Sứ mệnh Chandrayaan-3 được phóng từ Trạm Không gian Satish Dhawan ở bang Andhra Pradesh, Ấn Độ ngày 14/7. Ảnh: ISRO |
Theo hãng tin Reuters, sứ mệnh Chandrayaan-3 chính thức được phóng vào lúc 2 giờ 35 phút ngày 14/7 từ cảng vũ trụ chính của Ấn Độ là Trạm Không gian Satish Dhawan ở bang miền nam Andhra Pradesh. Nếu mọi chuyện diễn ra đúng theo kế hoạch, ISRO dự kiến sứ mệnh này sẽ thành công hạ cánh mềm tại cực nam của Mặt trăng ngày 23/8.
Phát biểu với báo chí sau vụ phóng, thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi khẳng định: “Chandrayaan-3 viết kịch bản cho một chương mới trong cuộc phiêu lưu không gian của Ấn Độ. Nó đã bay cao, nâng tầm ước mơ và hoài bão của mỗi người dân Ấn Độ. Thành tựu quan trọng này là minh chứng cho sự cống hiến không ngừng nghỉ của các nhà khoa học của chúng ta. Tôi hoan nghênh tinh thần và sự khéo léo của họ”.
Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Jitendra Singh, người có mặt tại buổi phóng, cho biết: “Đây thực sự là một khoảnh khắc vinh quang đối với Ấn Độ. Cảm ơn đội ISRO đã làm cho Ấn Độ tự hào”.
Chandrayaan-3 nhắm đến cực nam của Mặt trăng - khu vực có nước đóng băng có thể đóng vai trò quan trọng như là một nguồn cung cấp oxy, nhiên liệu và nước cho các sứ mệnh Mặt trăng trong tương lai hoặc cho việc thiết lập thuộc địa trên vệ tinh này lâu dài hơn.
Tàu đổ bộ Chandrayaan-3 cao khoảng 2m và có khối lượng chỉ hơn 1.700 kg - tương đương với một chiếc SUV. Nó được thiết kế để triển khai một tàu thám hiểm mặt trăng nhỏ hơn, nặng 26 kg. Sau khi hạ cánh thành công, sứ mệnh Chandrayaan-3 dự kiến sẽ duy trì hoạt động trong vòng 2 tuần trong khi tiến hành một loạt thí nghiệm khoa học .
Theo ISRO, mục tiêu của sứ mệnh này là phát triển và sử dụng các công nghệ mới cần thiết cho các sứ mệnh liên hành tinh trong tương lai. Cụ thể, khi xe tự hành được triển khai, nó sẽ tiến hành nhiều thí nghiệm, trong đó bao gồm phân tích quang phổ về thành phần khoáng chất của bề mặt Mặt trăng. Sứ mệnh này cũng mang theo một thiết bị gọi là “Specro-polarimetry of Habitable Planetary Earth), hay SHAPE, để nghiên cứu sự phát xạ quang phổ đến từ Trái Đất.
Nhận định về việc này, Giám đốc NASA Bill Nelson cho biết cơ quan vũ trụ Mỹ “đang mong đợi” vào những kinh nghiệm nước này sẽ học hỏi được từ sứ mệnh Mặt trăng này của Ấn Độ.
Việc hạ cánh mềm thành công sẽ biến Ấn Độ thành quốc gia thứ 4 chạm tới bề mặt Mặt Trăng sau Liên Xô cũ, Mỹ và Trung Quốc cũng như biến nước này thành quốc gia đầu tiên hạ cánh mềm xuống cực nam của vệ tinh này.
Trước đây vào năm 2019, Ấn Độ đã từng thất bại một lần trong việc hạ cánh xuống cực nam Mặt Trăng. Vào thời điểm đó, sứ mệnh Chandrayaan-2 đã triển khai thành công một tàu quỹ đạo nhưng tàu đổ bộ và tàu tự hành đã bị phá hủy trong một vụ tai nạn gần nơi Chandrayaan-3 sẽ cố gắng hạ cánh.
Ngày 20/8 vừa qua, sứ mệnh Mặt trăng Luna-25 của Nga dự kiến hạ cánh xuống cực nam vệ tinh này ngày 21/8 đã gặp thất bại. Trong khi đó hồi tháng 4/2023, công ty startup vũ trụ tư nhân của Nhật Bản là ispace cũng thất bại trong nỗ lực đáp xuống Mặt trăng.
Địa hình gồ ghề là một trong những điều phức tạp khi hạ cánh ở cực nam. Do đó, các nhà khoa học của ISRO cho biết đã thực hiện các điều chỉnh để gia tăng khả năng thành công của sứ mệnh, trong đó bao gồm một hệ thống để mở rộng bãi đáp tiềm năng. Tàu đổ bộ cũng đã được trang bị nhiều nhiên liệu hơn và chân vững chắc hơn khi va chạm.