Chuyển đổi số đang là một xu thế tất yếu và "phủ sóng" lĩnh vực tài chính - ngân hàng. Để bắt kịp xu hướng mới, không chỉ các ngân hàng TMCP trong nước, mà nhiều ngân hàng ngoại được cấp phép hoạt động tại Việt Nam như HSBC, Shinhan Bank hay Standard Chartered cũng đang đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số nhằm hướng tới người dùng hiện đại.
Mekong ASEAN đã có cuộc trò chuyện cùng ông Hwang Cheol Oh - Trưởng Khối Chiến lược Số Ngân hàng Shinhan Việt Nam để tìm hiểu về hướng đi tại ngân hàng này trong công cuộc chuyển đổi số của mình.
Mekong Asean: Ngày nay, khi chuyển đổi số là nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống, được coi là một hành trình không có điểm dừng và đích đến, ông đánh giá như thế nào về công cuộc chuyển đổi số của ngành ngân hàng nói chung?
Theo sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ Việt Nam hướng đến đẩy mạnh chuyển đổi số và phát triển xã hội không dùng tiền mặt, làn sóng chuyển đổi số mạnh mẽ đã được hình thành trong toàn hệ thống ngân hàng Việt Nam từ nhiều năm qua. Có thể nói, đại dịch Covid-19 kéo dài được xem là chất xúc tác, thúc đẩy xu hướng chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ hơn.
Với sự thay đổi và nỗ lực hướng đến chuyển đổi số của toàn hệ thống ngân hàng, rất nhiều các dịch vụ ngân hàng, có thể kể đến như mở tài khoản thông qua định danh khách hàng điện tử (eKYC), phát hành thẻ ghi nợ, gửi tiết kiệm và chuyển khoản… đã và đang được triển khai toàn diện trên nền tảng các kênh kỹ thuật số.
Đặc biệt, nhờ sự đẩy mạnh quá trình số hóa trong lĩnh vực thanh toán, các giao dịch được thực hiện qua Internet và điện thoại dần trở nên thân thiện, tiện lợi và mang tính khả thi cao hơn ở hầu hết các lĩnh vực của cuộc sống như thanh toán qua mã QR, ví điện tử, nạp tiền trên thiết bị di động và tiện ích thanh toán hóa đơn điện nước, thanh toán thuế điện tử.
Xét trên khía cạnh trải nghiệm của khách hàng, Việt Nam đã đạt được những bước tiến đáng ghi nhận trong hành trình trở thành một trong những quốc gia chuyển đổi số hàng đầu tại khu vực Châu Á.
Mekong Asean: Để bắt kịp xu hướng trên, bản thân ngân hàng Shinhan Việt Nam đã có sự chuẩn bị như thế nào?
Để cùng bắt nhịp với xu hướng chuyển đổi số ngày nay, Shinhan Việt Nam đã thành lập khối “Future Bank Group” với mục đích đẩy mạnh xây dựng chiến lược số, lên kế hoạch và thúc đẩy mảng kinh doanh bán lẻ.
Đây là sự kết hợp của các khối bao gồm Khối Chiến lược số (Digital Strategy Division), Phòng Ngân hàng SOL (SOL Banking Department) và Khối Công Nghệ Thông Tin (ICT Division) tại Shinhan, nhằm tăng cường năng lực kỹ thuật số nội bộ, phản ứng tức thì với sự thay đổi nhanh chóng của môi trường tài chính số hiện nay.
Ngoài ra, đây cũng là tiền đề để tiến tới mục tiêu trở thành một trong những ngân hàng số hàng đầu tại Việt Nam vào năm 2030 của Shinhan Bank.
Sau khi ra mắt khối “Future Bank Group”, ngân hàng chúng tôi đang thiết lập quy trình kỹ thuật số 100% cho tất cả các dòng sản phẩm kỹ thuật số. Trong lĩnh vực tiền gửi, ngân hàng Shinhan Việt Nam cũng đã ra mắt các dòng sản phẩm tiết kiệm số đa dạng.
Tại lĩnh vực cho vay, chúng tôi cũng đã triển khai giải pháp Vay tiêu dùng trên nền tảng Mobile Banking SOL, và thúc đẩy quy trình số hóa hoàn toàn từ giai đoạn đăng ký khoản vay đến giai đoạn giải ngân. Bên cạnh đó, quy trình kỹ thuật số để đăng ký và phát hành thẻ tín dụng cũng sẽ được ngân hàng triển khai trong thời gian tới.
Ngoài mảng bán lẻ, Shinhan cũng tập trung phát triển tại mảng khách hàng doanh nghiệp, trong đó có việc ra mắt những dòng sản phẩm dành riêng cho khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs).
Lễ ra mắt khối "Future Bank Group" tại Shinhan Việt Nam |
Mekong Asean: Là một ngân hàng 100% vốn nước ngoài được cấp phép thành lập tại Việt Nam, Shinhan Bank đã mang đến những lợi ích nào trong việc thu hút và giữ chân người dùng, thưa ông?
