Một đoạn cao tốc Cam Lộ - La Sơn. Nguồn: Báo Giao thông. |
Đây là thông tin được đưa ra tại cuộc họp bàn về phương án phân luồng giao thông trên tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn được Cục Đường bộ Việt Nam tổ chức ngày 27/3.
Tại cuộc họp, đại diện tư vấn Trường Sơn cho biết, trong các ngày 15,16,17/3, đơn vị đã tổ chức đếm xe ở dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn. Kết quả, lưu lượng trung bình trên tuyến khoảng 4.216 xe/ngày đêm, trong đó xe có tải trọng nặng (xe đầu kéo và xe khách lớn) chiếm gần 50% trong tổng số xe lưu thông trên cao tốc.
Với lưu lượng xe hiện nay, tuyến cao tốc này đã mãn tải.
Đối với tuyến QL1 song song với dự án cao tốc, ghi nhận lưu lượng xe khoảng 17.278 xe/ngày đêm, nhưng tỷ lệ xe tải nặng chỉ chiếm 37%. Với quy mô hiện nay của QL1, còn khoảng 6.000 xe con quy đổi/ngày đêm nữa mới mãn tải.
Từ thực tế đó, đơn vị tư vấn đưa ra các phương án như: cấm xe khách trên 30 chỗ, xe đầu kéo, xe tải nặng trên 4 trục lưu thông trên tuyến cao tốc; cấm các xe khách trên 30 chỗ, xe đầu kéo, xe tải nặng trên 5 trục lưu thông trên tuyến cao tốc; cấm các xe khách trên 30 chỗ, xe đầu kéo, xe tải nặng trên 6 trục (tổng tải trọng trên 30 tấn) lưu thông trên tuyến cao tốc; cấm các xe đầu kéo, xe tải nặng trên 6 trục lưu thông trên tuyến cao tốc.
"Trên cơ sở chênh lệch lưu lượng, đơn vị tư vấn đề xuất cấm xe khách trên 30 chỗ và xe đầu kéo, xe tải nặng từ 6 trục trở lên lưu thông trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn, dồn các phương tiện này sang QL1. Nếu lệnh cấm này được thực thi, cao tốc Cam Lộ - La Sơn sẽ giảm được 3.477 PCU/ngày đêm.
Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng cần bổ sung các biển báo phù hợp tại các vị trí nút giao để các phương tiện không đi vào đường cấm,” đại diện tư vấn Trường Sơn nêu.
Ông Lê Văn Sáu, Phó giám đốc Ban QLDA đường Hồ Chí Minh cho hay, quá trình khai thác cao tốc Cam Lộ - La Sơn xảy ra nhiều vụ tai nạn, trong đó 2 vụ tai nạn nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Nguyên nhân chủ yếu là do ý thức của chủ phương tiện.
Quy mô mặt cắt ngang tuyến cao tốc chỉ tương đương đường cấp III đồng bằng, cùng với điều kiện địa hình dốc dọc lớn, nhiều sương mù che khuất tầm nhìn gây khó cho chủ phương tiện. Đặc biệt, lượng phương tiện xe tải nặng chạy dưới tốc độ tối thiểu là 60km/h, làm giảm năng lực thông hành, gây ức chế cho xe chạy sau, dẫn tới vượt tại các điểm không được phép vượt gây hậu quả khôn lường.
Bên cạnh đó, thiết kế làn dừng khẩn cấp trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn chỉ rộng 2m, trường hợp xe cỡ lớn tấp vào sát lề đường khi gặp sự cố thì phần thân xe vẫn choán làn đường xe chạy, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn.
Sau khi nghe những ý kiến đề xuất từ các đơn vị, kết luận cuộc họp, ông Nguyễn Xuân Cường, Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam nhận định, từ thực tiễn tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn, cần tổ chức giao thông làm sao đảm bảo khoa học, phát huy hiệu quả trong khai thác và đảm bảo an toàn giao thông.
Về giải pháp phân luồng, ông Cường cho biết, theo báo cáo của tư vấn, cao tốc Cam Lộ - La Sơn có lưu lượng đạt 9.500 xe quy đổi/ngày đêm, trong khi thiết kế của tuyến đường này chỉ có 9.200/ngày đêm.
Lưu lượng trên tuyến QL1 hiện đạt 26.000 xe quy đổi/ngày đêm, thiết kế của tuyến đường này là 31.000 xe/ngày đêm nên chưa mãn tải, nghĩa là còn dư 6.000 xe/ngày đêm, Việc phân luồng phương tiện tải trọng lớn, xe khách trên 30 chỗ ra QL1 là phù hợp.
Hơn nữa, cao tốc Cam Lộ - La Sơn đi qua địa hình phức tạp, khí hậu sương mù ẩm ướt, độ dốc dọc liên tục thay đổi lớn.
"Hai yếu tố trên là các nguyên nhân cần thiết phải có sự phân luồng xe tải trọng lớn, xe khách trên 30 chỗ, giúp đảm bảo an toàn giao thông trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn. Cục thống nhất theo hướng mà tư vấn đề xuất," ông Cường nói.
Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam giao đơn vị tư vấn, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh, Khu Quản lý đường bộ 2 rà soát lại các số liệu đảm bảo độ chính xác và tính toán phương án phân luồng để tổ chức cắm biển phù hợp báo cáo Cục Đường bộ Việt Nam trước khi triển khai chính thức.
Cao tốc Cam Lộ - La Sơn có chiều dài 98km được đầu tư hơn 7.700 tỷ đồng nối từ Quảng Trị đến Thừa Thiên Huế. Đây là tuyến cao tốc được đầu tư bằng hình thức phân kỳ với 2 làn xe, không có dải phân cách cứng được đưa vào khai thác từ cuối năm 2022.
Dự án trong giai đoạn phân kỳ khai thác với vận tốc tối thiểu 60 km/h, tối đa 80 km/h.
Thời gian qua liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng trên tuyến đường này do tuyến đường đi qua miền núi, mưa nhiều trong năm, sương mù, đường trơn trượt gây ra hạn chế tầm nhìn cho tài xế, nhất là vào ban đêm.