Hình ảnh chiến hạm Moskva của Hải quân Nga trở lại bến cảng sau khi theo dõi các tàu chiến của NATO ở Biển Đen, tại cảng Sevastopol, Crimea ngày 16/11/2021. Ảnh: Reuters |
"Tên lửa chống hạm Neptune phòng thủ biển Đen đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho tàu chiến Nga", ông Maksym Marchenko, Thống đốc vùng Odesa, thành phố cảng ven Biển Đen của Ukraine, viết trên mạng xã hội Telegram, AFP đưa tin.
Cố vấn tổng thống Ukraine Oleksiy Arestovych cũng thông báo về "một bất ngờ đã xảy ra với soái hạm thuộc Hạm đội Biển Đen của Nga". “Lửa cháy rất dữ dội. Trong vùng biển giông bão này, không chắc 510 thủy thủ trên tàu có thể được hỗ trợ kịp thời hay không. Chúng tôi không rõ chuyện gì đã xảy ra", ông Arecustovych nói trong một chương trình truyền hình.
Ảnh vệ tinh chụp tàu chiến Moskva của Nga ở cảng Sevastopol, Crimea vào ngày 7/4. Ảnh: Maxar Technologies / CNN |
Nhiều quan chức Ukraine cùng ngày cũng tuyên bố rằng một khẩu đội tên lửa đối hạm Neptune của nước này tại Odesa đã bắn trúng vào tuần dương hạm Moskva của Nga hai lần, khiến chiến hạm dài 168 m bốc cháy.
Theo Forbes, có một đoạn băng ghi âm, được cho là của quân đội Ukraine tường thuật cuộc tấn công vào tàu tuần dương, đã được lan truyền trên mạng xã hội .
Trong khi đó, RT dẫn lời của Bộ Quốc phòng Nga ngày 13/4 thông báo, soái hạm Moskva của Hạm đội Biển Đen bị “thiệt hại nghiêm trọng” do một đám cháy đã dẫn tới vụ nổ trong kho đạn. Bộ này cũng cho biết, toàn bộ thủy thủ đoàn của con tàu đã được sơ tán an toàn và nguyên nhân của vụ hỏa hoạn đang được điều tra.
Phía Nga không xác nhận tuyên bố Ukraine đã hai lần bắn trúng chiến hạm Moskva. Một kênh Telegram của Ukraine được cho là đã đăng, sau đó đã xóa một bức ảnh chụp một tàu Iran bốc cháy và chìm ở Vịnh Oman vào năm ngoái.
Tuần dương hạm Moskva là chiếc đầu tiên thuộc Đề án 1164 Atlant (NATO định danh: Slava). Đây là chiến hạm chủ lực của Nga, có nhiệm vụ tấn công các tàu mặt nước cỡ lớn, đặc biệt là tàu sân bay. Ngoài ra, nó có thể đảm nhận vai trò phòng không cho hạm đội và yểm trợ hỏa lực.
Con tàu có kích thước khổng lồ với lượng giãn nước đầy tải 12.500 tấn; chiều dài 186,4 m; chiều rộng 20,6 m; mớn nước 8,4 m. Tàu được trang bị hệ thống động lực kết hợp COGOG, bao gồm động cơ turbine khí và động cơ turbine hơi nước với tổng công suất 130.000 mã lực. Moskva có thể chạy với tốc độ tối đa 32 hải lý/h, tầm hoạt động 7.500 hải lý (12.100 km) khi chạy ở tốc độ kinh tế 18 hải lý/h (33 km/h).
Chiến hạm này được trang bị gồm 16 tên lửa chống hạm P-500 Bazalt với tầm bắn 550 km và tốc độ 3.100 km/h, 8 bệ phóng thẳng đứng của tên lửa phòng không tầm xa, 64 tên lửa, 2 ray phóng đôi của tên lửa phòng không tầm ngắn. Ngoài ra, trên tàu còn có 1 pháo 130 mm nòng kép AK-130, 6 pháo phòng không, 2 bệ phóng rocket săn ngầm, 10 ống phóng ngư lôi 533 mm và 1 trực thăng săn ngầm loại Ka-27.