Bà Helene Budliger Artieda - Giám đốc Ban Thư ký Nhà nước về các vấn đề kinh tế (SECO) của Thụy Sĩ. Ảnh: Keystone |
Theo hãng tin RT trích dẫn phỏng vấn của bà Budliger Artieda, nguyên nhân là do Thụy Sĩ không tìm thấy bằng chứng cho thấy các tài sản này nằm trong diện bị trừng phạt. Bình luận này được đưa ra nhằm đáp lại những tuyên bố trước đó của Đại sứ Mỹ tại Thụy Sĩ Scott Miller.
Cụ thể hồi tháng 3, ông Miller đã chỉ trích SECO vì đã không nỗ lực đủ và không thực hiện thêm các biện pháp trừng phạt chống lại Nga. Ông cho biết Bern hoàn toàn có thể đóng băng thêm 55 tỷ USD đến 110 tỷ USD tài sản của các cá nhân và công ty Nga và sử dụng số tiền trên để giúp khôi phục Ukraine.
Tuy nhiên, bà Budliger Artieda không đồng ý với việc này. Bà cho biết con số 55 tỷ USD tới 110 tỷ USD ban đầu được sử dụng như một ước tính khả dĩ về quỹ của các công ty cùng cá nhân Nga đang nằm dưới sự quản lý của chính phủ Thụy Sĩ và không phải là ước tính do Thụy Sĩ đưa ra.
Bà cũng nhấn mạnh không phải tất cả người Nga đều phải chịu lệnh trừng phạt mà chỉ một số ít. Do đó, việc phong tỏa thêm tài sản sẽ yêu cầu bằng chứng cho thấy số tiền này có liên quan đến các tổ chức hoặc cá nhân bị xử phạt. Bà khẳng định chính phủ Thụy Sĩ luôn hoan nghênh Mỹ cũng như các quốc gia đối tác đưa ra các bằng chứng, tuy nhiên nước này hiện vẫn chưa nhận được bằng chứng nào.
Tính tới tháng 4/2023, Thụy Sĩ chỉ đóng băng số tài sản trị giá 8,3 tỷ USD của Nga - tương đương khoảng 1/3 trong số 23,4 tỷ USD bị phong tỏa trên khắp Liên minh châu Âu – do mối liên hệ với chiến dịch quân sự nước này tiến hành tại Ukraine.
Ở một diễn biến khác, khi được hỏi liệu các tài sản bị đóng băng của Nga có thể bị tịch thu để tài trợ cho việc tái thiết Ukraine hay không, quan chức này nhắc lại tuyên bố trước đó của chính quyền Thụy Sĩ rằng hành động này vi phạm quyền sở hữu và là hành vi bất hợp pháp theo pháp luật Thụy Sĩ.
Người đứng đầu SECO cho biết: “Việc tịch thu tài sản tư nhân sẽ không được cấp phép ở Thụy Sĩ nếu chúng có nguồn gốc hợp pháp và được chứng minh không liên quan tới vấn đề hình sự”. Tịch thu tài sản trong trường hợp này là đi ngược lại Hiến pháp Liên bang và hệ thống pháp luật hiện hành, đồng thời vi phạm các nghĩa vụ quốc tế của Thụy Sĩ.
Đồng thời, bà cũng cho biết thêm rằng chính phủ Thụy Sĩ khó có thể gây áp lực buộc các tổ chức tài chính của nước này ngừng phục vụ khách hàng Nga. Theo bà, “chúng tôi không ra lệnh cho các ngân hàng hay công ty phải duy trì mối quan hệ với những khách hàng nào”.
Trên thực tế, các quốc gia phương Tây đã nhiều lần thảo luận về việc tịch thu tài sản bị đóng băng của Nga để giúp tái thiết Ukraine kể từ khi chiến dịch quân sự bắt đầu. Tuy nhiên cho tới nay, vẫn chưa có bất kỳ hành động nào được thực hiện do lo ngại nó sẽ tạo ra một tiền lệ nguy hiểm trong hệ thống pháp luật toàn cầu. Nga cũng đã nhiều lần đưa ra cảnh báo về các hành động này và cho rằng về cơ bản chúng chính là hành vi trộm cắp.