Tôm và cá tra là điểm sáng của sản xuất nông nghiệp trong tháng 2

SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP
17:50 - 28/02/2023
Nuôi tôm có nhiều cải thiện về chất lượng. Ảnh: VASEP.
Nuôi tôm có nhiều cải thiện về chất lượng. Ảnh: VASEP.
0:00 / 0:00
0:00
Ngoại trừ ngành chăn nuôi lợn gặp khó khăn, sản xuất nông nghiệp tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2023 diễn ra tương đối khởi sắc, nhất là lĩnh vực nuôi trồng và khai thác thủy sản đạt kết quả khả quan do thời tiết thuận lợi.

Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 2 và 2 tháng đầu năm do Tổng cục Thống kê (GSO) công bố ngày 28/2, cho thấy bức tranh khái quát về sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp và thủy sản.

Cụ thể, sản xuất nông nghiệp trong tháng 2/2023 tập trung vào gieo cấy, chăm sóc lúa và rau màu vụ đông xuân trên cả nước.

Tính đến trung tuần tháng 2, cả nước đã gieo cấy được 2.693,4 nghìn ha lúa đông xuân, bằng 100,5% cùng kỳ năm trước, trong đó các địa phương phía Bắc đạt 823 nghìn ha, bằng 105,3%; các địa phương phía Nam đạt 1.870,4 nghìn ha, bằng 98,5%; riêng các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long gieo cấy được 1.475,1 nghìn ha, bằng 98,2%.

Cùng với việc gieo cấy lúa đông xuân, các địa phương trên cả nước đang tiến hành gieo trồng cây hoa màu. Diện tích khoai lang, đậu tương, lạc giảm so với cùng kỳ năm trước chủ yếu do hiệu quả kinh tế không cao và gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm nên người dân có xu hướng chuyển dịch sang trồng ngô và rau đậu các loại.

Chăn nuôi trong tháng phát triển ổn định. Theo GSO, nguồn cung dồi dào khiến giá lợn hơi giảm trong khi giá thức ăn chăn nuôi tăng cao liên tục nên chi phí sản xuất tăng tạo áp lực đối với người chăn nuôi lợn.

Bên cạnh đó, chính quyền các địa phương và người chăn nuôi vẫn cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch do nguy cơ phát sinh dịch tả lợn châu Phi vẫn ở mức cao.

Tính đến ngày 23/2, cả nước không còn dịch tai xanh và dịch lở mồm long móng; dịch cúm gia cầm còn ở Nghệ An, Ninh Bình; dịch viêm da nổi cục còn ở Quảng Ngãi, Khánh Hòa và dịch tả lợn châu Phi còn ở 13 địa phương chưa qua 21 ngày.

Thống kê của GSO chỉ ra, lâm nghiệp trong tháng 2 tập trung vào chăm sóc và thu hoạch gỗ đến tuổi khai thác. Diện tích rừng trồng mới tập trung cả nước tháng 2/2023 ước đạt 10,7 nghìn ha, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2022. Số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 12,5 triệu cây, tăng 8,3%.

Sản lượng gỗ khai thác đạt 1.026,8 nghìn m3, tăng 4,2%, một số địa phương có sản lượng gỗ khai thác cao như: Quảng Ngãi tăng 30,5%; Quảng Ninh tăng 117,1%; Phú Thọ tăng 26,9%.

Tính chung hai tháng đầu năm 2023, diện tích rừng trồng mới tập trung của cả nước tăng nhẹ 4,8% so với cùng kỳ năm trước, ước đạt 18,8 nghìn ha. Diện tích rừng bị thiệt hại trong tháng 2/2023 là 52,5 ha, giảm 22,9% so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, tình hình nuôi trồng và khai thác thủy sản có nhiều kết quả khả quan do thời tiết thuận lợi. Cụ thể, sản lượng thủy sản tháng 2/2023 ước đạt 593,4 nghìn tấn, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó: Cá đạt 451,3 nghìn tấn, tăng 2,8%; tôm đạt 62,8 nghìn tấn, tăng 0,5%, thủy sản khác đạt 79,3 nghìn tấn, tăng 2,3%.

Tính chung 2 tháng đầu năm 2023, sản lượng thủy sản nuôi trồng ước đạt 665,9 nghìn tấn, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước. Theo GSO, xuất khẩu cá tra có nhiều triển vọng do Trung Quốc đã mở cửa thông quan cho nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam. Giá cá tra nguyên liệu tăng so với tháng trước. Tính chung 2 tháng đầu năm 2023 sản lượng cá tra đạt 223,8 nghìn tấn, tăng 3,1%.

Cùng với đó, nuôi tôm đang trong giai đoạn chuyển đổi theo hướng nâng cao chất lượng, nhiều nơi người nuôi tôm tập trung cải tạo, tu sửa ao hồ và chú trọng đến chất lượng con giống nên hạn chế dịch bệnh.

Trong hai tháng đầu năm 2023, sản lượng tôm thẻ chân trắng đạt 60,2 nghìn tấn, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng tôm sú đạt 31,3 nghìn tấn, tăng 0,3%.

Tính chung hai tháng đầu năm 2023, sản lượng thủy sản khai thác ước đạt 519,6 nghìn tấn, giảm 0,5% so với cùng kỳ năm trước. Riêng sản lượng thủy sản khai thác biển ước đạt 247,7 nghìn tấn, tăng 3,1%.

Tin liên quan

Đọc tiếp