Tăng cường kết nối logistics thúc đẩy tiêu thụ, xuất khẩu nông lâm thủy sản

logistics Việt nAM
09:34 - 07/02/2024
Ảnh minh họa: VGP.
Ảnh minh họa: VGP.
0:00 / 0:00
0:00
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 13/CĐ-TTg về việc tăng cường kết nối logistics thúc đẩy tiêu thụ, xuất khẩu nông lâm thủy sản.

Công điện số 13 ngày 6/2/2024 nêu rõ, để nhanh chóng hoàn thiện hệ thống logistics nhằm kết nối, sản xuất nông sản, phục vụ tốt hơn phát triển nông nghiệp, nông thôn trong tình hình mới, Thủ tướng chính phủ yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương liên quan khẩn trương hoàn thiện trình Thủ tướng xem xét phê duyệt Đề án "Phát triển hệ thống dịch vụ logistics nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh của nông sản Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050".

Bên cạnh đó, thúc đẩy các văn kiện hợp tác đã ký kết về hợp tác nông nghiệp, mở cửa thị trường nông sản, đa dạng hóa kênh phân phối truyền thống qua chợ đầu mối, trung tâm dịch vụ logistics nông sản giữa các cặp cửa khẩu hai nước Việt - Trung.

Bộ Công Thương được giao xây dựng "Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam thời kỳ 2025 - 2035, tầm nhìn đến năm 2045", đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối hợp tác trong lĩnh vực dịch vụ logistics; hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng hiệu quả chuỗi cung ứng nông sản gắn với dịch vụ logistics ra thị trường quốc tế.

Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải (GTVT) ưu tiên đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp hoàn chỉnh hệ thống vận tải gắn kết giữa các trung tâm trong hệ thống dịch vụ logistics nông sản và hỗ trợ phát triển chuỗi cung ứng nông sản qua đường bộ, đường thủy, đường sắt, đường hàng không thuận lợi, tiết kiệm chi phí vận chuyển nội địa, chi phí logistics.

Bộ GTVT cũng được phân công trao đổi, làm việc với Bộ Công Thương, Cục Đường sắt quốc gia, Cục Hàng không dân dụng Trung Quốc và chính quyền các tỉnh giáp biên phía Trung Quốc để có giải pháp cấp thiết và trung - dài hạn, giúp tối ưu hóa chi phí, thời gian vận chuyển các mặt hàng nông, lâm, thủy sản.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ GTVT hỗ trợ khai thác tuyến vận tải container đường sắt liên vận quốc tế Việt - Trung để tăng lượng hàng hóa nông, lâm, thủy sản vận chuyển qua đường sắt nhằm giảm thiểu tình trạng ùn ứ, ách tắc đường bộ qua cửa khẩu biên giới thời gian qua.

Cùng với đó, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT có giải pháp hiện đại hóa hệ thống đường sắt và nâng cao năng lực vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt để tăng lượng hàng hóa nông, lâm, thủy sản xuất khẩu sang Trung Quốc.

"Trước mắt, sớm thống nhất tiêu chuẩn kỹ thuật, kết nối hệ thống đường sắt tại cửa khẩu Lào Cai (tỉnh Lào Cai) để tạo thuận lợi cho giao nhận hàng hóa bằng đường sắt tại cửa khẩu này", công điện của Thủ tướng nêu.

Ngay trong quý 1/2024 Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT chủ trì việc trao đổi, làm việc phía Trung Quốc để tối ưu hóa chi phí vận chuyển, thủ tục thông thương, nhanh chóng xây dựng đường chuyên dụng hàng hóa nông sản tại các cặp cửa khẩu phụ giáp biên (Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, Quảng Ninh, Lai Châu, Hà Giang).

Việc này nhằm thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi cho cư dân địa phương, doanh nghiệp hai nước, đáp ứng nhanh chóng nhu cầu hai phía.

Đối với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cần chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương liên quan rà soát cân đối, bố trí vốn phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng cho các trung tâm logistics nông sản; hướng dẫn sử dụng vốn để triển khai, thực hiện có hiệu quả và đúng tiến độ các chương trình, nhiệm vụ và dự án phát triển hệ thống logistics nông sản.

Hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện các cơ chế, chính sách liên quan đến phát triển dịch vụ logistics nông sản, đầu tư xây dựng các trung tâm logistics nông sản.

Tham mưu Chính phủ các chính sách thu hút vốn đầu tư trong nước và nước ngoài, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ logistics nông sản và phát triển kết cấu hạ tầng logistics nông sản.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương liên quan cải cách thủ tục, hiện đại hóa hệ thống thủ tục hải quan tạo thuận lợi cho thương mại nông sản. Phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao trao đổi với Tổng cục Hải quan Trung Quốc xây dựng và mở rộng mô hình thí điểm cửa khẩu thông minh gắn với kiểm soát truy xuất nguồn gốc.

Căn cứ khả năng cân đối của ngân sách Trung ương, trên cơ sở đề xuất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ, ngành liên quan và nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền phê duyệt, tổng hợp trong dự toán chi thường xuyên hàng năm của ngân sách Trung ương, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định bố trí kinh phí trong dự toán chi của các bộ, cơ quan trung ương theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản hướng dẫn để thực hiện các chương trình, nhiệm vụ, dự án về phát triển hệ thống logistics nông sản.

Với chính quyền các địa phương, Thủ tướng yêu cầu hỗ trợ mặt bằng, hạ tầng thiết yếu cho xây dựng các trung tâm logistics nông sản; xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích thu hút đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành các trung tâm dịch vụ logistics nông sản trên địa bàn.

Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn rà soát, bổ sung các Trung tâm dịch vụ logistics nông sản trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; hỗ trợ mặt bằng, hạ tầng thiết yếu cho xây dựng các trung tâm logistics nông sản;…

Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam và các Hiệp hội ngành hàng nông nghiệp liên kết, hợp tác thiết lập chuỗi logistics nông sản, áp dụng công nghệ, chuyển đổi số, đổi mới mô hình kinh doanh nhằm giảm chi phí logistics, gia tăng giá trị hàng hóa, thúc đẩy xuất khẩu.

Huy động, khuyến khích các thành viên tham gia thực hiện các chuỗi cung ứng nông sản và các nhiệm vụ, giải pháp phát triển hệ thống logistics nông sản từ vùng nguyên liệu tới thị trường tiêu thụ.

Tin liên quan

Đọc tiếp