoán trên 149 công ty niêm yết, có 79% công ty có quan tâm và sẽ áp dụng IFRS, 11% sẽ sẵn sáng áp dụng IFRS trong tương lai gần và chỉ có 3% doanh nghiệp đã áp dụng thành công IFRS.

Như vậy, mức độ sẵn sàng áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế còn rất khiêm tốn. Thực tế này xuất phát từ nhiều lý do, trong đó các lý do được các chuyên gia nhấn mạnh gồm:

Thứ nhất, về nhân lực, các doanh nghiệp áp dụng IFRS sẽ phải thành lập một nhóm dự án triển khai IFRS riêng biệt, bao gồm những nhân viên được đào tạo chuyên sâu về IFRS. Tuy nhiên, hiện nay, đa số các kiểm toán viên được đào tạo chuyên sâu về IFRS đều nằm ở các công ty kiểm toán thuộc các công ty kiểm toán lớn. Thậm chí ngay cả trong các công ty kiểm toán lớn, số lượng nhân viên kiểm toán tham gia vào các cuộc kiểm toán bộ lập theo IFRS cũng không phải là nhiều.

Thứ hai, về hệ thống công nghệ thông tin, để có thể lập báo cáo tài chính theo IFRS, tối thiểu ở cấp độ công ty mẹ, các doanh nghiệp áp dụng IFRS sẽ phải thiết lập và duy trì một hệ thống phần mềm và sổ sách kế toán theo IFRS. Như vậy, các doanh nghiệp sẽ phải phát sinh thêm khá nhiều chi phí cho việc thay đổi phần mềm kế toán hiện tại.

Đoàn tàu đã lăn bánh, doanh nghiệp phải chủ động tốc độ để về đích

Ảnh tác giả

Đoàn tàu IFRS đã lăn bánh, trong đó, người lái tàu là Chính phủ, Bộ Tài chính và ngân hàng Nhà nước được giao nhiệm vụ, vậy tốc độ nhanh hay chậm phụ thuộc vào doanh nghiệp .

Chúng tôi cho rằng, hơn ai hết các doanh nghiệp phải là đơn vị chủ động. Chủ động thông báo lại cho người lái tàu tốc độ như thế nào, khó khăn ra sao, để người lái tàu biết lối. Chủ động càng sớm, về đích càng sớm.

Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Quản lý Tài chính Doanh nghiệp (Bộ Tài chính)

Chia sẻ với khó khăn của các doanh nghiệp, tại diễn đàn, ông Trịnh Đức Vinh khuyến nghị thực hiện 4 nhóm giải pháp để áp dụng thành công IFRS:

Thứ nhất, xây dựng chiến lược và bố trí nhân sách, đây là vấn đề thuộc về nhận thức và tầm nhìn của doanh nghiệp. Khi một doanh nghiệp có xu hướng vươn ra thị trường quốc tế và tăng cường minh bạch hóa, lãnh đạo doanh nghiệp sẽ bố trí nguồn lực và ngân sách cho IFRS. Bởi, nếu không có ngân sách, hầu như sẽ không triển khai được.

Thứ hai, tái cấu trúc doanh nghiệp và đào tạo nhân lực. Thực tế, đào tạo nguồn nhân lực không phải công việc một sớm một chiều, cũng không phải chỉ đào tạo bộ phận tài chính kế toán. Thông tin ban đầu đến từ các bộ phạn khác, do đó, nếu không đào tạo các bộ phận có liên quan ở một mức độ nhất định, các bộ phận đó sẽ không thể hiểu được ngôn ngữ tài chính kế toán và cung cấp số liệu hợp lý.

Thứ ba, chuyển đổi số, trong giai đoạn đầu, IFRS mới áp dụng trong báo cáo hợp nhất, như vậy, báo cáo tài chính các doanh nghiệp độc lập và công ty mẹ vẫn áp dụng theo báo cáo VAS, chính vì thế nếu không chuyển đổi số thì không thể lập báo cáo kịp thời theo quy định pháp luật. Ngoài ra, IFRS chạy theo diễn biến thị trường, chỉ khi chuyển đổi số mới có thể cập nhật được diễn biến đó trong báo cáo tài chính.

Thứ tư, chuẩn bị nền tảng kỹ thuật và quy trình chuyển đổi từ VAS sang IFRS. Trong đó, đặc biệt chú ý xây dựng cơ sở hạ tầng dữ liệu và phần mềm kế toán tích hợp với quản trị doanh nghiệp. Bởi, về bản chất IFRS yêu cầu doanh nghiệp xác định giá trị và trình bày các khoản mục báo cáo tài chính dựa trên mục đích nắm giữ và mô hình kinh doanh của doanh nghiệp.

IFRS (International Financial Reporting Standards) được gọi là các chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế gồm các chuẩn mực kế toán được ban hành bởi Hội đồng chuẩn mực kế toán quốc tế (International Accounting Standards Board - IASB), với mục tiêu đặt ra các quy tắc chung để báo cáo tài chính có thể thống nhất, minh bạch và có thể so sánh trên toàn thế giới.

Việt Nam đã và đang có những bước đi tích cực để tiến tới áp dụng rộng rãi IFRS. Ngày 16/3/2020, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 345/QĐ-BTC phê duyệt Đề án áp dụng IFRS tại Việt Nam. Lộ trình áp dụng này gồm 3 giai đoạn: Giai đoạn chuẩn bị từ năm 2020 đến năm 2021; Giai đoạn 1 (áp dụng tự nguyện), từ năm 2022 đến năm 2025; Giai đoạn 2 (áp dụng bắt buộc), từ sau năm 2025.

Đọc tiếp

MBS Research gọi tên cổ phiếu HDB

MBS Research gọi tên cổ phiếu HDB

Trong báo cáo ngành ngân hàng mới nhất, MBS Research lựa chọn cổ phiếu HDB khi đây là một trong những ngân hàng duy trì được chất lượng tài sản, nhưng vẫn đạt được mức tăng trưởng lợi nhuận vượt trội so với toàn ngành.