Chiều 8/12, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có buổi làm việc cùng với Bộ Y tế và các bộ, ngành về rà soát công tác phòng, chống dịch COVID-19 liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài, người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam.
Từ đầu dịch COVID-19 đến nay, Việt Nam đã đón trên 200.000 chuyên gia, kỹ sư, lao động kỹ thuật cao người nước ngoài để phục vụ phát triển kinh tế-xã hội. Tổ chức nhiều chuyến bay đón công dân Việt Nam có nhu cầu thật sự khẩn thiết về nước, bảo đảm nguyên tắc phòng, chống dịch bệnh cũng như năng lực cách ly trong nước. Bên cạnh đó trong những ngày vừa qua, một số địa phương đã thí điểm đón khách du lịch quốc tế bảo đảm an toàn dịch bệnh.
Các bộ đề nghị tiếp tục duy trì cơ chế Tổ công tác 5 Bộ (Ngoại giao, Y tế, Quốc phòng, Công an, Giao thông vận tải) để giải quyết cho chuyên gia, kỹ sư, lao động kỹ thuật cao người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam.
Đại diện Bộ Giao thông vận tải cho biết đang tích cực làm việc với các đối tác để xem xét sớm mở lại các đường bay thương mại quốc tế theo quyết định của Chính phủ. Tuy nhiên hiện chưa có chuyến bay thương mại quốc tế nào được mở lại do còn phụ thuộc vào nguyên tắc có đi - có lại với đối tác nước ngoài.
Lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Bộ LĐTB&XH thì cho rằng, nhu cầu về nước đang rất lớn đối với những đối tượng là người lao động Việt Nam đã hết hạn hợp đồng, học sinh, sinh viên, người đi công tác bị mắc lại ở nước ngoài rất muốn được về nước hay bà con Việt kiều lâu không được về quê.
Trước những vấn đề về ưu tiên hỗ trợ người Việt, Bộ Ngoại giao đang nỗ lực giải quyết các thủ tục để đưa những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về nước. Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cũng đã họp, chỉ đạo về nguyên tắc đối với việc đón người Việt Nam ở nước ngoài về, việc nhập cảnh của chuyên gia nước ngoài, khách quốc tế.
Lãnh đạo các bộ cho biết khó khăn lớn nhất hiện nay là cân đối khả năng kiểm soát dịch bệnh trong nước, nhất là khi xuất hiện biến chủng Omicron.
Qua ý kiến của các bộ, ngành, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, ngoài nhu cầu đón chuyên gia, kỹ sư, lao động kỹ thuật cao người nước ngoài, du khách quốc tế phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, các bộ, ngành cần đặc biệt lưu ý nhu cầu của công dân Việt Nam đi lao động, học tập, công tác, thăm thân nhân bị mắc kẹt lại nước ngoài do dịch, cũng như bà con Việt Nam định cư ở nước ngoài cùng những người thân được hưởng chế độ như người Việt Nam theo quy định.
“Đây là nhu cầu rất chính đáng và chúng ta phải có trách nhiệm giải quyết rất khẩn trương, nhất là trong điều kiện Tết Nguyên Đán đang đến gần”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh
Bộ Y tế được yêu cầu phải ban hành hướng dẫn mới về việc cách ly, theo dõi sức khoẻ đối với người nhập cảnh vào Việt Nam chậm nhất trước ngày 15/12, trên tinh thần tương tự như đối với người từ vùng dịch đến các địa phương khác ở trong nước. Cụ thể, đối với người nhập cảnh đã tiêm đủ 2 mũi vaccine, có kết quả xét nghiệm âm tính chỉ tự cách ly, theo dõi sức khoẻ tại nhà với thời gian bảo đảm an toàn dịch bệnh. Đối với người chưa tiêm vaccine phải có cơ sở cách ly trong nước với thời gian, điều kiện tốt nhất, thuận lợi cho bà con và tổ chức tiêm vaccine.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Giao thông vận tải, ngành hàng không và các bộ, ngành liên quan tích cực báo cáo các đồng chí lãnh đạo, xúc tiến công tác chuẩn bị mở lại các đường bay thương mại quốc tế, có quy trình để người Việt Nam ở nước ngoài đặt chỗ.
Lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho biết việc mở lại đường bay thương mại quốc tế là nhu cầu cấp thiết của các hãng hàng không. Cục Hàng không đã kết nối với hệ thống “hộ chiếu vaccine” của các nước để bảo đảm tất cả những người đặt mua vé của các hãng hàng không Việt Nam đều đã được tiêm đủ vaccine. Những người chưa tiêm vaccine chỉ được mua vé sau khi đã đăng ký và có địa chỉ cách ly cụ thể trong nước.