Một nhà máy xử lý dầu tại khu vực Irkutsk, Nga. Ảnh: Reuters |
Để một lệnh cấm vận của khối EU có thể được thông qua, sự đồng thuận của tất cả 27 nước thành viên là vô cùng cần thiết. Nhưng cho đến nay, các nước EU vẫn chưa thể đi đến một quyết định chung về một lệnh cấm vận lên lĩnh vực dầu khí của Nga, trong bối cảnh nước này chiếm tới 45% tổng lượng nhập khẩu khí đốt của EU.
Trong khi một số quốc gia như Ba Lan đã kiên quyết với lệnh cấm nhập khẩu dầu, than và khí đốt từ Nga, các quốc gia phụ thuộc nhiều như Đức và Hungary lại phản đối về các lệnh cấm. Đồng thời, nền kinh tế số một khu vực là Đức thậm chí đưa ra cảnh báo về những động thái vội vàng có thể đẩy nền kinh tế khu vực vào suy thoái.
Một số nhà nhập khẩu tại châu Âu đã tự nguyện tránh xa dầu thô của Nga, nhằm hạn chế bất cứ thiệt hại nào về danh tiếng hoặc khó khăn về mặt pháp lý. Tuy nhiên, những nhà nhập khẩu lớn khác như Trafigura và Vitol vẫn tiếp tục mua dầu thô của Nga theo các hợp đồng dài hạn hiện hữu.
Tuy nhiên, cả hai nhà nhập khẩu trên đều nói với hãng tin Reuters rằng họ không đồng ý thêm bất kỳ thỏa thuận mới nào với Moscow kể từ khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine từ ngày 24/2. Trong khi đó, 2 quốc gia giữ thái độ trung lập là Ấn Độ và Trung Quốc vẫn tiếp tục mua dầu thô từ Nga.
Dưới đây là sự thay đổi trong thái độ từ những đối tác dầu thô chính của Nga.