Thị trường vượt khó bất thành, VN-Index rơi thêm 18 điểm

VNINDEX CHỨNG KHOÁN
16:09 - 30/10/2023
Thị trường chứng khoán tiếp tục bị bao phủ bởi màu đỏ. Ảnh: Vietstock
Thị trường chứng khoán tiếp tục bị bao phủ bởi màu đỏ. Ảnh: Vietstock
0:00 / 0:00
0:00
Bất chấp nỗ lực phục hồi về chiều và thậm chí có thời điểm đã tiệm cận ngưỡng tham chiếu, chỉ số VN-Index vẫn mất hơn 18 điểm sau phiên ATC giảm mạnh.

Thị trường mở đầu phiên giao dịch ngày 30/10 với sắc đỏ bao phủ các ngành, trong đó VN30 tác động tiêu cực nhất khi hầu hết các mã đều giảm điểm sau phiên ATO. Chỉ số VN-Index nhanh chóng mất ngưỡng 1.050 điểm và dành phần lớn thời gian của phiên sáng giao dịch quanh mốc này.

Tình hình trở nên khả quan hơn về chiều, khi áp lực bán phần nào được hấp thụ, bên mua bắt đầu quay trở lại với thị trường. Tới thời điểm 14h chiều, chỉ số VN-Index phục hồi lên tiệm cận ngưỡng tham chiếu, đây cũng là đỉnh của phiên với 1.060,39 điểm.

Tuy nhiên, VN-Index giảm mạnh ngay sau khi đạt đỉnh do áp lực bán ngày càng gia tăng. Kết phiên 30/10, VN-Index giảm thêm 18.22 điểm (1,72%) về còn 1.042,4 điểm, VN30 cũng có cho mình mức giảm 19,94 điểm (1,87%) về còn 1.047,63 điểm. HNX thậm chí còn giảm mạnh hơn với 6,7 điểm, tương đương tỷ lệ hơn 3% về còn 211,34 điểm.

Về độ rộng thị trường, sắc đỏ bao phủ thị trường trong phiên hôm nay. Ghi nhận trên sàn HOSE, số mã giảm giá là 393 mã, áp đảo so với 111 mã tăng giá và 56 mã đứng giá tham chiếu. Số cổ phiếu giảm sàn trên toàn thị trường tăng trong phiên chiều với 58 mã, trong đó sàn HOSE chiếm chủ yếu với 41 đại diện.

Thanh khoản tiếp tục là mối lo ngại chung của thị trường, khi sàn HoSE ghi nhận 533,36 triệu cổ phiếu được giao dịch với tổng giá trị 10.128 tỷ đồng, lần lượt giảm 22,9% và 26% so với phiên thứ 6 tuần trước. Xét về giá trị giao dịch, đây là thanh khoản thấp nhất của VN-Index kể từ ngày 9/5/2023.

Dẫn đầu đà giảm điểm của thị trường vẫn là nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn với 25 mã giảm trong rổ VN30, số ít mã giữ được sắc xanh là VCB, VRE, BCM và MSN, trong khi VHM cắt chuỗi 2 phiên giảm mạnh liên tiếp khi hồi về giá tham chiếu.

Ở chiều ngược lại, GVR và SSI là những mã giảm điểm mạnh với tỷ lệ 6,7% và 6,6% xuống 18.000 đồng/cp và 27.500 đồng/cp, sắc đỏ của các mã lớn khác như STB, TCB, SAB, FPT, VJC ... cũng góp phần gây áp lực lên chỉ số chung.

Tương tự là cổ phiếu bất động sản. Bên cạnh KBC và FIT giảm sàn, nhiều mã lớn có biên độ giảm hơn 3% khác có thể kể đến như CEO (-3,4%), IDJ (-3,4%), KDH (-3,4%), AGG (-3,8%), PDR (-4,1%), NLG (-4,1%), DXG (-4,3%), TCH (-4,4%)…

NVL là một trong số ít những cổ phiếu bất động sản giữ vững được mức tham chiếu hoặc tăng điểm. Đáng chú ý, Novaland ngày 30/10 vừa công bố BCTC quý 3/2023, ghi nhận khoản lãi gần 137 tỷ đồng, tuy giảm tới 42% so với cùng kỳ, kết quả này vẫn được cải thiện hơn nhiều so với khoản lỗ 1.094 tỷ đồng của nửa đầu năm 2023.

Cổ phiếu chứng khoán tiếp tục chịu ảnh hưởng lớn khi thị trường đi xuống. Bên cạnh SSI đã nói ở trên, VIX giảm điểm mạnh nhất khi giảm sàn với 21,23 triệu cổ phiếu được giao dịch, MSB và SHS cũng có cho mình mức giảm 7% và 8,61% trên sàn HNX. Hàng loạt mã lớn giảm điểm với biên độ lớn hơn 6% có thể kể đến là FTS, VND, CTS, SSI…

Đọc tiếp

ĐHĐCĐ thường niên 2024 của PV OIL. Nguồn: Petrovietnam.

PV OIL: Theo đuổi mục tiêu niêm yết trên HoSE

Ban lãnh đạo PV OIL thông tin, dự kiến cuối năm 2024 công ty đặt mục tiêu xoá sạch lỗ luỹ kế và trong năm nay hoặc năm tới sẽ bỏ bớt điểm ngoại trừ của kiểm toán trên báo cáo tài chính, đưa cổ phiếu ra khỏi diện cảnh báo.