Sâm Lai Châu có hàm lượng saponin quý hiếm. |
Tỉnh Lai Châu có địa hình núi cao trên 1.000 m phân bố ở nhiều nơi, đặc biệt là các xã vùng cao, biên giới và là nơi tập trung diện tích rừng nguyên sinh, khí hậu mát mẻ quanh năm, dưới tán rừng có một số loài cây dược liệu quý như sâm Lai Châu, thảo quả.
Sâm Lai Châu là cây đặc hữu có phân bố hẹp trên dãy núi Pu Si Lung và lân cận huyện Mường Tè và dãy núi Pu Sam Cap, nằm giữa các huyện Sìn Hồ và Tam Đường. Trên địa bàn tỉnh Lai Châu hiện có khoảng 3,68 ha diện tích trồng sâm của doanh nghiệp, người dân.
Trong đó, sâm Lai Châu phân bố tập trung ở độ cao 1.400 m – 2.200 m so với mặt nước biển, cây ưa ẩm, khí hậu mát quanh năm và lạnh về mùa đông. Hiện nay, tỉnh Lai Châu đang đẩy mạnh phát triển loài cây dược liệu này nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng, góp phần ổn định và phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo trên địa bàn.
Các nhà khoa học Viện Dược liệu, Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam kết luận, sâm Lai Châu thuộc dòng sâm Panax Vietnamensis fodicus var cùng dòng với sâm Ngọc Linh, có chứa 52 loại saponin quý.
Theo ông Hà Trọng Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu, nối tiếp thành công của Hội chợ Sâm Lai Châu các năm trước, sự kiện năm nay sẽ được tổ chức vào trung tuần tháng 10 (từ ngày 10/10 – 20/10) tại Trung tâm thương mại tỉnh Lai Châu.
Trong khuôn khổ sự kiện, Hiệp hội Sâm Lai Châu có kế hoạch kết nối với Hiệp hội Sâm Hàn Quốc để công bố chỉ số sâm Lai Châu.
Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan thăm gian trưng bày Sâm Lai Châu tại Hội nghị Xúc tiến Đầu tư lĩnh vực nông nghiệp tỉnh Lai Châu năm 2021. |
Đối với các sản phẩm trưng bày, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu yêu cầu cơ quan chuyên môn phải thẩm tra, thẩm định để đảm bảo cả về hình thức, chất lượng. Các đơn vị, địa phương phối hợp thực hiện tốt việc tái hiện không gian văn hóa, lột tả được nét đặc trưng của cộng đồng dân cư.
Trong thời gian hội chợ sẽ diễn ra Hội nghị xúc tiến đầu tư phát triển vùng sâm Lai Châu, hội thảo chuyển giao khoa học kỹ thuật phát triển sâm Lai Châu, các sự kiện bên lề, (trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm), tổ chức Giải chạy Marathon sâm Lai Châu lần thứ nhất.
Các huyện của Lai Châu trồng nhiều sâm địa phương gồm Tam Đường, Phong Thổ, Sìn Hồ, Mường Tè, có hàng trăm nghìn ha đất được các nhà khoa học đánh giá phù hợp phát triển sâm Lai Châu.
Riêng huyện Mường Tè đã có 5 doanh nghiệp, hợp tác xã và gần 36 hộ nông dân đang liên kết, tổ chức trồng cây dược liệu, trong đó diện tích vườn sâm Lai Châu đã phát triển được trên 5,6ha tại các xã: Pa Vệ Sủ, Tá Bạ, Thu Lũm, Pa Ủ, Ka Lăng.