Thứ trưởng NN&PTNT Phùng Đức Tiến thông tin về ngành hàng, thị trường tới phóng viên chiều ngày 1/4. Ảnh: Lê Hồng Nhung - Mekong ASEAN |
Trao đổi với phóng viên chiều ngày 1/4, Thứ trưởng NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, quý 1/2024, ngành nông nghiệp Việt Nam đối mặt với áp lực rất lớn là xâm nhập mặn, dịch bệnh trên cây trồng và vật nuôi, lô hàng xuất khẩu bị thị trường trả về. Dù vậy, đây cũng không phải là những vấn đề phổ quát, do đó ngành nông nghiệp vẫn ghi nhận tăng trưởng 2,98% trong quý đầu năm, mức cao ghi nhận trong nhiều năm qua.
Bên cạnh đó, các nhóm hàng xuất khẩu đều tăng so với cùng kỳ năm trước, góp phần đưa tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 13,53 tỷ USD, tăng 21%, xuất siêu 3,36 tỷ USD (tăng 96%). Cụ thể, nông sản đạt 7,46 tỷ USD, tăng 31,1%; lâm sản đạt 3,61 tỷ USD, tăng 18,8%; thủy sản đạt 1,86 tỷ USD, tăng 1,9%... Đáng chú ý, có 4 mặt hàng có giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD, bao gồm gỗ 2,32 tỷ USD (tăng 26,8%); rau quả đạt 1,23 tỷ USD (tăng 25%); gạo đạt 1,37 tỷ USD (tăng 40%); cà phê đạt 1,9 tỷ USD (tăng 54%)…
Theo Bộ NN&PTNT, giá xuất khẩu bình quân một số mặt hàng nông sản trong quý tăng cao như gạo tăng 25%, lên mức 661 USD/tấn; cà phê tăng 435, lên mức 3.181 USD/tấn; cao su tăng 5%, lên mức 1.462 USD/tấn; hạt tiêu đạt 4.153 USD/tấn, tăng 35%.
“Đây là những dấu hiệu tích cực để Việt Nam đạt 54 tỷ USD xuất khẩu nông lâm thủy sản trong năm 2024,” Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đánh giá.
Về thị trường, xuất khẩu nông lâm thủy sản sang khu vực châu Á đạt 6,27 tỷ USD, tăng 16%; châu Mỹ đạt 2,96 tỷ USD, tăng 27%; châu Âu đạt 1,85 tỷ USD, tăng 34%... Tại thị trường đơn lẻ, Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản tiếp tục là ba thị trường xuất khẩu lớn nhất. Trong đó, Trung Quốc chiếm 20,2% tổng trị giá xuất khẩu; Mỹ chiếm 19,9% và Nhật Bản chiếm 7%.
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, Việt Nam có lợi thế tại thị trường Trung Quốc với vị trí địa lý gần kéo theo chi phí logistics giảm, đồng thời hai nước còn có hiệp định xuất khẩu. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cũng nhấn mạnh, nếu sầu riêng đông lạnh và dừa tươi được ký kết xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, nông sản Việt Nam sẽ có lợi thế rất lớn tại thị trường này.
Cùng chiều 1/4, Bộ NN&PTNT tổ chức họp báo, thông tin về kết quả ngành nông nghiệp trong quý 1/2024. Ảnh: Lê Hồng Nhung - Mekong ASEAN |
Liên quan đến vụ việc 30 lô hàng sầu riêng của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc bị nhiễm kim loại nặng cadimi vượt mức giới hạn quy định an toàn thực phẩm của nước này, trả lời tại buổi họp báo quý 1/2024 của Bộ NN&PTNT diễn ra chiều 1/4, ông Nguyễn Quang Hiếu -Trưởng phòng Hợp tác quốc tế và Truyền thông (Cục Bảo vệ thực vật) cho biết, hiện nay chưa xác định được được nguyên nhân chính khiến 30 lô hàng sầu riêng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc bị nhiễm kim loại nặng cadimi vượt mức giới hạn quy định.
Ông Hiếu cho rằng, có thể sầu riêng bị nhiễm kim loại nặng trong quá trình canh tác như đất bị nhiễm hoặc từ nguồn nước, không khí từ khí thải của nhà máy hoặc trong quá trình thu hoạch, người dân dùng nước sơ chế sầu riêng.
Theo ông Hiếu, con số 30 lô trên tổng số 35.000 – 40.000 lô hàng sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc chưa ảnh hưởng tới xuất khẩu. Dù vậy, đây cũng là cảnh báo để Việt Nam chú trọng trong thời gian tới.
Cùng trao đổi về vấn đề này, theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, sầu riêng là đối tượng cây trồng phát triển nóng trong thời gian qua. Chỉ riêng năm 2023 kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đã đạt hơn 2,2 tỷ USD. Trước vấn đề trên, Bộ NN&PTNT đã giao Cục Bảo vệ thực vật rà soát lại, xem xét, tìm hiểu nguyên nhân, đưa ra giải pháp để đáp ứng thị trường Trung Quốc cũng như các thị trường khác.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng cho rằng, không chỉ riêng cây sầu riêng, để phát triển bền vững cả về tăng trưởng và xuất khẩu nông sản nói chung, trước hết cần gắn vùng nguyên liệu với mã vùng trồng, mã đóng gói, sơ chế, chế biến cùng với hoạt động xúc tiến thương mại. Đồng thời, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT nhấn mạnh, càng xuất khẩu nhiều càng phải chú ý chất lượng, chú ý thương hiệu.