Viện trưởng CIEM Trần Thị Hồng Minh. |
Chiều 6/10, CIEM phối hợp với Tạp chí Kinh tế Việt Nam tổ chức Diễn đàn Kinh tế mới Việt Nam 2023. Phát biểu tại sự kiện, ông Nguyễn Đức Hiển - Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, những nội dung liên quan đến phát triển kinh tế mới đã được Chính phủ đề cập trong nhiều văn bản, nghị quyết, chính sách quan trọng của Việt Nam.
Trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm (2021 - 2030), Việt Nam đã xác định quan điểm là phải đổi mới tư duy hành động, chủ động và nắm bắt kịp thời hiệu quả cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để gắn với quá trình hội nhập quốc tế. Qua đó cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kinh tế số, xã hội số và coi đây là nhân tố quyết định để nâng cao năng suất, chất lượng cạnh tranh của Việt Nam.
Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã xác định kinh tế số là một trong 3 nhiệm vụ trọng tâm bên cạnh đó là nhiệm vụ xây dựng đô thị thông minh, chính phủ điện tử.
Dù vậy, báo cáo nghiên cứu của Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy, kinh tế số Việt Nam trong năm 2022 ước khoảng 14,26% trong tổng GDP. Mục tiêu nền kinh tế số đạt 30% trong tổng GDP của Việt Nam là một thách thức lớn.
Thời gian tới, ông Nguyễn Đức Hiển cho rằng việc gắn kết các kế hoạch, chủ trương về phát triển các mô hình kinh tế mới phải thực hiện một cách đồng bộ, cụ thể để tránh việc chồng chéo về chính sách, bám sát với thực tiễn nền kinh tế.
Đồng thời cần tháo gỡ những vướng mắc trong việc đầu tư ngân sách và cơ chế để thúc đẩy khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo. Trong đó, các chính sách hỗ trợ về cơ chế đặt hàng nguồn nhân lực mới trong 6 ngành công nghiệp nền tảng đóng vai trò quan trọng; đặc biệt là ngành công nghệ số.
Ông Nguyễn Đức Hiển phát biểu tại sự kiện. |
Ông Đỗ Thành Trung - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, phát triển bền vững vừa là quan điểm, vừa là mục tiêu xuyên suốt, được thể hiện trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 10 năm, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm qua các thời kỳ.
Lấy dẫn chứng về những tiềm năng to lớn từ các mô hình kinh tế mới đem lại cho các quốc gia, khu vực trên thế giới, ông Trung cho biết, tại Mỹ, kinh tế xanh đã tạo việc làm cho 9,5 triệu lao động, đóng góp trên 7% GDP, tương đương 1.300 tỷ USD/năm. Còn tại các nước OECD, con số tương ứng là 17,5 triệu lao động và 12% GDP, tương đương 2.900 tỷ USD/năm.
Còn đối với Việt Nam, theo báo cáo “Nền kinh tế số Đông Nam Á” năm 2021, nền kinh tế số Việt Nam có trị giá khoảng 21 tỷ USD, cao gấp 7 lần so với năm 2015 và dự đoán đạt 220 tỷ USD tổng giá trị hàng hóa vào năm 2030, đứng thứ hai trong khu vực chỉ sau Indonesia.
Nhiều chiến lược nhằm thúc đẩy các mô hình kinh tế mới đã được ban hành trong thời gian gần đây. Những nỗ lực của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc kịp thời thể chế hóa quan điểm, mục tiêu phát triển bền vững mà Đảng và Nhà nước đã đề ra vừa tạo hành lang pháp lý để triển khai các mô hình kinh tế mới, vừa tạo động lực tăng trưởng trong bối cảnh nhiều thách thức.
Theo Viện trưởng CIEM Trần Thị Hồng Minh, với vai trò là cơ quan nghiên cứu và tham mưu hàng đầu cho Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, CIEM luôn giữ vững quan điểm và truyền tải thông điệp phải không ngừng đổi mới nhằm cải cách thể chế kinh tế một cách toàn diện, nâng cao năng lực nội tại và chất lượng tăng trưởng, thúc đẩy đổi mới sáng tạo...
Trong bối cảnh nền kinh tế phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức kể từ năm 2020, CIEM đã luôn tham mưu các đề xuất chính sách nhằm mở rộng không gian kinh tế mới. "Không gian kinh tế ấy có thể gắn với những nguồn lực phi truyền thống như thời gian, dữ liệu, hay dựa trên những tư duy tổ chức sản xuất mới trên nền tảng công nghệ số, thiết kế các hoạt động theo hướng tuần hoàn, liên kết vùng…", bà Minh chia sẻ.
Lãnh đạo CIEM cũng cho biết, trong thời gian tới, Viện sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan, chuyên gia, cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan truyền thông để làm sâu sắc hơn các ý tưởng, mô hình kinh tế mới. Hiện CIEM đang chủ động dự thảo nghị định về cơ chế thử nghiệm để phát triển, nhằm sớm hiện thực hóa lợi ích từ mô hình này.
Đồng thời, Viện cũng đang tổng kết việc thực hiện phát triển kinh tế ban đêm kể từ sau Quyết định số 1129/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam, từ đó kiến nghị những hướng đi mới nhằm phát triển mô hình này.
"Chúng tôi tâm niệm phát huy đồng bộ, tổng lực các mô hình này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, để tạo thêm từng điểm phần trăm quý giá cho tăng trưởng kinh tế và tạo được văn hóa để các cơ quan, cộng đồng doanh nghiệp đều không ngừng đổi mới, khẩn trương đổi mới, chung tay đổi mới”, Viện trưởng CIEM nói.