So kế hoạch kinh doanh của hai ‘kỳ phùng địch thủ’ FPT Retail và TGDĐ

DOANH NGHIỆP Việt nAM
06:16 - 02/04/2022
0:00 / 0:00
0:00
FPT Retail và Thế giới Di động là hai đối thủ trực tiếp trên thị trường bán lẻ, khi các lĩnh vực kinh doanh khá tương đồng từ thiết bị vi tính, điện thoại đến chuỗi nhà thuốc. Năm 2022 cuộc đua trong kế hoạch giữa hai doanh nghiệp cũng có điểm giống nhau.

CTCP Đầu tư Thế giới Di động (mã chứng khoán MWG) và CTCP Bán lẻ kỹ thuật số (FPT Retail, mã chứng khoán FRT) đều đã công bố tài liệu họp cổ đông năm 2022 với các kế hoạch kinh doanh trình cổ đông thông qua. Điều trùng hợp là cả hai doanh nghiệp đều đặt mục tiêu lợi nhuận tăng trưởng 30% so với 2021, tuy nhiên phần doanh thu của MWG đặt kế hoạch cao hơn.

Cụ thể, năm 2022, MWG đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất đạt 140.000 tỷ đồng, lãi sau thuế 6.350 tỷ đồng; tăng lần lượt 14% và 30% so với kết quả thực hiện năm 2021. Còn FRT đặt mục tiêu doanh thu thuần đạt 27.000 tỷ đồng, 720 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế; lần lượt vượt 20% và 30% so với năm trước.

Về động lực tăng trưởng chính, với MWG, chuỗi Thế giới Di động và Điện Máy Xanh vẫn là trụ cột mang lại dòng tiền chính, đóng góp 75%-80% vào doanh thu, thông qua mở mới trung tâm điện máy, Điện Máy Xanh Supermini, TopZone và phát triển mạng lưới cộng tác viên. Bên cạnh đó là nâng quy mô cửa hàng, chuyển đổi từ Thế giới Di động sang Điện Máy Xanh đối với những cửa hàng đang có doanh thu cao và ở khu vực còn nhiều tiềm năng; kinh doanh thêm sản phẩm và dịch vụ mới để tăng doanh số cho cửa hàng hiện hữu…

Đáng chú ý, MWG bắt đầu chiến lược đẩy mạnh thị phần ở thị trường nước ngoài với việc liên doanh cùng Erafone - nhà bán lẻ công nghệ hàng đầu Indonesia. Dự kiến, cửa hàng Era Blue (liên doanh PT Era Blue Elektronic) sẽ mở cửa phục vụ khách vào giữa năm 2022 tại Jakarta. Erafone đang vận hành mạng lưới khoảng 1.200 cửa hàng bán lẻ rộng khắp Indonesia, cung cấp thiết bị viễn thông, máy tính bảng, laptop và các sản phẩm khác trong cùng hệ sinh thái.

Còn FPT Retail, động lực tăng trưởng chính cũng là chuỗi FPT Shop và trung tâm laptop với kế hoạch mở mới thêm 70 trung tâm laptop, 70-100 cửa hàng FPT Shop trong năm 2022. Để thu hút khách hàng, FRT sẽ đưa vào những sản phẩm và dịch vụ mới, điển hình là thử nghiệm các điểm bán PC Gaming nhằm hoàn thiện hệ sinh thái máy tính.

Bên cạnh đó, FRT còn nghiên cứu, triển khai mô hình kinh doanh mạng di động ảo nhằm tận dụng hệ thống cửa hàng hiện có, đẩy mạnh mô hình bán hàng B2B2C cho các khách hàng là cán bộ nhân viên của Tập đoàn FPT và thuộc các công ty đối tác của FPT, với chính sách ưu đãi.

Các lĩnh vực bổ trợ

Với Thế giới Di động, chuỗi Bách Hóa Xanh được kỳ vọng đóng góp 20-25% cho tổng doanh thu của tập đoàn, với kế hoạch tạm ngưng mở mới và tập trung vào thu hút lôi kéo khách hàng. Hai tháng đầu năm 2022, chuỗi này ghi nhận doanh thu lũy kế đạt 3.900 tỷ đồng, thấp hơn cùng kỳ năm ngoái khoảng 100 tỷ đồng; chỉ chiếm hơn 15% tổng doanh thu của MWG.

Bách Hoá Xanh được kỳ vọng trở thành trụ cột tăng trưởng cho Thế giới Di động khi doanh nghiệp này đã chiếm phần lớn thị trường bán lẻ điện thoại, điện máy nội địa. Song đến nay, sau khoảng 7 năm ra đời (từ thời điểm thử nghiệm vào năm 2015), chuỗi bán lẻ thực phẩm và hàng tiêu dùng vẫn chưa cho thấy sự đột phá về biên lợi nhuận.

