Tham vọng số một ngành đồ uống tươi của Vinamilk và Kido tan vỡ

VINAMILK KIDO
09:42 - 02/12/2022
Sản phẩm đầu tiên của Liên doanh thực phẩm và đồ uống Vibev.
Sản phẩm đầu tiên của Liên doanh thực phẩm và đồ uống Vibev.
0:00 / 0:00
0:00
Công ty TNHH Liên doanh thực phẩm và đồ uống Vibev do Kido góp 49% và Vinamilk góp 51% từng kỳ vọng giữ vị trí số 1 trong ngành nước tươi với sản lượng 150 triệu chai/năm. Tuy nhiên bất ngờ là sau hơn 2 năm hoạt động, công ty vừa thông báo giải thể.

CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk, mã chứng khoán VNM) và CTCP Tập đoàn Kido (mã chứng khoán KDC) chiều 1/12 cùng thông báo dừng hoạt động và giải thể Công ty TNHH Liên doanh thực phẩm và đồ uống Vibev.

Vinamilk cho biết chấm dứt liên doanh vì "một số thay đổi trong định hướng phát triển" của cả hai. Cũng thông báo với lý do tương tự nhưng phía Kido bổ sung thêm quyết định này còn đến từ ảnh hưởng của những biến động khó đoán của thị trường trong nước và kinh tế thế giới.

Ngày 1/3/2021, Công ty TNHH Liên doanh thực phẩm và đồ uống Vibev ra đời với tổng vốn đầu tư ban đầu của liên doanh là 400 tỷ đồng, trong đó Kido góp 49% (tương đương 196 tỷ đồng) và Vinamilk góp 51% (tương đương 204 tỷ đồng). Vibev có trụ sở chính được đăng ký tại số 10, đường Tân Trào, phường Tân Phú, quận 7, TP HCM.

Bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc Vinamilk, khi đó nói rằng hợp tác này xuất phát từ nhu cầu của hai bên khi cùng nhìn thấy cơ hội lớn. Cả hai đều có năng lực về nhà máy sản xuất, nghiên cứu phát triển sản phẩm, quản trị, điều hành doanh nghiệp, nguồn lực tài chính mạnh nên sẽ đưa những mảng chung vào liên doanh để không bị xung đột lợi ích.

Ông Mai Xuân Trầm, Phó tổng giám đốc Kido đồng thời là Tổng giám đốc Vibev, khi đó cũng cho biết hai bên đã nghiên cứu trong thời gian dài trước khi bắt tay nhau. Ông đánh giá ngành hàng này có tiềm năng và quy mô lớn, không chỉ trong nước mà còn trên thế giới. Mạng lưới xuất khẩu của Vinamilk tại 30 quốc gia sẽ hỗ trợ đưa sản phẩm của liên doanh ra nước ngoài.

Sau nhiều lần trì hoãn vì dịch bệnh, liên doanh Vibev chính thức tiến vào thị trường nước giải khát tại Việt Nam bằng việc ra mắt 2 sản phẩm đầu tiên thuộc thương hiệu Oh Fresh: Sữa bắp tươi và sữa đậu xanh tươi. Công ty đặt mục tiêu mở ngành và nắm giữ vị trí số 1 về thị phần trong ngành nước tươi với sản lượng đạt 150 triệu chai/năm (tương đương hơn 2.000 tỷ đồng) sau 5 năm vận hành.

Theo công bố của Hiệp hội Bia – Rượu – Nước Giải Khát Việt Nam tại hội thảo “Ngành Đồ uống Việt Nam phục hồi và phát triển trong thời kỳ mới” hồi tháng 5/2022, trong giai đoạn từ năm 2017 đến 2019, mức tăng trưởng hàng năm của ngành nước giải khát tăng đều ở mức 6-7%. Tuy nhiên, kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát vào đầu năm 2020, sự phát triển của ngành công nghiệp này đã và đang đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức.

Doanh thu thuần năm 2021 của ngành nước giải khát giảm 4,8% so với năm 2020 trong khi lợi nhuận thuần của ngành này năm 2021 giảm tới 31,4% so với năm 2020. Mặc dù năm 2022 có khả năng mang lại sự phục hồi cho ngành nước giải khát với việc mở cửa trở lại ngành du lịch và ăn uống, tuy nhiên lợi nhuận gộp của ngành chắc chắn sẽ giảm do giá của các nguyên vật liệu đầu vào đều đang ở mức cao lịch sử, trong đó có xăng dầu, đường, nhôm và nhựa...

Tin liên quan

Đọc tiếp