Di cư lao động là một đặc điểm lâu đời của ASEAN và phụ nữ ngày càng tham gia nhiều vào các cuộc di cư để tìm việc làm. Để làm rõ các xu hướng chính của bức tranh di cư lao động nội khối ASEAN, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đã phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tổ chức Lễ công bố Báo cáo khu vực về “Nữ lao động di cư trong Luật pháp và chính sách của các Quốc gia thành viên ASEAN”, ngày 14/11.
48% di cư lao động trong khu vực ASEAN là nữ
Theo báo cáo, tổng số người di cư trong ASEAN ước tính là 10,6 triệu người vào năm 2020, trong đó 48% là phụ nữ. Những nỗ lực của ASEAN hướng tới hội nhập khu vực sâu rộng hơn đã góp phần làm gia tăng di cư trong khu vực.
Di cư nội khối ASEAN tăng đều qua các năm. Điều này thể hiện qua con số 7,1 triệu người di cư trong khu vực chiếm 2/3 tổng số người di cư quốc tế của ASEAN năm 2020. Trong đó, phụ nữ chiếm một tỷ lệ lớn trong tổng số người di cư trong ASEAN gần 48% là phụ nữ vào năm 2020.
Năm hành lang nổi bật cho người lao động di cư nội khối ASEAN, gồm: Myanmar đến Thái Lan (1,8 triệu người), Lào đến Thái Lan (0,94 triệu người), Campuchia đến Thái Lan (0,69 triệu người), Malaysia đến Singapore (1,1 triệu người) và Indonesia đến Malaysia (1,2 triệu người).
Trong đó, 96% trong số 7,1 triệu người di cư nội khối ASEAN năm 2020 đã tập trung đến 3 quốc gia trong khu vực, gồm nhiều nhất đến Thái Lan chiếm 49,5% số lao động di cư, đứng thứ hai là Malaysia chiếm 27,5% và Singapore chiếm 18,8%.
Các xu hướng chính trong lao động di cư nội khối ASEAN
Một trong những đặc điểm quan trọng nhất của di cư lao động ở ASEAN là quá trình nữ hóa. Tỷ lệ phụ nữ di cư trong ASEAN đã tăng lên đáng kể từ những năm 1990. Tất cả các quốc gia có nguồn gốc nông nghiệp thuần túy cho thấy dòng phụ nữ đi tìm việc làm ngày càng tăng kể từ năm 2012.
Người di cư lao động là một phần không thể thiếu để giải quyết tình trạng thiếu lao động ở các nước điểm đến. Riêng ở Lào và Indonesia, nhiều phụ nữ đăng ký đi làm việc ở nước ngoài hơn nam giới
Báo cáo chỉ ra, có một nhu cầu lớn chưa được đáp ứng về dịch vụ chăm sóc ở các quốc gia điểm đến và sự thiếu hụt này đang được đáp ứng bởi phụ nữ từ các quốc gia di cư.
Cùng với đó, sự đóng góp của người lao động di cư cho cả nước đi và nước đến là rõ ràng là to lớn. Kiều hối tài chính từ người lao động nhập cư là một nguồn thu nhập đáng kể cho tất cả các quốc gia có nguồn gốc trong ASEAN.
“Mặc dù không có dữ liệu phân tách theo giới tính về tiền gửi về, nhưng bằng chứng sẵn có chỉ ra rằng phụ nữ di cư có nhiều khả năng gửi tiền về quê hơn đáng kể so với nam giới để hỗ trợ gia đình họ”, báo cáo chỉ ra.
Bên cạnh đó, tỷ lệ thanh niên trong số lao động nhập cư đã tăng theo thời gian. Những người trưởng thành trong độ tuổi từ 25 - 54, vẫn chiếm đại đa số lao động nhập cư. Các ước tính năm 2019 cho thấy tỷ lệ lao động nữ di cư trẻ tuổi, trong độ tuổi 15 - 24, tương đối cao hơn ở Malaysia và Thái Lan, lần lượt là 31% và 22%.
Một đặc điểm khác là lao động nhập cư nữ chủ yếu có trình độ học vấn thấp. Chỉ 17% lao động nữ di cư có trình độ đại học/cao đẳng ít hơn so với 20% lao động nam di cư.
Theo báo cáo, phụ nữ di cư có ít cơ hội việc làm hơn, bị phân biệt đối xử, tiếp cận thông tin thị trường lao động không bình đẳng và không được đối xử công bằng. Phụ nữ thường xuyên bị phân biệt đối xử vì cả giới tính và tình trạng di cư. Có sự khác biệt đáng chú ý trong hồ sơ hoạt động kinh tế của lao động di cư nam và nữ.
Người di cư hầu như vắng mặt trong các ngành nghề đòi hỏi tay nghề cao. Chỉ có 3,2 phần trăm nữ lao động di cư được tìm thấy trong danh mục này.
Lao động phụ nữ thường tập trung nhiều hơn trong lĩnh vực dịch vụ (giúp việc gia đình, nhân viên chăm sóc sức khỏe), ngược lại, nam giới hiện diện tương đối nhiều hơn trong ngành (như xây dựng và sản xuất).
ILO lưu ý rằng tỷ lệ lao động nữ nhập cư áp đảo trong các dịch vụ có thể là do nhu cầu ngày càng tăng trong nền kinh tế chăm sóc. Những tiểu ngành này có xu hướng phụ thuộc nhiều vào lao động nữ di cư.
Tuy nhiên, những lao động này, đặc biệt là giúp việc gia đình nhập cư lại là đối tượng thường bị phân biệt đối xử, bạo lực và bóc lột. Bằng chứng sẵn có cũng chỉ ra khoảng cách tiền lương sâu sắc dựa trên giới tính và tình trạng di cư, vì lao động nữ di cư thường bị phạt tiền lương.
Mặc dù có nhiều tiến bộ trong việc thúc đẩy việc làm bền vững cho người lao động di cư trong luật pháp và thực tiễn tại các nước ASEAN, nhưng họ vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức và vẫn phải chịu các điều kiện bóc lột. Đặc biệt đối với lao động nữ di cư vẫn gắn với định kiến và chuẩn mực giới.
Phó Tổng Thư ký ASEAN về Cộng đồng Văn hóa - Xã hội Ekkaphab Phanthavong cho rằng, về tổng thể, lao động di cư giúp giảm nghèo đói, tăng cường cho từng quốc gia trong khu vực. Tuy nhiên, nữ lao động di cư vẫn còn phải chịu nhiều bất công, đối mặt với nhiều rào cản từ các định kiến giới, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.
“Các quốc gia cần bảo vệ nữ lao động di cư tốt hơn thông qua quá trình lập pháp. Đẩy mạnh hỗ trợ lao động di cư là nữ giới để đảm bảo công bằng và bảo vệ họ khỏi các rủi ro như xâm hại hay lạm dụng”, Phó Tổng thư ký ASEAN kiến nghị.