Theo ban lãnh đạo Thế giới Di động, kể từ cuối tháng 2/2022, Bách Hoá Xanh bắt đầu phải triển khai hàng loạt những thay đổi lớn để phát triển bền vững trong tương lai nên có thể còn tiếp tục làm giảm doanh thu. Trước đó, Thế giới Di động đã chuyển vị trí điều hành Bách Hóa Xanh từ ông Trần Kinh Doanh sang ông Nguyễn Đức Tài – Chủ tịch HĐQT MWG.

Trong khi đó, chuỗi nhà thuốc Long Châu được đánh giá là động lực tăng trưởng mới của FPT Retail, khi đã có lãi nhẹ trong năm 2021. Năm 2022, Long Châu sẽ tiếp tục đẩy mạnh tiến độ mở rộng vùng phủ ra cả nước, dự kiến mở thêm ít nhất 300 cửa hàng, nâng tổng số lên khoảng 700-800 cửa hàng. Năm 2021, Long Châu đóng góp cho FRT 3.977 tỷ đồng doanh thu, tăng 3,3 lần so với so với năm 2020.

Liên quan đến mảng dược phẩm, Thế giới Di động gần đây cũng tập trung phát triển khi hoàn thành thâu tóm chuỗi nhà thuốc An Khang. Tuy nhiên so với FPT Retail thì MWG đang có phần chậm chân khi mới ở giai đoạn xây dựng mô hình kinh doanh mới. Theo kế hoạch, sau khi An Khang được hợp nhất vào kết quả kinh doanh của MWG, tập đoàn sẽ đầu tư cho chuỗi nhà thuốc này cả về tài chính lẫn đội ngũ lãnh đạo chuyên trách, nhằm tăng tốc nhân rộng.

Ngoài các lĩnh vực cốt lõi trên, cả FPT Retail và Thế giới Di động đều tham vọng mở rộng kinh doanh ở nhiều mặt hàng khác. Như MWG ngay trong tháng 1/2022 đã mở cùng lúc 5 chuỗi AVA là AVAKids, AVASport, AVAFashion, AVAJi và AVACycle. 2 tháng đầu năm nay, chuỗi đã kịp mang về cho MWG 100 tỷ đồng doanh thu.

Trong đó, AVAKids được chọn thử nghiệm giai đoạn 2 ở quy mô 30-50 cửa hàng để tiếp tục đánh giá hiệu quả kinh doanh. Ngoài ra, doanh nghiệp còn tiếp tục đầu tư cho các lĩnh vực kinh doanh mới như dịch vụ sửa chữa, bảo hành Tận Tâm, dịch vụ logistics Toàn Tín và mảng nông nghiệp an toàn 4KFarm.

Còn FPT Retail dự kiến bổ sung thêm ngành kho bãi và lưu giữ hàng hóa; sản xuất máy vi tính và thiết bị ngoại vi của máy vi tính. Công ty cho biết, mục đích bổ sung để phù hợp với định hướng kinh doanh cũng như nhu cầu hoạt động của công ty.

Năm 2021, FPT Shop đã lấn sân sang mảng thiết bị gia dụng, điện tử thông minh, với sự hậu thuẫn của Xiaomi để phân phối toàn bộ hệ sinh thái Mi Eco. Đây là lĩnh vực vốn được coi như sân nhà của Thế giới Di động với chuỗi hàng trăm cửa hàng Điện máy xanh.

Ngay lập tức, Thế giới Di động cũng xâm nhập vào mảng kinh doanh cốt lõi của FPT Shop khi cho ra mắt 4 cửa hàng đầu tiên của chuỗi bán lẻ mới về công nghệ mang thương hiệu TopZone, chuyên bán tất cả các sản phẩm của Apple tại Việt Nam. Bốn cửa hàng đầu tiên đã ra mắt vào tháng 10 và dự kiến có hơn 60 cửa hàng TopZone sau quý I/2022. Trong khi đó, FPT Retail đã được Apple công nhận là đối tác đại lý ủy quyền cấp cao nhất từ 9 năm trước.

Với việc Thế giới Di động phát triển chuỗi nhà thuốc An Khang, doanh nghiệp này cùng với FPT Retail lại cùng nhau bước vào một "cuộc chiến" mới. Với mỗi doanh nghiệp, chiến lược để chiếm lĩnh thị phần là không giống nhau. Tuy nhiên để thành công ở lĩnh vực bán lẻ thì vấn đề nòng cốt là phải cải thiện chất lượng sản phẩm, dịch vụ để lôi kéo và giữ chân khách hàng.

Tin liên quan

Đọc tiếp