Ngân hàng Shinhan Việt Nam sở hữu những thế mạnh về nền tảng tài chính sẵn có, cũng như công nghệ tiên tiến và sự hỗ trợ từ ngân hàng mẹ tại Hàn Quốc. Từ đó, chúng tôi có nhiều kinh nghiệm trong việc triển khai danh mục sản phẩm/dịch vụ tài chính đa dạng từ các sản phẩm tài chính số hiện đại, các dòng thẻ tiện ích đến các gói vay hiệu quả.
Mekong Asean: Hiện nhiều ngân hàng nước ngoài khác cũng đang mở rộng đầu tư vào công cuộc chuyển đổi số, theo ông, Shinhan Bank đã có những điểm gì để tạo nên nét riêng của ngân hàng?
Với sự phối hợp cùng ngân hàng mẹ tại Hàn Quốc - nơi sở hữu nhiều năng lực kỹ thuật số hoá vượt trội, chúng tôi đang tiến tới giai đoạn tài chính số 3.0, bao gồm các dịch vụ tài chính và tài chính theo lối sống thông qua việc áp dụng các công nghệ hiện đại như: Trí tuệ nhân tạo (AI), Block Chain, Metaverse.
Mô hình kinh doanh kỹ thuật số và các dịch vụ dựa trên công nghệ của Ngân hàng Shinhan Hàn Quốc đang tiếp tục được chuyển giao cho Ngân hàng Shinhan Việt Nam. Đây là sự đóng góp ý nghĩa không chỉ trong khía cạnh năng lực công nghệ thông tin, mà còn trong khả năng kinh doanh kỹ thuật số.
Ngân hàng cũng đang nỗ lực đẩy mạnh chuyển đổi số thông qua việc thúc đẩy tiến độ địa phương hóa, để phù hợp với môi trường kỹ thuật số tại Việt Nam.
Mekong Asean: Chuyển đổi số không chỉ là cơ hội mà còn là thách thức, trên con đường dẫn đến thành công, ông có thể chia sẻ việc Shinhan Bank đã trải qua những khó khăn nào?
Với gần 30 năm tại thị trường Việt Nam, ngân hàng Shinhan Việt Nam có mục tiêu trở thành một trong những ngân hàng số hàng đầu tại Việt Nam vào năm 2030.
Điểm hạn chế cho đến thời điểm hiện tại là ngân hàng hiện chỉ có 46 chi nhánh và phòng giao dịch tại TP HCM, Cần Thơ, Đà Nẵng và Hà Nội. Hơn hết, chúng tôi muốn mở rộng nhiều hơn nữa đến các tỉnh thành khác trên cả nước, để nắm bắt được nhiều ý kiến và trải nghiệm của khách hàng. Tuy vậy, các kênh kỹ thuật số và tiếp thị cũng đang được sử dụng để khắc phục những hạn chế này.
Chúng tôi đang mở rộng các kênh kỹ thuật số của mình thông qua việc hợp tác tích cực với nền tảng mạng xã hội như Zalo, cũng như nền tảng thương mại điện tử như Baemin và Tiki. Với điều này, chúng tôi hy vọng khắc phục việc hạn chế số lượng chi nhánh/ phòng giao dịch và những địa phương vùng xa khó tiếp cận với dịch vụ ngân hàng.
Shinhan Bank cắt băng khánh thành Phòng Giao Dịch Tân Phú và Phòng Giao Dịch Phan Văn Trị tại TP HCM |
Mekong Asean: Ông vui lòng chia sẻ thêm về công cuộc đổi chuyển đổi số sắp tới của Ngân hàng Shinhan Việt Nam?
Từ năm 2022, tầm nhìn mới của Ngân hàng chúng tôi được xây dựng với định hướng “Thân thiện hơn- An toàn hơn- Bảo mật hơn”.
“Đẩy mạnh chuyển đổi số” là một mục tiêu quan trọng, được Ngân hàng chúng tôi ưu tiên thực hiện trong năm 2022, tuân thủ định hướng và chỉ thị của Chính phủ, hướng đến mục tiêu kinh tế số chiếm 30% GDP đến năm 2030. Thông qua nền tảng số, chúng tôi hướng đến việc cung cấp cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp những sản phẩm/ dịch vụ hiện đại, thiết thực và tiện ích.
Hiện nay, chúng tôi đang nâng cấp ứng dụng Mobile Banking SOL để hỗ trợ khách hàng thực hiện các giao dịch nhanh, an toàn và trực quan hơn. Chúng tôi dự định ra mắt ứng dụng Mobile Banking SOL 3.0 vào cuối năm nay với nhiều tính năng nổi bật và thân thiện với người dùng.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Shinhan cũng sẽ tăng cường liên kết, hợp tác các công ty trong hệ sinh thái Shinhan Financial Group tại Việt Nam như công ty tài chính Shinhan, công ty Bảo hiểm Shinhan Life, công ty chứng khoán Shinhan … để tận dụng thế mạnh của các bên và cung cấp những giải pháp tài chính hiệu quả cho khách hàng.
Mekong Asean: Xin chân thành cảm ơn ông!